Tháng 12 năm 2017 đánh dấu một sự kiện đáng nhớ của cả thị trường M&A cũng như thị trường rượu bia, nước giải khát. Công ty TNHH Vietnam Beverage hiện danh cho tỷ phú người Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã chuyển đủ 110.000 tỷ đồng cho Bộ Công thương để nhận chuyển quyền sở hữu 53,69% cổ phần của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát (tên thương mại là Sabeco với mã chứng khoán SAB trên sàn HOSE).

nam 2018 lieu co bien lon trong nganh bia ruou nuoc giai khat sabeco 2
Tại sao ThaiBev muốn thâu tóm Sabeco bằng bất cứ giá nào? (Hình ảnh minh họa/Sabeco)

4,8 tỷ USD là cao hay thấp?

Giá chốt cho thương vụ chuyển nhượng 53,69% cổ phần Sabeco là 320 ngàn đồng/cổ phiếu. Theo giới chuyên môn chứng khoán, đây là mức giá được định cao vì P/E dự phóng của SAB chạm ngưỡng 47 lần, trong khi các công ty  cùng lĩnh vực chỉ có 22,5. Căn cứ theo mức tăng trưởng và lợi nhuận, mức giá hợp lý của SAB được đánh giá dao động khoảng hơn 200 ngàn đồng/ cổ phiếu.

Tuy nhiên, giá mua để hưởng lợi tức từ cổ phiếu và giá mua để thâu tóm quyền kiểm soát công ty lại là hai cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt. Theo đó, nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao nhiều hơn mức giá thị trường của cổ phiếu để nắm giữ quyền kiểm soát một công ty. Theo nguồn tin Reuter, Thai Bvev đã có ý định thôn tính Sabeco từ trước, với bất cứ giá nào.

Thông tin Bộ Công thương chào bán một lượng lớn cổ phần vào thời điểm cuối tháng 11 đã đẩy giá cổ phiếu SAB lên rất cao, có lúc chạm ngưỡng 350 ngàn đồng/ cổ phiếu. Thị trường đặt hy vọng các nhà đầu tư chiến lược sẽ thâu tóm cổ phiếu để đặt chân vào Hội đồng quản trị của Sabeco. Tuy nhiên, câu chuyện thâu tóm lại chuyển hướng tiếp cận hoàn toàn khác, Bộ Công thương chấp nhận bán 53,69% cổ phần cho một tổ chức. Chính vì vậy, chỉ ngay ngày hôm sau khi có kết quả 53,69% cổ phần Sabeco thuộc về tay một công ty liên quan tới ThaiBev, ngày 19/12, cổ phiếu Sabeco đã chịu cảnh bán tháo ồ ạt. Hơn 360.000 cổ phiếu được khớp lệnh, chủ yếu là khối ngoại bán ròng, kéo giá cổ phiếu SAB về mức giá sàn, giảm 21.600 đồng so với giá tham chiếu đầu phiên. Chốt phiên giao dịch 19/12, cổ phiếu SAB giảm gần 7%, xuống còn 287.600 đồng. Vốn hóa của công ty bia giữ thị phần lớn nhất cả nước “bốc hơi” gần 14.000 tỷ đồng.

Vậy tại sao ThaiBev muốn thâu tóm Sabeco bằng bất cứ giá nào?

Giá trị thương hiệu 140 năm tuổi của Sabeco chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch kinh doanh của ThaiBev khi thực hiện kế hoạch M&A này. Đích ThaiBev nhắm vào chính là kênh phân phối các sản phẩm của Sabeco tại 63 tỉnh thành cả nước, bao gồm 11 công ty thương mại với 44 chi nhánh, 800 nhà phân phối cấp 1 và trên 32 ngàn điểm bán hàng.

Nếu so sánh với thương vụ M&A Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 655 triệu euro  (tương đương chừng 706 triệu đô-la Mỹ) hồi năm 2015 thì hệ thống phân phối của Sabeco có một đặc thù và giá trị rất lớn. Nếu như hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam có 19 trung tâm thương mại thì hệ thống phân phối của Sabeco lại có tới 32 ngàn điểm bán hàng trên cả nước. Nếu như vận hành 19 trung tâm thương mại của Metro Cash & Carry Việt Nam phát sinh chi phí nhân công, bến bãi,… thì 32 ngàn điểm bán hàng của Sabeco hầu như không mất chi phí nào.

Hơn nữa, ngành kinh doanh bia, nước giải khát có đặc thù riêng, để xâm nhập và gây dựng một tên tuổi cần một thời gian lâu dài và chi phí rất tốn kém. Ví dụ, muốn chào bán một sản phẩm bia mới vào một nhà hàng, trong giai đoạn đầu, hãng bia phải cử các nhân viên tiếp thị xuống phục vụ tại bàn, giới thiệu sản phẩm cho khách dùng thử. Bên cạnh đó, phải cấp tín dụng cho nhà hàng dưới dạng hàng ký gửi, không thể thu tiền ngay. Nói tóm lại, mở thể một điểm bán hàng rất rủi ro, tốn kém và mất thời gian.

Nắm giữ hệ thống phân phối này, ThaiBev quả là có một con đường thẳng tiến chiếm lĩnh cả thị trường rượu bia, nước giải khát Việt Nam, cộng với con đường tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm khác như snack, gia vị,…

Những thay đổi gì sẽ xảy ra trên thị trường Rượu, bia nước giải khát trong thời gian tới?

Chỉ vài ngày sau khi ThaiBev có kết quả trúng thầu thì hoạt động của Sabeco đã có những thay đổi nhất định. Các báo cáo hoạt động được thêm một phiên bản tiếng Anh và nội bộ công ty cũng sẵn sàng tâm lý cho một quá trình thanh lọc, tái cơ cấu tổng thể. Tiếp theo đó sẽ là những chuyển biến về sản xuất, tiêu thụ… Với những kinh nghiệm trong ngành sản xuất đồ uống, ThaiBev chắc chắn sẽ có những hiệu chỉnh đáng kể quy trình sản xuất của Sabeco theo hướng tích cực, nâng cao hiệu suất, giảm giá thành, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Điều đó cũng đồng nghĩa các đối thủ khác của Sabeco sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn.

Tận dụng kênh phân phối tiêu thụ sẵn có, các sản phẩm khác của ThaiBev sẽ xâm nhập vào thị trường. Xu hướng Thái hóa bữa nhậu Việt được dự đoán là diễn ra trong năm 2018.

Giá rẻ là kim chỉ nam của các sản phẩm Thái Lan nói chung và tập đoàn ThaiBev nói riêng. Sản phẩm của Sabeco có khả năng “đã rẻ, còn rẻ hơn nữa” trong năm tới. 

Việt Nam có nên gỡ bỏ hạn mức này cho một số ngành hàng không?

Chấp nhận ThaiBev vượt qua hàng rào kỹ thuật về giới hạn room ngoại, Việt Nam có nên gỡ bỏ hạn mức này cho một số ngành hàng không?

Quay trở lại thị trường M&A, thương vụ chuyển nhượng cổ phần Sabeco được đánh giá là thành công trong lịch sử thoái vốn DNNN từ trước đến nay. Với số tiền 110.000 tỷ đồng, tương đương với 4.8 tỷ USD, nhà nước có thể sử dụng cho nhu cầu vốn trước mắt, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như trả nợ.

Tuy nhiên, điều mà ít báo chí nhắc tới là quy định giới hạn room ngoại ở mức 49%, ở một mức độ nào đó, đã chính thức bị phá vỡ. Tập đoàn đồ uống Thái Lan này chỉ đơn giản thực hiện một vài thao tác pháp lý là có thể vượt qua rào cản kỹ thuật này. Cụ thể, chỉ hơn 1 tháng trước khi thương vụ bắt đầu, Tập đoàn Fraser & Neave Ltd (F&N) – một công ty mà ThaiBev nắm giữ 49% vốn – đã thành lập công ty TNHH Vietnam Beverage với số vốn 682 tỷ đồng. Công ty TNHH Vietnam Beverage được xác định là công ty Việt Nam nên được phép mua toàn bộ cổ phần chào bán của Bộ Công thương.

Sau thương vụ, ThaiBev cũng chỉ cần thực hiện một vài thao tác pháp lý là có thể hợp thức được quyền sở hữu cổ phần. Vấn đề là Chính phủ và các cơ quan chức năng đều nhận thức rõ điều này, đồng thời chấp nhận nó. Câu hỏi đặt ra là vậy thì có nên giới hạn room ngoại không khi mà vẫn tạo một lối mở để các nhà đầu tư nước ngoài đi qua? Vì chắc chắn, sau thương vụ ThaiBev cũng sẽ có nhiều nhà đầu tư khác đi theo “lối mở” để đạt được mục đích chiếm quyền kiểm soát các doanh nghiệp. Như vậy, không chỉ thị trường giải khát, rượu bia có biến lớn mà thị trường M&A năm 2018 cũng báo hiệu sự thay đổi ngoạn mục.

Nguyễn Hương

Xem thêm: