Vào cuối năm 2016, Mỹ liệt trang web mua sắm online lớn nhất của Trung Quốc, Taobao vào danh sách đen về những thị trường nổi tiếng về bán hàng giả mạo và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

taobao
Trang web bán hàng online Taobao được điều hành bởi tập đoàn Alibaba (Ảnh qua: financialpost.com)

Theo Reuters, động thái gay gắt đối với chợ mua sắm trực tuyến được điều hành bởi Tập đoàn Alibaba của Phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) được thực hiện theo khiếu nại từ các hãng thương mại quốc tế bán quần áo và hàng xa xỉ. Các hãng này cáo buộc Taobao đã chưa đủ nổ lực để kiểm soát hàng giả và sản phẩm vi phạm bản quyền.

Mặc dù việc bị liệt vào danh sách đen sẽ không khiến Taobao phải chịu bất kỳ hình phạt trực tiếp nào, song đây là đòn giáng mạnh vào những tuyên bố của Alibaba về việc loại bỏ hàng giả ra khỏi các trang web thương mại của họ – vốn là chìa khóa giúp tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc có nhiều khách hàng quốc tế hơn và giành được thị phần từ các đối thủ cạnh tranh toàn cầu như eBay và Amazon.

Taobao đã từng bị đưa vào danh sách đen USTR vào năm 2011, nhưng được xóa khỏi một năm sau đó, sau khi được đánh giá là có nỗ lực để giải quyết mối lo ngại về quyền sở hữu trí tuệ, và cam kết cắt giảm số lượng hàng lậu, hàng giả được bày bán trên trang web.

Trong danh sách đen được công bố vào năm 2016, USTR thừa nhận rằng Alibaba đã có những bước đi chống lại nạn sao chép trái phép, bao gồm việc giải quyết các từ khóa thương hiệu, nhãn hiệu bị mờ trong hình ảnh sản phẩm, và phát triển công nghệ để ngăn người bán hàng giả mở lại cửa hàng dưới tên mới.

Dù vậy, mức độ báo cáo về hàng giả, hàng vi phạm bản quyền được giao dịch trên chợ trực tuyến này vẫn ở “mức cao không thể chấp nhận được”. Những hàng hoá này đặt ra “mối đe dọa kinh tế nghiêm trọng” đối với ngành công nghiệp sáng tạo và cải tiến của Mỹ, và ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng trong một số trường hợp.

“Một nhà sản xuất ô tô lớn đã báo cáo rằng, ít nhất 95% sản phẩm mang thương hiệu của công ty được tìm thấy trên nền tảng của Alibaba bị nghi ngờ là hàng giả,” USTR cho biết.

>> Vì sao các doanh nghiệp ở Mỹ không dám làm hàng giả?

Alibaba giới thiệu Taobao là trang web mua sắm trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc xét về khối lượng hàng hóa. Là một trong năm trang web hàng đầu ở Trung Quốc, và lọt top 15 trang web lớn trên toàn cầu.

Trước đó theo Bloomberg đưa tin vào tháng 5/2016, tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma cũng đã bị tổ chức chống hàng giả và vi phạm bản quyền toàn cầu (IACC) đình chỉ tư cách thành viên, chỉ một tháng sau khi hãng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc tham gia. Một số thành viên của IACC cho rằng Alibaba đã chưa nổ lực để tiêu hủy số hàng giả, hàng vi phạm bản quyền trên trang bán hàng trực tuyến của Alibaba.

Vận hạn với Alibaba chưa dừng lại ở đó, vào ngày 15/5/2016, một nhóm các tập đoàn sở hữu thương hiệu lớn của thế giới đã đâm đơn kiện Alibaba lên tòa án Mỹ vì “kinh doanh” hàng nhái thương hiệu của họ.

Hãng Reuters cho hay nhóm những tập đoàn nhãn hiệu tên tuổi thế giới gồm Gucci, Yves Saint Laurent và những thương hiệu của tập đoàn Pháp như Kering.

Các nguyên đơn cáo buộc Alibaba tạo môi trường kinh doanh, mua bán hàng nhái thương hiệu của hãng với giá rẻ đã làm ảnh hưởng đến uy tín của họ.

Trong đó, hãng Kering cho biết đây là lần thứ hai họ kiện Alibaba về vấn đề này.

Mặc cho những cáo buộc liên quan đến hàng giả đã ảnh hưởng lớn đến uy tín của Alibaba trên quốc tế và chặn đứng con đường “ra khơi” của tập đoàn công nghệ này, ở Trung Quốc Đại Lục, dưới sự hậu thuẫn của chính quyền Trung Quốc, cùng với việc người tiêu dùng quốc gia này không có nhiều sự lựa chọn, Alibaba vẫn chễm chệ trên top một trong những sàn giao dịch thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, và đang mở rộng ra một số nước lân cận ở khu vực Đông Nam Á.

Chân Hồ (T/h)

Xem thêm: