Đã 3 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gói tín dụng 100 ngàn tỷ đồng cho khu vực Nông nghiệp công nghệ cao, nhưng mức độ giải ngân của Gói này gần như bằng 0. Các ngân hàng thương mại (NHTM) không thể thực thi “ưu đãi” theo mong muốn của chính phủ, bởi họ còn đang vật lộn với những yếu kém nội tại và cũng phải tìm kiếm lợi nhuận theo nguyên tắc của thị trường.

(Ảnh minh họa: qua cafef.vn)
(Ảnh minh họa: qua cafef.vn)

Dù xác định Gói tín dụng 100 ngàn tỷ (gói tín dụng) có thể tạo đà phát triển Nông nghiệp công nghệ cao, thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nhưng cả Chính phủ, các bộ, ngân hàng và doanh nghiệp đều thiếu cơ sở để triển khai: tiền bù lỗ cho phần lãi suất “ưu đãi”, định giá tài sản đảm bảo, doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao?

Trong buổi họp Chính phủ mới đây do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì nhằm xúc tiến việc triển khai Gói tín dụng, có sự tham gia của nhiều đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), NHTM – những đối tượng tham gia triển khai Gói tín dụng. Cho đến thời điểm này, đối với cho vay nông nghiệp, trong đó có Nông nghiệp công nghệ cao, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cam kết số vốn 50 ngàn tỷ, Ngân hàng Đầu tư, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Liên Việt là 10 ngàn tỷ đồng, Ngân hàng Bắc Á là 30 ngàn tỷ đồng, Ngân hàng Quân đội là 8-10 ngàn tỷ đồng. Tổng cộng số vốn dành cho nông nghiệp vượt quá 100 ngàn tỷ. Gói vay Nông nghiệp được niêm yết ở mức lãi suất thấp hơn thị trường 0,5-1,5%.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ có 25 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp hoạt động sản xuất “nông nghiệp công nghệ cao” (NNCNC) với tổng số vốn 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này khác với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hoặc kinh doanh bất động sản là họ không có tài sản đảm bảo (TSĐB) phù hợp với quy định hiện có của hệ thống NHTM.

Bà Đinh Thị Thái, Phó TGĐ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cho biết: “Cho vay nông nghiệp lãi suất thấp, rủi ro lại cao, điều này ngược với cơ chế cho vay thông thường. Vẫn biết là phải ưu tiên NNCNC nhưng Ngân hàng cần phải có cơ chế xử lý rủi ro, có đánh giá cụ thể mới thực hiện được gói cho vay này.”

Về phía tài sản bảo đảm, ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám Đốc Ngân hàng NN&PTNT có ý kiến: “Hiện nay, sản xuất nông nghiêp thường có diện tích đất lớn, nhưng diện tích đất này tính theo cách tính của UB xã huyện thường rất thấp, khiến giá trị đảm bảo thấp.”

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng băn khoăn về số tiền bù lỗ cho lãi suất sẽ lấy từ đâu? Ông Cát Quang Dương, Ủy viên Hội đồng Quản trị- Ngân hàng Công thương Việt Nam cho biết, với lãi suất cho vay vào NNCNC thấp hơn thị trường là 0,5-1,5% năm, nếu ngân hàng cho vay 10.000 tỷ thì sẽ mất khoảng 100- 150 tỷ mỗi năm. Khoản này sẽ lấy ở đâu?

Trước các thắc mắc của các ngân hàng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định cho vay NNCNC không hề rủi ro. Ông đề xuất các ngân hàng mạnh dạn thử cho vay, có thể trên cơ sở tín chấp miễn là dự án tốt. Cơ chế xử lý rủi ro sẽ tiến hành theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách phát triển tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn hay Thông tư số 10/2015/TT-NHNN của NHNN ngày 22/7/2015 hướng dẫn Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Khối ngân hàng chính sách, ngân hàng phát triển là các ngân hàng công cụ thực thi chính sách của nhà nước sẽ có cấp bù lãi suất.

Tuy vậy, khuyến nghị của chính phủ có được các ngân hàng ủng hộ và vận hành trên thực tế hay không vẫn là một câu hỏi ngỏ bởi NHTM vẫn đang chật vật với các yếu kém nội tại từ các khoản nợ xấu cũ và mới, trong khi năng lực thẩm định dự án, đánh giá mức tín nhiệm doanh nghiệp hết sức hạn chế (bởi hạn chế về nguồn lực thông tin, công nghệ và con người).

 Nguyên Hương

Xem thêm: