Với nguồn dự trữ ngoại hối hùng mạnh 3.000 tỷ USD, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc được chính phủ hậu thuẫn đã thâu tóm rất nhiều doanh nghiệp từ châu Phi, châu Úc, châu Âu…và đến cả Mỹ, nền kinh tế đầu tàu thế giới cũng đang bị đe dọa.

Vì muốn ảnh hưởng tới quốc tế, muốn thâu tóm các nguồn tài nguyên, khoa học công nghệ và vì lợi ích nước lớn, nên Trung Quốc đã mạnh chi cho các doanh nghiệp nhà nước đi thâu tóm các doanh nghiệp toàn cầu. Doanh nghiệp nhà nước chính là cánh tay vươn dài của Trung Quốc. Nghịch lý là các nước không muốn quốc hữu hóa doanh nghiệp, nhưng đã để Trung Quốc “quốc hữu hóa” chính các doanh nghiệp của mình. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, làn sóng mua bán sáp nhập trị giá 134 tỷ USD đã thuộc về Trung Quốc, điều này làm dấy lên mối lo ngại lan tỏa toàn cầu.

Trung Quốc đẩy mạnh mua doanh nghiệp nước ngoài

Tháng 12/2012, công ty phụ tùng và công nghệ ôtô Wanxiang Group, Trung Quốc đã thắng trong một cuộc đấu giá doanh nghiệp phá sản là công ty sản xuất pin A123 Systems của Mỹ với giá 256,6 triệu USD. Trước đó Quốc hội Mỹ đã phản đối vì lo ngại liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia. Công ty A123 trụ sở ở Waltham, bang Massachusetts, là một nhà cung cấp pin ôtô cho quân đội Mỹ và đã được Chính phủ liên bang đầu tư 249 triệu USD để xây dựng. Đến khi A123 đệ đơn xin phá sản, đã tạo cơ hội cho Wanxiang mua lại thông qua quá trình đấu giá. Một tài sản của chính phủ Mỹ đã gián tiếp thuộc về Bắc Kinh.

Tiếp đó, đến tháng 12/2012, một nhóm công ty tài chính của Trung Quốc mua lại bộ phận cho thuê máy bay của hãng bảo hiểm Mỹ AIG với giá 4,26 tỷ USD.

Vào tháng 10/2014, Tập đoàn bảo hiểm Anbang Bắc Kinh, Trung Quốc đã mua đứt khách sạn Waldorf thuộc tập đoàn Hilton, với giá 14,3 tỷ USD. Khách sạn Waldorf được xem là “trái tim” kinh tế Mỹ ở khu trung tâm Manhata, New York, là nơi mà suốt nhiều năm trước Bộ Ngoại giao Mỹ thường chọn để ở và họp khi họ tới New York để dự các phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Ngay sau đó lo ngại về an ninh của các nhân viên bộ ngoại giao, trong đó có việc an ninh mạng và nghe lén các cuộc họp, vì thế Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho hàng trăm quan chức cấp cao và nhân viên hỗ trợ Mỹ khi tới New York chuyển sang ở khách sạn New York Palace.

Tháng 2/2016, Tập đoàn hóa chất Trung Quốc ChemChina cũng công bố đã bỏ ra 43 tỷ USD để mua lại tập đoàn sản xuất hóa chất nông nghiệp và hạt giống hàng đầu thế giới Syngenta của Thụy Sĩ.

Tháng 4/2016, Công ty thương mại điện tử Lazada được Rocket Internet (Đức) thành lập năm 2012 cũng bị tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc – Alibaba bỏ 1 tỷ USD vào sở hữu 64% cổ phần Lazada. Lazada được cho là một thị trường thương mại điện tử lớn nhắm vào Đông Nam Á – khu vực có rất nhiều quốc gia tiềm năng.

Trên đây chỉ là một trong số các thương vụ M&A lớn mà các doanh nghiệp Trung Quốc tiến hành trong thời gian gần đây. Theo công bố, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, các tập đoàn Trung Quốc đã bỏ ra 134 tỷ USD để mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp nước ngoài, vượt xa mức M&A của cả 2 năm 2014 và 2015 cộng lại.

Trung Quốc thường nhắm tới mua những doanh nghiệp tiềm năng về tài nguyên, khoáng sản, đất đai, về truyền thông, thương mại và đặc biệt chú trọng mua các doanh nghiệp công nghệ cao để đánh cắp các công nghệ mà Trung Quốc chưa có.

Quốc hội Hoa Kỳ lo ngại

Mỹ không muốn chính phủ mua lại các doanh nghiệp, chỉ khi thực sự cần thiết thì chính phủ mới ra tay cứu doanh nghiệp, nhưng lại chưa có biện pháp cấm chính phủ Trung Quốc mua. Bản chất các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc là cánh tay của chính phủ, khi đã thâu tóm thì chính phủ Trung Quốc sẽ có sự can thiệp vào doanh nghiệp vì lợi ích của mình.

Vì vậy, Cơ quan đặc trách về an ninh kinh tế của Chính phủ Mỹ đã cho rằng phải ngăn chặn tình trạng các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang mạnh tay thâu tóm các công ty Mỹ, việc này giúp Trung Quốc có thể đạt được nhiều mục đích.

Thực tế trong 6 tháng năm 2016, Trung Quốc đã chi 64,5 tỷ USD mua các doanh nghiệp Mỹ, chiếm 48% tức là gần một nửa trong tổng 134 tỷ USD các thương vụ mua bán sáp nhập quốc tế của Trung Quốc.

Ở Mỹ, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thường thâu tóm những công ty kỹ thuật và công nghệ cao có thể phục vụ cho quốc phòng của Mỹ, nhằm tìm kiếm bí quyết kinh doanh, công nghệ và sự ảnh hưởng, bổ sung những gì doanh nghiệp Trung Quốc còn thiếu. Hơn nữa với việc thâu tóm các công ty Mỹ, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có quyền tham gia vào hội đồng quản trị và có thể tác động đến chiến lược của các công ty này, thông qua đó một cách gián tiếp thì chính phủ Trung quốc cũng sẽ đưa ra những ảnh hưởng có lợi cho họ.

Đó là những lý do mà ngày 16/11, Ủy ban Đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ – Trung Quốc đã có kiến nghị Quốc hội Mỹ cần sửa đổi quy chế cho phép Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ phong tỏa các thương vụ của Trung Quốc nhằm thâu tóm, kiểm soát các công ty Mỹ.

Ủy ban này cho rằng Trung Quốc đã sử dụng các doanh nghiệp nhà nước như một công cụ kinh tế chủ chốt để thúc đẩy và đạt được những mục tiêu an ninh quốc gia.

Đề xuất cho rằng Mỹ nên có các hành động để ngăn chặn việc các doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm các công ty Mỹ. Cụ thể là Quốc hội Mỹ cần điều chỉnh nhiệm vụ của CFIUS – cơ quan thuộc chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm đánh giá tác động an ninh với các vụ mua bán công ty trong nước của các doanh nghiệp nước ngoài được trình lên.

Ủy ban này đề nghị Quốc hội sửa đổi quy chế cho phép CFIUS ngăn chặn các DNNN của Trung Quốc thâu tóm hoặc nếu không thì các DN Mỹ cần được kiểm soát hiệu quả hơn – báo cáo cho biết. Khi đề xuất trên được chấp nhận sẽ tạo ra một lệnh cấm mua lại các công ty Mỹ từ các doanh nghiệp Trung Quốc. Vì an ninh của Mỹ, Quốc hội Mỹ cũng có thể chấp nhận đề xuất này vào thời gian sớm nhất.

Tâm sáng

Xem thêm: