Vụ án tranh chấp dân sự Vinasun kiện Grabtaxi  đòi bồi thường ngoài hợp đồng bị đột ngột tạm ngừng ngày 7/2. Có thông tin cho rằng Tòa đang xem xét lại thẩm quyền thụ lý vụ việc. Điều này khiến dư luận không khỏi e ngại tính độc lập của hệ thống tư pháp.

grabtaxi vinasun
Luật sư bị đơn đề nghị đình chỉ phiên tòa, ngày 7/2/2018. (Ảnh từ clip/Vĩnh Long)

Vụ án tranh chấp dân sự do hãng taxi truyền thống Vinasun khởi kiện Công ty TNHH Grabtaxi Việt Nam đòi bồi thường thiệt hại 41 tỷ đồng, vì cho rằng Grabtaxi đã hoạt động trong lĩnh vực taxi trái phép, gây rối loạn thị trường, khiến nhiều xe của Vinasun phải ngừng hoạt động, hàng ngàn người lao động mất việc, lợi nhuận giảm sút.

Đây là phiên tòa có ý nghĩa cột mốc đối với ngành vận tải taxi tại Việt Nam và đối với Grabtaxi bởi lẽ đây là một thị trường lớn nhất của Grabtaxi tại khu vực Châu Á. Đặc biệt quan trọng hơn trong bối cảnh Grabtaxi đang thâu tóm mảng dịch vụ này của đối thủ Uber, để trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ đặt xe qua ứng dụng lớn nhất, duy nhất tại thị trường Việt Nam.

Ngày 6-7/2/2018, phiên tòa sơ thẩm đã được xét xử công khai với sự tham gia của nhiều cơ quan báo chí cả nước. Trong quá trình xét xử, tranh tụng, thẩm vấn, nhiều tình tiết được làm rõ, bộc lộ hoạt động thực tế của chuỗi cung ứng vận tải Grab trong thời gian qua.

Theo thí điểm đề án số 24 của Bộ Giao thông vận tải, Grabtaxi chỉ được phép cung cấp phần mềm kết nối hành khách và đơn vị vận tải (doanh nghiệp vận tải hoặc hợp tác xã vận tải). Tuy nhiên, qua đối chất tại phiên tòa, đại diện pháp lý của Grabtaxi khẳng định hợp tác xã vận tải là chủ thể cung cấp các chuyến xe, chịu trách nhiệm về hành trình, quyết định giá cước vận tải. Thế nhưng vị này lại không thể cung cấp được cho chủ tọa phiên tòa danh sách của các hợp tác xã là đối tác của mình. Lời hứa cung cấp danh sách sẽ thực hiện sau khi phiên tòa được mở lại.

Về việc quyết định giá cước vận tải của mỗi chuyến đi, Grabtaxi cũng khẳng định các hợp tác xã chính là bên quyết định giá cước. Tuy nhiên, Grabtaxi tại phiên tòa cũng hoàn toàn lúng túng khi chủ tọa phiên tòa yêu cầu lý giải làm sao giá cước xuất hiện trên phần mềm ngay sau khi người dùng lựa chọn lộ trình, trước cả thời điểm lái xe được lựa chọn. Hợp tác xã nào chỉ trong vài giây đã nhập giá cước lên phần mềm.

Về giá cước, cộng đồng lái xe Grab cũng bày tỏ sự phẫn nộ trước phần trả lời thiếu trung thực của đại diện pháp lý của Grabtaxi. Nhiều lái xe cho biết sẵn sàng tham gia đối chất với Grabtaxi về việc ai là người quyết định giá cước. Anh N.N – một lái xe Grab tại Hà Nội cho biết, chính việc quyết định giá cước vận tải thấp (7.000-8.000 đồng/km), thu chiết khấu cao (23,6-29,5%) của Grabtaxi đã khiến thu nhập được phân chia của các lái xe không đủ bù chi phí. Điều này dồn ép các lái xe vào tình trạng khó khăn, không lối thoát do nhiều người trong số họ đã vay tiền ngân hàng để đầu tư xe, nay không thể hoàn vốn, lâm vào tình trạng vỡ nợ.

>> Nếu kinh doanh ở Trung Quốc, Grab, Uber phải ký hợp đồng lao động với tài xế

Không chỉ cộng đồng lái xe Grab phản ứng, người tiêu dùng cũng lo ngại về sự thiếu trách nhiệm của Grabtaxi đối với an toàn hành khách, tài sản trên các chuyến xe Grab. Theo chị Ngọc – một hành khách bị mất tài sản trên xe Grab cho biết Grab chỉ nhận mình là công ty cung cấp phần mềm, hoàn toàn phủ nhận trách nhiệm của hãng đối với khách hàng khi xảy ra sự cố trên chuyến đi. Khi yêu cầu cung cấp thông tin của hợp tác xã cung cấp dịch vụ, Grab đã từ chối cung cấp với lý do đây là thông tin bảo mật. Chị Ngọc cho rằng mình là một bên giao kết hợp đồng vận tải với hợp tác xã thì việc được biết thông tin của hợp tác xã là một quyền lợi chính đáng và đó cũng không phải là thông tin bảo mật.

Lo ngại hơn khi có thông tin tòa án sẽ trả hồ sơ vụ kiện về cho các cấp Bộ xử lý theo ý kiến của luật sư đại diện Grabtaxi. Sự lo ngại hoàn toàn có căn cứ khi trong suốt phiên tòa, luật sư của Grabtaxi liên tục đưa ra các văn bản của Bộ làm chứng cứ bao biện cho việc Grabtaxi đã tuân thủ pháp luật.

Cụ thể, về câu hỏi tại sao kinh doanh cùng một thị trường, số lượng xe lớn hơn Vinasun gấp 6 lần, Grabtaxi chỉ nộp thuế 9,5 tỷ đồng, còn Vinasun nộp 1.200 tỷ đồng, luật sư của Grabtaxi dẫn chứng Cục thuế TP.HCM đã cấp bằng khen cho Grabtaxi về hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ nộp thuế.

Về vấn đề có hay không sai phạm thực hiện đề án thí điểm số 24, luật sư đại diện Grabtaxi đưa ra văn bản của Bộ Giao thông vận tải đề xuất gia hạn đề án thí điểm.

Về vấn đề có hay không hành vi khuyến mại vượt quá quy định pháp luật về xúc tiến thương mại, luật sư phía Grabtaxi tranh luận Bộ Công thương chưa có văn bản nhắc nhở Grabtaxi về việc vi phạm luật cạnh tranh.

Chỉ trong 2 ngày phiên tòa diễn ra công khai đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết của chuỗi cung ứng vận tải Grab, thu hút sự quan tâm của nhiều người dân. Tuy nhiên, người dân cũng không khỏi lo ngại trước thông tin phiên tòa có thể bị đình chỉ liên quan tới thẩm quyền xét xử. Có hay không sự e ngại một phiên tòa công khai minh bạch? Có hay không sự lo ngại về vụ việc xét xử công khai sẽ kéo theo nhiều sự thật bị phơi bày?

Thiết nghĩ, trước những bức xúc của doanh nghiệp, người tiêu dùng, người lao động, tòa án sẽ là nơi công minh để xử lý vụ việc một cách khách quan, công bằng và minh bạch. Nếu tòa án trả lại vụ việc cho cơ quan hành pháp xử lý thì lo ngại về tính độc lập của hệ thống tư pháp không phải là không có cơ sở.

Vĩnh Long

Xem thêm: