Trong tháng 7/2017, Trung tâm nghiên cứu Pew đã công bố kết quả điều tra đối với công dân ở 38 quốc gia, trong đó khảo sát ý kiến xem người dân thế giới đánh giá Mỹ hay Trung Quốc mới là quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất. Cuộc điều tra được thực hiện thông qua gọi điện thoại hoặc phỏng vấn trực tiếp. Ngoài sức mạnh kinh tế, cuộc khảo sát còn đặt câu hỏi về các phương diện khác như hình ảnh của lãnh đạo quốc gia, mức độ tôn trọng nhân quyền và tôn trọng quyền tự do cá nhân.

Quốc gia nào có nền kinh tế dẫn đầu

Trên bình diện kinh tế, mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 đã khiến Mỹ và nhiều nước phương Tây rơi vào suy thoái, và các nền kinh tế này vẫn đang phục hồi chậm chạp với tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, kết quả nghiên cứu cho thấy người dân thế giới vẫn đánh giá Mỹ vượt trội Trung Quốc về sức mạnh kinh tế. Tuy nhiên những đánh giá này cũng tương đối khác biệt giữa các khu vực địa lý.

khaosatTrungMy cac nuoc
Kết quả khảo sát của Pew đối với người dân 38 quốc gia về Mỹ hay Trung Quốc có nền kinh tế đứng đầu thế giới. Màu cam chọn Trung Quốc, màu xanh chọn Mỹ, màu trắng là không có dữ liệu và màu xám là những nước cho rằng 2 quốc gia này ngang bằng nhau.

Trong số 38 quốc gia được nghiên cứu, tỷ lệ quốc gia đánh giá Mỹ là nền kinh tế hàng đầu là 42%, tỷ lệ đánh giá Trung Quốc có kinh tế vượt trội hơn Mỹ là 32%. Đa số ở các nước khu vực Mỹ Latin, châu Á và khu vực phụ cận Sahara châu Phi cho rằng kinh tế Mỹ đứng đầu.

Tuy vậy, có đến 7/10 nước châu Âu trong khảo sát, đánh giá Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất. Và đa số người Nga cũng có cùng quan điểm tương tự. Úc, đồng minh lâu năm của Mỹ nhưng lại là đối tác kinh tế của Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc mới là nền kinh tế mạnh nhất.

khaosatTrungMy top country
Tỷ lệ người được hỏi đánh giá Mỹ hay Trung Quốc mới là nền kinh tế hàng đầu thay đổi từ 2016 đến 2017 ở một số quốc gia. Đặc biệt tại Anh, Đức, Tây Ban Nha, hiện có nhiều người coi Trung Quốc có kinh tế vượt trội hơn Mỹ

Không chỉ ở châu Âu, các nước như Canada, Brazil, Mexico và Philippines đều thay đổi quan điểm nghiêng hẳn về Trung Quốc, cho rằng quốc gia này mới thật sự là dẫn đầu kinh tế thế giới. Cũng dễ hiểu vì đa phần các quốc gia này phụ thuộc rất lớn vào thị trường nhập khẩu ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của Pew cũng chỉ ra thực tế rằng mặc dù nhiều người trên thế giới đánh giá Mỹ vượt trội hơn Trung Quốc về kinh tế (24/38 nước), nhưng cùng ở các quốc gia này, số lượng quốc gia cảm thấy ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc lớn hơn Mỹ đã tăng gấp đôi so với cuộc khảo sát trước đây (được hỏi trong giai đoạn 2014-2016).

Hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế

khaosatTrungMy hinh anh Trung Quoc
Tỷ lệ ưa thích/không ưa thích của Trung Quốc tại một số quốc gia năm 2017. (Màu vàng: không ưa thích/màu xanh: ưa thích)

Trong số 38 nước được khảo sát, tỷ lệ yêu thích Trung Quốc là 47% và không ưa thích là 37%. Trung Quốc được yêu thích nhất ở khu vực phụ cận Sahara châu Phi, nơi mà Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ trong những năm gần đây, đặc biệt ở Nigeria, Senegal Tanzania với tỷ lệ lớn hơn 4/1.

Tỷ lệ ưa thích Trung Quốc ở Ghana là 49%, giảm 31% so với năm 2015. Điều này một phần là do tranh chấp gần đây giữa hai nước trong vấn đề khai mỏ ở Ghana.

Peru là nước có sự ưa thích đối với Trung Quốc lớn nhất trong khu vực Mỹ Latin, tỷ lệ này ở Brazil, Venezuela và Chile khoảng 50%.

Tuy nhiên hình ảnh của Trung Quốc tại Bắc Mỹ đã có sự suy giảm, chỉ có 40% người Canada được hỏi có đánh giá tích cực về Trung Quốc, so với 48% như trước đây.

Tỷ lệ người Mỹ không ưa thích Trung Quốc là 55% vào năm 2016, tuy nhiên đến nay lại giảm xuống chỉ còn 47%. Từ đầu năm nay, Tổng thống Trump cố gắng xây dựng quan hệ nồng ấm hơn với Chủ tịch Tập Cận Bình với hy vọng Trung Quốc sẽ giúp Mỹ giải quyết mối bận tâm an ninh Bắc Hàn. Kết quả khảo sát của Pew có thể phản ánh điều đó. Tuy nhiên chính sách này dường như đã đổ bể với việc gần đây ông Trump liên tục chỉ trích Trung Quốc bất lực với hồ sơ Bắc Hàn, do đó, tỷ lệ này trong tương lai có thể thay đổi.

Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, quan điểm về Trung Quốc có sự khác biệt rõ nét.

Có đến 64% số người Úc được hỏi đã bày tỏ quan điểm tích cực về Trung Quốc, nhưng ở Việt Nam chỉ là 10%. Cũng tại Úc, mức độ yêu thích đối với Trung Quốc tăng lên 12% trong một năm qua, nhưng mức độ ưa thích đối với Mỹ lại giảm 12%.

Tuy nhiên tại sân nhà của Trung Quốc (châu Á), mức độ ưa thích Trung Quốc đã giảm mạnh trong vòng 2 năm qua. Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc là những quốc gia có tỷ lệ không ưa thích Trung Quốc lớn nhất thế giới. Tại Việt Nam, 88% người được hỏi không thích Trung Quốc, tăng 9% trong 2 năm, và tăng mạnh nhất là ở Hàn Quốc, tăng 27% lên 61% không ưa thích cũng trong 2 năm. Tại Nhật Bản, nơi đang có tranh chấp với Bắc Kinh tại biển Hoa Đông, 83% người được hỏi không thích Trung Quốc, tỷ lệ này tăng 42% từ năm năm 2002.

Hình ảnh của người đứng đầu quốc gia

Điểm chung của Mỹ và Trung Quốc là hình ảnh của hai lãnh đạo đứng đầu quốc gia đều không được đánh giá tích cực đối với cư dân quốc tế. 

Có 53% số người nói rằng họ không tin rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cần Bình có thể làm được những điều tốt đẹp cho thế giới. Tỷ lệ này đối với tổng thống Donald Trump còn cao hơn, ở mức 74%.

Trong khi hình ảnh về đất nước Trung Quốc khá tích cực, hình ảnh của vị lãnh đạo quốc gia lại không như vậy. Có 53% số người được hỏi cho biết họ không tin hoặc rất ít niềm tin rằng chủ tịch Tập sẽ có những hành động đúng đắn cho các vấn đề quốc tế, so với 28% số người tin vào chủ tịch Tập.

khaosatTrungMy cau hoi 1

Chỉ có 5 nước có tỷ lệ tin tưởng vào chủ tịch Tập lớn hơn 50%, đều ở khu vực châu Phi.

