Ngày 20/9, Bộ trưởng 6 nước Tiểu vùng sông Mekong đã thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội (HAP) 2018-2022, trong đó cam kết triển khai các dự án có tổng trị giá 64 tỷ USD để phát triển kinh tế khu vực. Các dự án này có thể có ảnh hưởng như thế nào tới Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)?

mekong
Hội nghị Bộ trưởng 6 nước tiểu vùng sông Mekong diễn ra vào ngày 20/9 (ảnh qua: hanoitv)

Kế hoạch hành động này gồm 222 dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật, được thực hiện với sự hỗ trợ từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), bao gồm các dự án nông nghiệp, giao thông, du lịch,…

Càng phát triển, Đồng bằng Sông Cửu long càng bị thu hẹp

Nằm ở tận cùng của châu thổ sông Mekong, đồng bằng sông Cửu Long được hình thành khoảng 6.000 năm nay từ trầm tích của dòng sông này chảy ra biển cộng với quá trình biển lùi. ĐBSCL trù phú với hệ sinh thái đa dạng gồm sông biển, đồng bằng và rừng, được ví là vựa lúa của cả nước.

Thế nhưng ngày nay, Đồng bằng Sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ biến mất khỏi bản đồ. Nguyên nhân khiến Đồng bằng Sông Cửu Long bị ngập mặn và nước biển nhấn chìm có một phần xuất phát từ chính hoạt động của các nước tiểu vùng sông MeKong.

Theo Ủy hội sông Mekong, 6 đập thủy điện của Trung Quốc cùng với 11 đập ở hạ lưu và 30 đập trên các chi lưu sẽ giữ lại phần lớn lượng nước của sông Mekong, dự tính vào năm 2030 là 65,5 tỷ m3 nước, trong khi nhu cầu về nước tại hạ lưu hiện đã tăng 50% so với năm 2000.

Các chuyên gia cho rằng, tác động của các đập Trung Quốc đối với trầm tích sông Mekong rất lớn. Tổng lượng trầm tích của sông Mekong đổ về vùng châu thổ sẽ bị các đập Trung Quốc giữ lại từ một phần ba đến hai phần ba trữ lượng, gây nên sự thiếu hụt trầm tích ở hạ du, làm thay đổi địa mạo lòng sông và cửa biển…

Sự sạt lở nghiêm trọng ở đê biển Gành Hào, đường phòng hộ ven biển Bạc Liêu vừa qua là một minh chứng của tác động kép lên đồng bằng từ biến đổi khí hậu và khai thác nước ở thượng nguồn.

“Tác động kép sẽ mãnh liệt hơn. Đồng bằng đang bị đe dọa trong chính sự tồn tại của mình”, GS Nguyễn Ngọc Trân (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Chuyên gia cao cấp của Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia) cho biết.

Sự tồn vong của ĐBSCL phụ thuộc vào tầm nhìn tổng thể

Vào chiều ngày 27/9, sau hai ngày làm việc với các chuyên gia, lãnh đạo địa phương, bộ ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẽ có một Nghị quyết về phát triển ĐBSCL ngay sau hội nghị này.

Trong đó, Việt Nam cũng dự định chi 1 tỷ USD để phát triển đồng bằng sông Cửu Long (trong đó khoảng 300 triệu USD là khoản vay do Ngân hàng thế giới tài trợ) nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, chống ngập mặn trong vùng.

Kế hoạch này dự kiến xây dựng một số công trình: Cống sông Cái lớn – Cái bé, cống Trà Sư, Tha La, xử lý một số đoạn sạt lở nghiêm trọng … Tuy nhiên, chống chọi với biến đổi khí hậu không đơn giản. Thực tế cho thấy vừa qua các công trình kè biển tại Đà Nẵng đã bị sóng cuốn đi chỉ sau một trận bão.

Vì vậy, muốn bảo vệ được Đồng bằng Sông Cửu Long, cần có biện pháp phù hợp ngăn chặn các dự án là tác nhân gây biến đổi hiện trạng sông Mekong, cụ thể là các dự án thủy điện trên dòng chảy sông Mekong. Việt Nam cần cân nhắc kỹ lưỡng những được, mất khi tham gia ký kết các hiệp ước quốc tế để bảo vệ, gìn giữ tài nguyên, môi trường sống của chính mình.

6 quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mekong bao gồm gồm: Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng sông Mekong bắt đầu từ năm 1992, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á, có mục tiêu là tăng cường các mối quan hệ kinh tế.

Trong khuôn khổ chương trình, cho đến nay, các dự án đầu tư trị giá hơn 19,1 tỷ USD đã được thực hiện.

Liên Hương (T/h)

Xem thêm: