Có lẽ, đây là vụ án đầu tiên tại Việt Nam mà bị cáo đã sử dụng “Quyền im lặng” theo đúng nghĩa của nó. Câu hỏi, Phương Nga đã sử dụng tốt “Quyền im lặng” để tự bảo vệ mình chưa ?

hoa hau phuong nga
Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007 Trương Hồ Phương Nga tại tòa, tháng 6/2017. (Ảnh: dẫn qua cafef.vn)

Tôi sẽ phân tích dưới nhiều góc độ (quan điểm cá nhân) với mong muốn chia sẻ: i) Khi nào nên sử dụng quyền im lặng, ii) Phương thức sử dụng có lợi nhất, iii) Có phải mọi trường hợp im lặng là tốt, và iii) Cơ quan tiến hành tố tụng cần ứng xử thế nào để đảm bảo sự công bằng.

Xem video, Phương Nga nói: “Tôi không tin bất kỳ ai, ngay cả Viện Kiểm sát (VKS), tôi giữ quyền im lặng, đề nghị được tôn trọng”. VKS yêu cầu: “Nếu bị cáo cho rằng mình bị oan, hãy chứng minh”. Phương Nga nói: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về VKS và cơ quan điều tra (CQĐT)“.

Đây là lập luận chính xác trên góc độ luật pháp mà tôi ủng hộ Phương Nga nhưng việc im lặng tuyệt đối, có thể, không phải là tối ưu.

1) Theo tôi, Phương Nga cần trao đổi kỹ với luật sư và luật sư sẽ dự liệu các câu hỏi, câu trả lời để tư vấn giúp thân chủ, cái nào trả lời, cái nào im lặng. Ngoài ra, đây là cơ hội cho Phương Nga chứng minh được những cáo buộc từ CQĐT và VKS. Nếu không, Hội đồng xét xử (HĐXX) sẽ căn cứ vào bản khai bất lợi của Phương Nga tại CQĐT, trừ trường hợp luật sư Phương Nga chứng minh được lời khai đó sai sự thật. Phương Nga có thể trình bày với luật sư của mình để họ phân tích bảo vệ.

2) Trong vụ án này, cả Phương Nga và bị cáo Dung đều khai, vì tin tưởng điều tra viên hứa hẹn, bảo khai và ký vào sẽ được thả. Đây là một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng không chỉ Phương Nga, Dung mà theo kinh nghiệm của tôi, các bị cáo khác đều lầm tưởng và dẫn đến hệ quả “bút sa gà chết”. Ra tòa, việc xoay chuyển lời khai rất khó, có những trường hợp bất khả thi. Trong các vụ án oan, một điều cho thấy, CQĐT có “kinh nghiệm” dặn dò những người liên quan khai như thế nào lúc xét xử cho phù hợp với lời khai của bị cáo.

3) Với lý do như mục (2), nếu bị bắt, khi CQĐT hỏi mà không nắm chắc luật pháp hoặc không biết việc ký vào bản khai có lợi hay bất lợi thì tuyệt đối im lặng. Đặc biệt, không được ký vào bất cứ bản khai nào được viết sẵn do CQĐT cung cấp (nếu có), hoặc ký vào giấy trắng.

4) Khi bị bắt, đề nghị được có luật sư, yêu cầu CQĐT cung cấp giấy bút để nhờ luật sư và yêu cầu CQĐT gửi đi, nếu không gửi, im lặng tuyệt đối. Luật Tố tụng hình sự 2015 cho phép người thân thích nhờ luật sư bảo vệ mà không cần thông qua ý kiến của người bị bắt giam.

Tôi cũng lưu ý, khi người thân thuê luật sư, đừng bao giờ dại mà từ chối luật sư. Lúc đó bạn sẽ lạc lõng giữa vòng vây của CQĐT và họ sẽ tiến hành lấy lời khai mà chính bạn sẽ không bao giờ lường trước được hậu quả hết sức tai hại.

5) Trong trường hợp bạn gây ra hành vi, không nên im lặng hoàn toàn mà phải khai đúng sự thật. Tôi nhắc lại là đúng sự thật bởi nếu khai khác, có thể bạn từ tội nhẹ sang tội nặng hoặc với vai trò thứ yếu trở thành vai trò chủ mưu và, hậu quả pháp thì bạn gánh lấy.

6) Trong vụ án Phương Nga – Cao Toàn Mỹ, khi Phương Nga sử dụng quyền im lặng, VKS nói: “Nếu bị cáo cho rằng mình bị oan, lời khai không đúng thì hãy chứng minh…“. Quan điểm của tôi là VKS không chuẩn và cố gắng tìm cách kết tội Phương Nga bởi bị cáo không có trách nhiệm chứng minh; nhưng nếu Phương Nga im lặng, VKS có thể viện lý do và đề nghị HĐXX chấp thuận bản khai bất lợi của Phương Nga tại CQĐT. Vì vậy, cần cân nhắc sử dụng quyền im lặng sao cho có lợi nhất.

7) Luật cũ trước đây, nếu im lặng, HĐXX cho rằng “không thành khẩn” nên không áp dụng tình tiết giảm nhẹ. Nay luật mới đã bỏ, vì vậy, HĐXX cần phải xem đó là quyền của bị can/bị cáo, tránh tâm lý “mày ngon hả, tao cho mày chết”. Lời này hơi nặng nhưng thực tế có đấy.

P/s: Trước đây, khi vụ án Phương Nga được đưa ra xét xử, tôi cũng có 1 bài viết chia sẻ “làm thế nào khi bị công an bắt” nhưng mục đích bài viết không cổ súy cho hành vi “chối tội, gây khó dễ cho hoạt động điều tra” mà chỉ cảnh báo, tư vấn cho ai ít hiểu biết luật pháp, góp phần tránh oan sai. Tất cả vì hai chữ CÔNG LÝ.

P/s: Tôi nghĩ, mọi người nên chuẩn bị sẵn cho mình một tổ chức luật sư và luật sư nào đó uy tín, tận tâm và chuyên nghiệp để bảo vệ khi có trường hợp không may xảy ra. Đó là lời chia sẻ chân thành nhất của tôi.

Sài Gòn, ngày 23/6/2017

Facebook Luật sư Lê Ngọc Luân

Xem thêm: