Ngày 20/11 vừa qua, hàng chục người dân đã đến trụ sở Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình tại Đồng Nai để đòi tiền gửi sau thông tin Giám đốc của quỹ đã nghĩ việc và rời khỏi nơi cư trú.

quy tin dung nhan dan ThaiBInh
Người gửi tiền tập trung tại trụ sở Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình đòi tiền gửi vào ngày 20/11 (Ảnh: baodongnai.com.vn)

Theo thống kê của cơ quan chức năng, có khoảng 80 người gửi hơn 50 tỷ đồng trong Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình vẫn chưa thể rút được tiền.

Được biết đây là quỹ hoạt động theo mô hình hợp tác xã được thành lập từ năm 1994, Giám đốc của quỹ tín dụng này là ông Vũ Công Liêm trước đó đã tự ý nghỉ việc và bỏ trốn ra nước ngoài.

Các nạn nhân cho biết, họ gửi tiền vào Quỹ tín dụng Thái Bình với mức lãi suất trên hợp đồng từ 4-6%/năm. Ngoài ra, họ được quỹ này thỏa thuận thanh toán thêm (ngoài hợp đồng) 4-6%. Do vậy, mỗi người gửi tiền sẽ được hưởng mức lãi suất trong và ngoài hợp đồng từ 8-12%/năm.

Từ đầu năm nay, quỹ này đã không thể trả lãi cho người gửi. Khi người gửi tiền yêu cầu rút tiền gốc thì giám đốc tìm cách né tránh.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Đồng Nai đã có văn bản gửi Công an tỉnh Đồng Nai vào cuộc điều tra và công an đã có quyết định khởi tố vụ án.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc NHNN chi nhánh Đồng Nai cho biết, đầu năm nay, qua thanh kiểm tra đã phát hiện quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình mất khả năng thanh toán. Giám đốc quỹ đã sử dụng uy tín cá nhân và quỹ tín dụng để huy động, sử dụng tiền gửi trái quy định; thao túng quỹ, cố ý làm trái để tư lợi và chỉ đạo nhân viên dưới quyền làm sai, làm giả hồ sơ để rút tiền dùng vào mục đích cá nhân.

>> Chất vấn: Huy động 500 tấn vàng và hàng chục triệu USD trong dân – Làm sao cam kết tiền gửi?

Điều đáng lưu ý là vụ việc này xảy ra trong thời điểm vấn đề về bảo hiểm tiền gửi chỉ chi trả tối đa 75 triệu đồng/sổ tiết kiệm đã làm nóng nghị trường Quốc hội trong Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV diễn ra từ 16-18/11 vừa qua.

Đặt câu hỏi với Thống đốc, Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) chất vấn: “NHNN có chính sách huy động đồng thời cam kết tiền gửi như thế nào để người dân được bảo đảm trong trường hợp ngân hàng phá sản.”

Đáp lại, người đứng đầu NHNN Việt Nam trả lời rất khái quát: Trong bất kỳ trường hợp nào, xử lý phương án đối với các tổ chức tín dụng, mục tiêu đầu tiên là phải đảm bảo an ninh kinh tế, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, đồng thời giữ được lòng tin của người gửi tiền vào hệ thống và bảo vệ quyền, lợi ích hơp pháp của người gửi tiền.

“Bất cứ khi nào hoặc chọn bất cứ giải pháp nào thì mục tiêu đó phải được đảm bảo, chính vì vậy dự thảo luật các tổ chức tín dụng sửa đổi của Chính phủ đã đề xuất nội dung rất cụ thể” – ông Hưng cho hay.

Chân Hồ (T/h)

Xem thêm: