Theo kết quả lợi nhuận quý II/2017 vừa được công bố, lợi nhuận của công ty Baidu tăng vọt so với dự đoán trước đó. Cổ phiếu của Baidu được giao dịch trên sàn Nasdaq, đã tăng 6,5% lên 214 USD trong phiên giao dịch hôm thứ Năm ngày 27/7.

Doanh thu quý II của Baidu khoảng 3.079 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh là 621 triệu USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ. Thu nhập ròng là 651 triệu USD, tăng 82,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trên một cổ phiếu của Baidu trong quý II là 2,36 USD, vượt xa con số 1,2 quý II năm ngoái.

Triển vọng lợi nhuận trong quý III/2017 cũng được kỳ vọng tăng cao với tổng doanh thu khoảng 3,412 tỷ USD đến 3,503 tỷ USD.

Trước đó, thị trường dự đoán doanh thu quý II năm nay của Baidu sẽ giảm mạnh khi công ty này phải đối mặt với sự điều tra của cơ quan hành pháp, và sự phẫn nộ của công chúng sau cái chết của một sinh viên. Trước đó sinh viên này cáo buộc rằng Baidu đã chỉ dẫn anh ta sử dụng một phương án điều trị ung thư sai lầm.

Baidu là một hãng cung cấp dịch vụ tìm kiếm trực tuyến tương tự như Google, doanh thu chủ yếu đến từ các hoạt động quảng cáo online. Tuy nhiên, thị phần của hai công ty này khá đối lập nhau ở trên thế giới và tại Trung Quốc.

Theo trang investopedia.com, Baidu chiếm 80% thị phần ở Trung Quốc trong khi Google chỉ chiếm khoảng 10%. Tuy nhiên, trên thị trường toàn cầu thì điều đó ngược lại: Google chiếm lĩnh 90% thị phần, còn Baidu là 1%.

>> Châu Âu ra án phạt kỷ lục 2,7 tỷ USD cho Google vì thiên vị kết quả tìm kiếm

Theo Bloomberg, khoảng 99,7% doanh thu của Baidu là từ quảng cáo và dịch vụ marketing online, trong khi của Google là 88%. Phần trăm doanh thu còn lại của Google đến từ hệ điều hành di động Android, nền tảng video Youtube và các dịch vụ khác.

Sự thành công của Baidu tại Trung Quốc một phần là nhờ vào ưu thế trong việc tìm kiếm bằng Hán tự. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn hơn có lẽ là nhờ vào sự ưu đãi của chính phủ Trung Quốc đối với công ty luôn tuân theo quy định kiểm duyệt nhà nước này.

Theo nghiên cứu của giáo sư luật John Palfrey, Trường Đại học Havard, xác suất mà các trang web khiêu dâm bị ngăn chặn ở Trung Quốc chỉ là 10%. Khoảng 48% các trang web có chứa từ “sự kiện ngày 4 tháng 6” (cách người Trung Quốc gọi vụ thảm sát ở Quảng Trường Thiên An Môn vào năm 1989) bị cấm.

Còn từ khóa “Pháp Luân Công” thì bị dẫn đến những tuyên truyền đầy ác ý không chỉ tại đại lục mà còn ở Macao, vùng đất thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Trung Quốc. Thậm chí một nhân viên làm việc trong ngành IT tại đây còn cho biết, nếu chỉ cần trong máy tính bạn có thư điện tử chứa từ “Pháp Luân Công” (gửi đi hay ai khác gửi đến), thì máy tính của bạn lúc đó đã bị theo dõi rồi.

Trong khi Google thì ngược lại, chẳng hạn chỉ có khoảng 3% tìm kiếm về Pháp Luân Công – trên Google sẽ dẫn đến những tuyên truyền tiêu cực của ĐCSTQ.

>> Baidu gỡ bỏ kiểm duyệt ‘Pháp Luân Công’ và ‘mổ cướp nội tạng’ trong một thời gian ngắn

Ngoài ra, việc Google rút khỏi thị trường Trung Quốc vào năm 2010 do những bất đồng về chính sách kiểm duyệt thông tin mà nước này áp đặt, đã giúp cho Baidu có cơ hội phát triển mạnh trong nước.

Sau khi Google tuyên bố rút khỏi Trung Quốc vào tháng 3/2010, trang tìm kiếm Google tại Trung Quốc được chuyển sang site đặt tại Hồng Kông.

Liên Hương

Xem thêm: