Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị được ủy quyền sẽ mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới với giá mua tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh.

dien-mat-troi
(Ảnh minh họa: shutterstock)

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 11/2017/QĐ-TTg quyết định “Về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam”. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2017 đến ngày 30/6/2019.

Theo đó, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) hoặc các đơn vị thành viên được ủy quyền (gọi chung là Bên mua điện) có trách nhiệm mua toàn bộ số điện từ các dự án điện mặt trời bao gồm: Dự án điện mặt trời nối lưới và dự án điện mặt trời trên mái nhà.

Đối với dự án điện mặt trời nối lưới (là dự án điện mặt trời được đấu nối vào lưới điện quốc gia hoặc lưới điện của Bên mua điện), giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 9,35 Uscents/kWh, theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 10/4/2017 là 22.316 đồng/USD). Giá điện này chỉ áp dụng cho các dự án nối lưới có hiệu suất của tế bào quang điện (solar cell) lớn hơn 16% hoặc module lớn hơn 15%.

Việc điều chỉnh giá mua bán điện theo biến động của tỷ giá đồng/USD cho các dự án nối lưới được thực hiện theo Hợp đồng mua bán điện mẫu do Bộ Công Thương ban hành.

Dự án điện mặt trời trên mái nhà (dự án trên mái nhà) là dự án điện mặt trời được lắp đặt trên mái hoặc gắn với công trình xây dựng và đấu nối trực tiếp vào lưới điện của Bên mua điện.

Đối với các dự án này, giá điện được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ hai chiều. Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá mua điện giống với giá mua của dự án điện mặt trời nối lưới.

Hàng năm, căn cứ vào tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày công bố tỷ giá cuối cùng của năm trước, Bộ Công Thương ban hành giá mua bán điện mặt trời đối với dự án trên mái nhà cho năm tiếp theo.

Cùng với những quy định về giá điện, văn bản cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ dự án như: Ưu đãi về vốn (miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án điện mặt trời được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư, ưu đãi về đất đai); Ưu đãi về đất đai (miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước đối với các dự án điện mặt trời, công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện như các dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư),…

Điện mặt trời (thuộc năng lượng tái tạo) có xu hướng phát triển mạnh trên thế giới trong nhiều năm qua. Những quốc gia sở hữu các nhà máy điện mặt trời lớn như: Australia, Tây Ban Nha, Ấn Độ, UAE, Mỹ, Đức, Trung Quốc với những cái tên Ivanpah, Solaben Topaz Solar Farm, Charanka Solar Park,… Trong đó, nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới hiện nay là Topaz  tại California với vốn đầu tư ban đầu 2,2-3 tỷ USD; công suất trên dưới 550 MW mỗi năm, đủ cung cấp điện cho hàng chục ngàn hộ gia đình.

Tại Việt Nam, điện mặt trời chưa phải là một khái niệm phổ biến. Theo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, Việt Nam là một trong những nước có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong biểu đồ bức xạ mặt trời thế giới. Tuy nhiên việc khai thác nguồn năng lượng này còn rất hạn chế.

Hiện, Việt Nam có “nhu cầu” xây dựng nhà máy nhiệt điện than (nguồn nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất thế giới) lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), từ nay đến năm 2030, nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng 10-12% mỗi năm, trong khi đó theo mục tiêu của Chính phủ, thì đến năm 2020, gần một nửa lượng điện tiêu thụ trên toàn quốc sẽ được cung ứng từ những nhà máy nhiệt điện than.

Trong buổi hội thảo “Phát triển điện mặt trời tại Việt Nam – Cơ hội và thách thức” do Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 21/9/2016, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng thách thức lớn nhất đối với việc phát triển điện mặt trời tại Việt Nam là biểu giá điện hiện hành chưa hấp dẫn các nhà đầu tư; suất đầu tư hiện nay còn rất cao trong khi Chính phủ chưa ban hành giá bán điện mặt trời. Cùng với đó nhà đầu tư chưa tiếp cận được nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ năng lượng tái tạo mà phải dùng nguồn vốn trong nước, đa phần các thiết bị đều phải nhập khẩu vì vậy giá thành của một đơn vị sản phẩm cao.

Minh Long

Xem thêm: