Bitcoin là một loại tiền điện tử, được xem như một phương tiện thanh toán giữa các cá nhân với nhau mà không cần đến sự điều tiết của chính phủ hay sự tham gia của một bên thứ ba đáng tin cậy. Thị trường Bitcoin còn khá mới mẻ với nhiều người và sự bùng nổ của nó trong năm 2017 đã gây lúng túng cho nhiều nhà quản lý. Nhiều giả thuyết tỏ ra hoài nghi không biết liệu bitcoin có phải là trò lừa bịp, hay đơn giản bitcoin chỉ là một loại tiền tệ thay thế được sinh ra do sự mất lòng tin đối với các chính phủ trong việc in tiền một cách thiếu kiểm soát.

bitcoin lieu co phai tro bip?
(Ảnh: Pixabay)

Giá đồng tiền bitcoin gần đây đã biến động mạnh sau tuyên bố của CEO ngân hàng JPMorgan – ông Dimon cho rằng Bitcoin là một trò bịp bợm và rằng ông sẽ sa thải nhân viên nào của mình chơi Bitcoin.

Tiếp theo đó, tuyên bố của cơ quan chức năng Trung Quốc coi hoạt động huy động vốn bằng tiền điện tử (ICO) là bất hợp pháp và đóng cửa các sàn giao dịch bitcoin và tiền ảo trong nước đã lại một lần nữa khiến thị trường chao đảo.

>> Trung Quốc ra tín hiệu đóng cửa các sàn giao dịch Bitcoin

Bitcoin chỉ là hệ quả của sự mất niềm tin của người dân vào các chính phủ

Tuy vậy, vẫn có rất nhiều người tin tưởng vào sự tồn tại của bitcoin và nhiều chính phủ đang xem xét bitcoin một cách thận trọng.

Trong một bài phỏng vấn với tờ Bưu điện Washington, ông Levitt, người từng trên cương vị Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Mỹ với thời gian lâu nhất, đã bày tỏ quan điểm ngược lại với CEO của JPMorgan. Ông Levitt tin rằng tiền điện tử sẽ tiếp tục tồn tại.

Ông Arthur Levitt, từng làm việc dưới thời của chính quyền tổng thống Bill Clinton và George W. Bush., là người có tư tưởng bảo vệ các nhà đầu tư hơn là các tổ chức công ty hay chính phủ. Ông cũng cho rằng sự mất cân đối của kinh tế toàn cầu là lý do cho sự ra đời của một loại tiền tệ thay thế.

Tuy vậy, ông cũng không chắc chắn liệu mình có đầu tư vào bitcoin hay không, “nó khá là mạo hiểm”, ông cho biết.

Nhưng có khả năng ông sẽ xem xét việc đầu tư vào các công ty sử dụng bitcoin hoặc giao dịch bằng bitcoin.

Nói về tương lai của tiền điện tử, ông Levitt cho biết: “Tôi không biết liệu sẽ là bitcoin hay ethereum, có thể là cả 2 . Nhưng nó sẽ phát triển bởi vì sự mất cân bằng giữa các quốc gia với hệ thống tiền tệ vững chắc hoặc không có hệ thống tiền tệ hiện hữu. Nó xuất hiện như một loại tiền tệ thay thế.”

Sự bất ổn của kinh tế toàn cầu trong những thập kỷ qua, và sự mất niềm tin của người dân vào các chính phủ của mình được xem là lý do chính cho sự ra đời và phát triển của tiền kỹ thuật số.

Kinh tế bất ổn, giá cả biến động hàng ngày, hoạt động in tiền của các Ngân hàng Trung ương để thực thi các chính sách kinh tế khiến đồng tiền pháp định có thể mất giá bất kỳ lúc nào.

Vì vậy, không mấy ngạc nhiên khi tiền điện tử phát triển thành một loại phương tiện thanh toán thay thế, không cần đến sự điều hành của chính phủ.

Cũng đi ngược với quan điểm của ông Dimon, ông John McAfee, CEO của MGT Capital phát biểu trên CNBC rằng: “Tôi là một người đào bitcoin. Chúng tôi tạo ra bitcoin. Chi phí tạo ra một bitcoin là 1.000 USD. Chi phí in ra một đồng USD là bao nhiêu? Cái nào là trò lừa bịp? Bởi vì nó cũng mất chi phí như tiền giấy, nhưng nó tốn 1.000 USD. Đây gọi là bằng chứng công việc.”

Các chính phủ tỏ ra thận trọng nhưng không phủ nhận bitcoin

Trong khi nhiều người còn chưa quen với khái niệm tiền điện tử. Các chính phủ cũng khá thận trọng với vấn đề này.

Tuyên bố của chính phủ Trung Quốc đưa ra được xem là mang tính chính trị nhiều hơn trước thềm Đại hội Đảng sắp diễn ra.

Tuy vậy, nhiều chính phủ khác trên thế giới lại có cách nhìn khác. Một số chuyên gia tin rằng hoạt động của bitcoin tại Trung Quốc sẽ ổn định trở lại vào cuối năm nay.

Hôm thứ 5 tuần trước, Ủy ban chứng khoán Thái Lan đã công bố một hướng dẫn về phát hành mã token (token offerings – được phát hành như cổ phiếu để bán cho nhà đầu tư trong hoạt động ICO), giải thích rằng trong một số trường hợp, tài sản số có thể phải tuân theo luật về chứng khoán. Dường như các nhà quản lý Thái Lan đang mong muốn tạo nên sự cân bằng giữa việc thúc đẩy công nghệ và bảo vệ nhà đầu tư.

Quan điểm của ủy ban chứng khoán Thái Lan về token offerings (ICOs) là: “Bởi vì các token có thể khác nhau trong thiết kế và hình thức, một số có thể tạo ra quyền và nghĩa vụ, doanh thu tài chính tương tự như các chứng khoán theo Đạo luật về chứng khoán.”

Tương tự, vào tháng 7/2017, Ủy ban chứng khoán Mỹ đã công bố một lưu ý rằng “luật chứng khoán có thể áp dụng đối với các giao dịch và các hoạt động mua bán sinh lời trong một tổ chức cụ thể.”

Đặc biệt khi một token có chức năng như một cổ phần trong một công ty, các nhà quản lý thị trường có thể tham gia vào để đảm bảo rằng các công ty phát hành tuân thủ theo luật định.

Với sự phổ biến của token offerring ngày càng rộng rãi, Ủy ban chứng khoán Thái Lan cũng bày tỏ quan ngại rằng cơ chế gây quỹ này có thể bị lạm dụng bởi những kẻ lừa đảo.

Cơ quan quản lý của một số nước cũng đưa ra cảnh báo về ICO như Cơ quan giám sát tài chính Anh, Ủy ban chứng khoán Canada và Cơ quan giám sát tài chính Dubai.

Tại Nhật, nơi xuất xứ của đồng tiền bitcoin, các Cơ quan giám sát tài chính nước này cũng có thái độ thận trọng trong việc theo dõi thị trường tiền điện tử hơn là kìm hãm sự phát triển của nó.

Liên Hương (T/h)

Xem thêm: