Tài khoản luôn luôn dương vài ngàn tỷ đồng, nhưng tiền lãi phát sinh chỉ xấp xỉ chục tỷ đồng cả năm, quỹ bình ổn giá xăng dầu liệu có cần thiết hay không?

quy binh on gia xang dau
(Ảnh qua: Petronews.vn)

Theo số liệu của Bộ Tài chính, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại thời điểm 1/1/2017 gần 2.390 tỷ đồng. Hết quý I.2017, con số này đã tăng thêm 474 tỷ đồng lên mức gần 2.865 tỷ đồng. Và tính đến hết 30/6/2017,quỹ bình ổn tiếp tục được bổ sung thêm 1.111 tỷ đồng, nâng số dư quỹ lên 3.976 tỷ đồng, gần bằng mức đỉnh điểm 4.000 tỷ đồng cuối năm 2015.

Quy binh on xang dau
Giá trị Quỹ bình ổn xăng dầu qua các thời điểm

Có thể nhận thấy, các kỳ điều hành xăng dầu trong hai năm vừa qua diễn ra đều đặn, mức điều chỉnh giá xăng dầu nhịp nhàng với các diễn biến giá cả thị trường thế giới.

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế đều đã quen với sự biến động lên xuống của giá xăng dầu trên thị trường. Đã đến lúc người tiêu dùng tự hỏi, liệu có cần quỹ bình ổn xăng dầu không? Quỹ bình ổn này thực chất vì đâu mà tồn tại?

Quỹ bình ổn xăng dầu là gì?

Theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 39/ 2014 của Bộ Tài chính và Bộ Công thương, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối trích lập nhằm mục đích bình ổn giá xăng dầu.

Với mỗi lít xăng, mỗi kg dầu bán ra, doanh nghiệp sẽ trích lại 300 đồng để bổ sung vào quỹ bình ổn.

Quỹ bình ổn được hạch toán riêng và phải để tại một tài khoản của ngân hàng cố định. Quỹ bình ổn xăng dầu chỉ được sử dụng để bình ổn thị trường theo các quy định điều hành của nhà nước.

4 năm qua, các chuyên gia liên tục đề xuất xóa bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu

Ngay từ khi Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu ban hành, các chuyên gia kinh tế, năng lượng liên tục khuyến nghị bỏ Quỹ bình ổn, đưa xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường.

Chuyên gia năng lượng đến từ Ngân hàng thế giới – Bà Masami Kojima cho rằng, giá năng lượng tại thị trường Việt Nam đang bị “bóp méo” bởi vẫn còn các chính sách trợ giá.

Việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng, dầu chưa phù hợp. “Khi giá thị trường xuống thấp cơ quan điều hành không chịu tranh thủ để tích lũy mà vẫn xả quỹ này ra và không có điều kiện để tích lũy, đến khi giá tăng lên lại không có để bù vào. Thực tế khi giá dầu trên thị trường thế giới xuống thấp nhưng dư Quỹ bình ổn giá cũng không nhiều, nếu giá xăng dầu vọt tăng chắc chắn sẽ không có tiền để bình ổn”, bà Masami Kojima dẫn chứng.

Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cũng nhiều lần đưa ý kiến nên bỏ Quỹ bình ổn giá để dần dần giảm bớt quy định hành chính, đưa giá xăng dầu hội nhập với thị trường thế giới – Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu cho biết.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính (Học viện Tài chính), khi xăng dầu thế giới tăng giá, quỹ bình ổn cũng chưa chắc đã bù lỗ được. Cộng thêm việc kìm giữ giá xăng dầu trong nước lâu ngày, có thể gây ra tình trạng tăng giá cực sốc để tránh lỗ cho doanh nghiệp. Khi đó, quỹ vừa không bình ổn được giá vừa tạo tác dụng ngược, xa rời thị trường. “Do đó, không thực sự cần thiết phải sử dụng quỹ này” – ông Độ đề xuất.

Quỹ bình ổn xét trên quan điểm người tiêu dùng

PGS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển – Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), cho rằng vận hành Quỹ bình ổn giá hiện nay dẫn đến tình trạng điều hành giá xăng chưa “thỏa đáng” với người tiêu dùng. Bởi lẽ, không một ai muốn mua hàng giá cao dưới hình thức “bỏ tiền ra cho người khác giữ” trong khi rất khó kiểm soát được đồng tiền của mình được sử dụng ra sao.

Theo ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, phần lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá được gửi ở ngân hàng sẽ cộng trực tiếp vào quỹ, giúp tăng nguồn quỹ.

Dẫn nguồn số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, trong quý II.2017, lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá là 3,8 tỷ đồng, tương đương với mức lãi suất khoảng 0.5%/năm, tức là mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn!? Tình trạng lãng phí này diễn ra đã nhiều năm kể từ khi tồn tại Quỹ bình ổn xăng dầu.

Đưa xăng dầu về giá trị trường, tránh lãng phí nguồn lực của người tiêu dùng, giảm thiểu quy định hành chính là những điều có thể thực hiện ngay khi xóa bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Nguyên Hương

Xem thêm: