Sự xuất hiện của Grab, Uber là một cú sốc đối với các doanh nghiệp taxi truyền thống, gây tranh cãi về tính bình đẳng và lành mạnh cho môi trường kinh doanh. Vậy Grab, Uber đang được thả lỏng hay các DN taxi đang bị o ép nhiều năm?

uber grab co dao lon thi truong van tai taxi 2
(Ảnh minh họa: pinterest)

Trong hai năm trở lại đây, hình thức gọi xe qua ứng dụng di động Grab, Uber đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam theo trào lưu của thế giới. Theo số liệu của Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, hiện tại ở Việt Nam có khoảng 150 ngàn lái xe tham gia mạng lưới Uber, Grab, trong đó có khoảng 35 ngàn xe ô tô. Sự phát triển mạnh mẽ của loại hình vận tải này đang huy động một nguồn lực xã hội rất lớn và tận chiếm ngày càng nhiều thị trường vận tải hành khách bằng phương tiện vận tải cá nhân.

Thực tế, chỉ trong hai năm, Grab, Uber đã lật ngược trạng thái thị trường, làm suy giảm vị thế độc tôn của các hãng taxi truyền thống, vốn trước đây được bảo hộ bằng hệ thống giấy phép hoạt động taxi. Đối với các hãng taxi truyền thống, Grab, Uber thực sự là mối hiểm họa.

Grab, Uber đang tận hưởng nhiều ưu đãi tại Việt Nam

Theo Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, Grab, Uber đang được hưởng nhiều ưu đãi về chính sách quản lý, chính sách thuế tại Việt Nam so với các hình thức vận tải taxi truyền thống. Cụ thể là:

  • Không bị khống chế số lượng: Trong khi các hãng taxi bị kiểm soát chặt chẽ về số lượng xe thì Grab, Uber hoàn toàn phát triển tự do về số lượng. Tính đến nay, Grab, Uber car có khoảng 35 ngàn xe. Trong khi đó, taxi tại Hà Nội bị hạn chế trong 20 ngàn xe, TP.HCM bị hạn chế 11 ngàn xe trong nhiều năm trở lại đây.
  • Không bị kiểm soát về điều kiện hoạt động: Taxi truyền thống bị kiểm soát về quy định kiểm định phương tiện, niên hạn sử dụng phương tiện, các thiết bị phải trang bị (GPS, đồng hồ, phù hiệu,…)
  • Không bị kiểm soát về hoạt động: Taxi truyền thống phải tuân thủ các quy định về bến bãi, phân luồng giao thông, tuân thủ giờ cấm, đường cấm,… Đặc biệt, việc xe Uber, Grab được tự do đi lại trong giờ cao điểm là lợi thế tuyệt đối đối với taxi truyền thống.
  • Không bị kiểm soát giá, chương trình khuyến mại: Uber và Grab được tự do quyết định giá cước, các chương trình khuyến mại cho lái xe và khách hàng. Giá cước thay đổi theo giờ, chương trình khuyến mại lớn cho các khách hàng và lái xe. Trong khi đó, giá cước của taxi truyền thống phải xin phê duyệt trước khi áp dụng và không được thay đổi trong suốt thời kỳ được phê duyệt. Mỗi lần nâng giá, hạ giá đều phải giải trình rất phức tạp. Các khuyến mại, giảm giá hầu như không được áp dụng vì thủ tục xin phép vô cùng phức tạp.
  • Mức thuế ưu đãi, không chịu sự kiểm soát: Trong thời gian đầu Uber, Grab vào thị trường Việt Nam, đều không thực hiện kê khai thuế. Ngày 24/8/2016, Tổng cục Thuế mới có văn bản 11828/BTC-CST hướng dẫn thuế cho Uber. Theo đó, dịch vụ Uber được xác định như hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa đối tác nước ngoài và các cá nhân, tổ chức vận tải Việt Nam. Uber phải nộp thuế VAT 3% và thuế thu nhập 2% cho phần doanh thu được hưởng. Còn các cá nhân, tổ chức vận tải ký hợp đồng với Uber sẽ nộp thuế VAT 3% và thuế thu nhập 1,5% cho phần doanh thu được hưởng.

Như vậy, mức thuế áp dụng cho hình thức vận tải này không quá 5% tổng doanh thu khách hàng. Mức thuế này được coi là quá ưu đãi so với mức thuế các taxi truyền thống đang phải nộp là 10% VAT và 20% thuế thu nhập doanh nghiệp.

uber grab co dao lon thi truong van tai taxi 3
Sự xuất hiện của Grab, Uber là một cú sốc đối với các doanh nghiệp taxi truyền thống. (Ảnh: qua taxi-times.com)

Thất thu thuế từ dịch vụ Grab, Uber

Với số đầu xe lớn gần bằng toàn ngành taxi tại Hà Nội và TP.HCM, Grab, Uber phải có doanh thu rất lớn. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thuế, trong hai năm 2014-2015, Uber nộp thuế 30 tỷ đồng. Cho dù đại diện Bộ Tài chính trong buổi hội thảo “Đổi mới hoạt động taxi và đảm bảo công bằng trong kinh doanh” được tổ chức ngày 23/2 vừa qua có phản biện rằng phương pháp áp thuế đối với Uber và taxi truyền thống không có gì khác nhau. Mức thuế khác nhau là do các đối tượng tham gia dịch vụ Uber không được khấu trừ thuế VAT như doanh nghiệp.

Tuy nhiên, số tiền thuế 30 tỷ đồng mà Uber thực tế nộp trong hai năm (2014-2015) là quá nhỏ bé so với số thuế hơn 200 tỷ một năm của một doanh nghiệp taxi chỉ hoạt động ở TP.HCM, không thể thuyết phục cho luận điểm của đại diện Bộ Tài chính.

Hiện nay, Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam và các thành viên tiếp tục gửi các kiến nghị đến Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính yêu cầu đảm bảo sự công bằng trong kinh doanh vận tải taxi. Bộ Tài chính cũng đang thu thập ý kiến các bên để có hiệu chỉnh chính sách phù hợp.

Chính sách áp dụng cho Grab, Uber đúng hay cho ngành vận tải taxi hiện nay là đúng?

Sự phát triển lớn mạnh của taxi Uber, Grab trong thời gian vừa qua chứng tỏ rằng loại hình vận tải này đáp ứng một phần không nhỏ nhu cầu vận tải hành khách. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là cùng tham gia thị trường thì các đối tượng kinh doanh phải được hưởng các điều kiện kinh doanh bình đẳng như nhau.

Trước nay, taxi vẫn được xem là ngành kinh doanh có điều kiện, cần quản lý chặt chẽ để đảm bảo an ninh cho hành khách và phòng chống ùn tắc giao thông. Vậy hướng quản lý Uber, Grab sẽ theo hướng nào? Giống như các điều kiện đang áp dụng cho taxi hay gỡ bỏ điều kiện kinh doanh cho taxi tự do phát triển. Điều này phụ thuộc vào tư duy của các nhà quản lý.

Tuy nhiên, xét trên phương diện thu ngân sách thì chắc chắn các cơ quan thuế sẽ không chịu để mất khoản vài ngàn tỷ một năm như hiện nay. Trong khi các bên liên quan kiến nghị điều chỉnh chính sách thì trên thương trường vẫn diễn ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa hai hình thức vận tải truyền thống và Uber, Grab. Trong đó, Uber, Grab đang tiếp tục chiếm vị thế ngày một lớn mạnh và nhờ đó người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều nhất.

Tâm Như

Xem thêm: