Ngành Thủy sản Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn từ phía các thị trường nhập khẩu khi hàng xuất khẩu liên tục bị châu Âu, Mỹ từ chối nhập khẩu do không đảm bảo được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Mới đây nhất là Ả Rập Saudi đã thông báo tạm ngừng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam.

xuat khau thuy san
Nhiều lô hàng bị trả về do phát hiện có kháng sinh cấm hoặc dư lượng hóa chất kháng sinh vượt mức giới hạn tối đa cho phép. (Ảnh: VASEP)

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành Thủy sản diễn ra vào đầu năm nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Vũ Văn Tám cho biết ngành Thủy sản hướng đến mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD trong năm 2018, tăng so với mức 8,3 tỷ USD năm ngoái. Trong đó, tốc độ tăng giá trị thủy sản đạt từ 5,3 – 5,8%; tổng sản lượng thủy sản đạt từ 7 – 7,5 triệu tấn.

Mặc dù sản lượng khai thác, xuất khẩu trong xu hướng tăng lên và Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước xuất khẩu thủy sản cao nhất trên thế giới, song vấn đề tồn tại trong nhiều năm qua đối với ngành Thủy sản là tần suất các lô hàng bị trả về tương đối cao.

>> Năm 2016, số mẫu thủy sản chứa hóa chất, kháng sinh cấm tăng hơn 2%

Cụ thể, mới đây nhất, Cơ quan quản lý của Ả Rập Saudi vừa tuyên bố tạm ngừng nhập khẩu mặt hàng thủy sản Việt Nam có hiệu lực từ ngày 23/1/2018. Quyết định được đưa ra sau khi đoàn công tác nước này đi thực tế tại một số cơ sở sản xuất tại Việt Nam và phát hiện một số loại bệnh trên sản phẩm.

Ả Rập Saudi không phải là thị trường nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang nước này năm 2017 là 64,7 triệu USD (chiếm gần 7,8%). Tuy vậy, đây là thị trường chính ở khu vực Trung Đông.

Hàng liên tục bị trả về

Việc hàng thủy sản Việt Nam bị trả về không phải mới và đã xảy ra nhiều lần trước đây.

Trong giai đoạn 2002 – 2010, Việt Nam đứng đầu trong số các nước xuất khẩu sang châu Âu (EU) và Mỹ về số vụ từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy sản trên 1 triệu USD, lần lượt khoảng 160 và 380 vụ.

Tương tự tại thị trường Nhật Bản, giai đoạn 2006 – 2010, Việt Nam cũng đứng đầu các nước xuất khẩu về số vụ từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy sản trên 1 triệu USD, với hơn 120 vụ.

Riêng thị trường Úc, Việt Nam đứng thứ 4, sau Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốc về số vụ thủy sản bị trả về, với gần 350 vụ.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2014 đến tháng 9/2015, đã có gần 32.000 tấn thủy sản Việt Nam xuất khẩu đi các nước bị trả về. Riêng trong 9 tháng năm 2015, Việt Nam có 542 lô hàng thủy sản của 110 công ty xuất khẩu bị 38 nước nhập khẩu trả về. Bình quân mỗi doanh nghiệp có 5 lô hàng không đảm bảo chất lượng bị trả về. Đặc biệt, có một doanh nghiệp xuất khẩu bị trả về đến 70 lô hàng.

Nguyên nhân chủ yếu của việc các lô hàng của Việt Nam bị trả về là do tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm không đạt yêu cầu, sản phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm hóa kháng sinh hoặc sử dụng các chất bị cấm; ngoài ra quy trình khai thác, chế biến không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Bị EU ‘rút thẻ vàng’

Một khó khăn khác mà ngành thủy sản đang đối mặt, có thể đe dọa đến thị phần tại EU và Mỹ đó là việc Ủy ban Liên minh châu Âu (EC) ngày 23/10/2017 đã chính thức “rút thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam, với lý do những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp IUU.

EC sẽ rút thẻ vàng và thẻ đỏ tới những nước không có đủ biện pháp kiểm soát hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp trên lãnh hải của họ hoặc đối với các tàu cá của nước đó. Nếu một quốc gia bị rút thẻ vàng thì tương đương với cảnh báo của EC về hoạt động đánh bắt bất hợp pháp ở quốc gia đó.

EU sẽ dành thời gian 6 tháng cho các nước bị thẻ vàng có thể đưa ra các biện pháp nhằm chống lại hoạt động đánh bắt bất hợp pháp và cải thiện hệ thống quản lý giám sát của quốc gia đó. Nếu một quốc gia bị thẻ đỏ tức là quốc gia đó sẽ bị trừng phạt kinh tế hoặc chịu những hạn chế về thương mại.

Sau thời hạn 6 tháng, nếu không chứng minh được, quốc gia đó sẽ bị rút thẻ đỏ và có nhiều khả năng bị cấm xuất khẩu thủy sản sang các nước thuộc Liên minh EU.

Hiện tại các nước đang bị thẻ đỏ gồm có: Campuchia, Comoros, Saint Vincent & Grenadines.

Các nước bị thẻ vàng bao gồm: Việt Nam, Thái Lan, Kiribati, Liberia, Saint Kitts & Nevis, Sierra Leone, Đài Loan, Trinidad và Tobego, Tuvalu.

Một số nước trước đây từng bị rút thẻ nhưng đã có những cải thiện trong hoạt động quản lý đánh bắt và đã ra khỏi danh sách các nước đánh bắt bất hợp pháp của EC gồm: Belize, Curacao, Fiji, Ghana, Guinea, Panama, Papua New Guinea, Philippines, Solomon Islands, Hàn Quốc, Sri Lanka, Togo, Vanuatu.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNN, trong hai tháng đầu năm 2018, xuất khẩu thuỷ sản ước đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2017 và hoàn thành 13% kế hoạch xuất khẩu 9 tỷ USD năm 2018.

Quy định về chống đánh bắt cá bất hợp pháp IUU của EU là gì?

IUU là tên viết tắt của các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (illegal, unreported and unregulated fishing). Quy định về IUU được EU ban hành có hiệu lực từ ngày 1/1/2010, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt cá dưới các hình thức này.

Theo lập luận của EU, hoạt động đánh bắt cá IUU là mối đe dọa lớn nhất đến việc duy trì, bảo tồn các nguồn lợi thuỷ sản và đa dạng sinh thái biển, gây ra những tác động nghiêm trọng về môi trường đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, hoạt động khai thác IUU còn khiến những người hoạt động đánh bắt cá hợp pháp bị thiệt hại.

Liên Hương