Hình ảnh ông Tập ở châu Âu và Mỹ tương đối tiêu cực, và cũng rất thấp ở 2 nước láng giềng Việt Nam và Nhật Bản.

Ở một số quốc gia, tỷ lệ công chúng trả lời “không biết” khi được hỏi đánh giá ông Tập Cận Bình khá lớn như Ấn Độ, Tunisia, Hungary, Argentina, Indonesia và Senegal.

Thủ tướng Nga Vladimir Putin cũng bị đánh giá tiêu cực hơn ông Tập với tỷ lệ là 59%. Thủ tướng Đức Angela Merkel là lãnh đạo thế giới duy nhất trong cuộc điều tra nhận được đánh giá tích cực với 42% số người tin tưởng và 31% số người nói không.

Vấn đề Nhân quyền ở Trung Quốc

Trên tổng thể, có 22 trong số 38 quốc gia được khảo sát cho rằng chính quyền Trung Quốc không tôn trọng tự do cá nhân của công dân nước mình.

Tuy nhiên, có đến 55% số người ở khu vực Trung Đông, và 53% ở châu Phi hạ Sahara tin rằng Trung Quốc tôn trọng tự do cá nhân của người dân nước mình.

Tỷ lệ này ở phương Tây lại hoàn toàn khác biệt khi 8 trong số 10 người được hỏi ở các nước Thụy Điển, Pháp, Đức, Hà Lan, Mỹ, Canada tin rằng Trung Quốc không bảo vệ tự do cá nhân cho công dân mình.

Trong chính khu vực châu Á, 56% và 52% người Indonesia và Philippines tin rằng Trung Quốc tôn trọng quyền tự do của công dân. Trong khi 85% ở Nhật Bản, 81% ở Australia và 77% ở Hàn Quốc và đa số người châu Âu và Bắc Mỹ cho rằng vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc rất tiêu cực.

Tuy nhiên ở các nước mà Trung Quốc nỗ lực cải thiện quan hệ song phương như Nga, Philippines và Jordan, tỷ lệ người cho rằng Trung Quốc tôn trọng tự do nhân quyền lại có vẻ tăng lên.

Sự vi phạm nhân quyền của Trung Quốc là vấn đề khá nổi rõ, thường được báo cáo trong các đánh giá thường niên của tổ chức Ân xá quốc tế. Trong đó, Trung Quốc thường xuyên đàn áp các nhóm tôn giáo hoặc nhóm dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, đặc biệt cuộc đàn áp Pháp Luân Công kéo dài 18 năm qua gây ra cái chết của hàng triệu người.

Hoa hậu thế giới Canada Anatasia Lin - "Hoa hậu của các hoa hậu" - Kỳ I: Tuổi trẻ và sự đăng quang độc nhất vô nhị
Anatasia Lin nói về tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, Trung Quốc lại rất giỏi trong việc kiểm duyệt thông tin và kiểm soát truyền thông khiến cho ngay cả người dân nước mình cũng khó có được thông tin chân thật.

Theo Thời báo Tài chính (Anh), ông  David Shambaugh, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học George Washington từng chỉ ra, chi phí tuyên truyền ra nước ngoài của chính quyền Trung Quốc hàng năm lên đến 10 tỷ đô la Mỹ.

Cũng theo thống kê của hãng tin Reuters cho biết, năm 2015, Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc nắm quyền quản lý 33 đài phát thanh ở 14 quốc gia. Các đài này phát đi những thông điệp có lợi cho Trung Quốc.

>> Trung Quốc ‘đổ’ tiền tuyên truyền mua quyền lực mềm ở nước ngoài

Có lẽ đây cũng là một trong những lý do khiến những người dân ở một số nước như châu Phi, nơi mà Trung Quốc đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, hoặc ở quốc gia mà Trung Quốc thúc đẩy quan hệ song phương, đa số người dân vẫn tin vào sức mạnh kinh tế Trung Quốc và là quốc gia tôn trọng nhân quyền cơ bản.

Liên Hương

Xem thêm: