Giá xăng dầu thế giới tăng đột biến sau khi OPEC cắt giảm sản lượng. Là một nước vừa xuất khẩu dầu thô, vừa nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, khi giá dầu thô thế giới tăng cao Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng thế nào? Liệu giá hàng Tết có tăng cao?

(Ảnh: cafeF)
(Ảnh: cafeF)

Trong phiên họp ngày 30/11, OPEC đã đi đến thỏa thuận giảm 1,2 triệu thùng/ngày trong hạn ngạch của 14 thành viên xuống còn 32,5 triệu thùng/ngày. Giá dầu thô, giá xăng dầu thành phẩm cũng theo đó tăng đột biến. Kết thúc phiên giao dịch ngày 3.12.2016, giá dầu thô tại sàn giao dịch New York là 51.5 USD/thùng, tăng 13% so với giá ngày 29.11.2016; giá xăng thành phẩm là 1.56 USD/gallon, tăng tương ứng 13%.

Là một nước vừa xuất khẩu dầu thô, vừa nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, khi giá dầu thô thế giới tăng cao Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng thế nào?

Giá dầu thô tăng là tin vui cho thu ngân sách nhà nước

Từ nhiều năm qua, thu từ dầu thô đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách nhà nước. Trong những năm giá dầu tăng cao (năm 2015, đạt 62,4 ngàn tỷ đồng, chiếm 7,01% tổng thu NSNN; năm 2014, đạt 98 ngàn tỷ đồng, chiếm 12% tổng thu NSNN; năm 2013, đạt 115 tỷ đồng, chiếm 14% tổng thu NSNN). Có thể thấy, khi giá dầu thô tăng cao, NSNN sẽ được hưởng lợi tương đối.

… nhưng lại là sự lo lắng của người dân và doanh nghiệp

Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 10 tỷ lít xăng phục vụ thị trường nội địa. Sau khi OPEC cắt giảm sản lượng, giá xăng  trên sàn giao dịch NewYork đã tăng hơn 13%, điều này đương nhiên sẽ tác động tới giá xăng bán lẻ trên thị trường trong nước. Mức bán lẻ xăng dầu chắc chắn sẽ phải điều chỉnh trong vài ngày tới.

Theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trên thị trường. Theo đó, cứ 15 ngày hai Bộ sẽ điều chỉnh giá xăng dầu cơ sở một lần trên cơ sở giá bình quân thị trường quốc tế 15 ngày liền kề.

Giá bán cơ sở được tính như sau:

Giá cơ sở = (Giá CIF + Thuế nhập khẩu 16.22% + Thuế tiêu thụ đặc biệt 10%) x Tỷ giá ngoại tệ + Thuế giá trị gia tăng 10%+ Chi phí kinh doanh định mức 1050 đồng/l + Mức trích lập Quỹ Bình ổn giá 300 đồng/l + Lợi nhuận định mức 300 đồng/l + Thuế bảo vệ môi trường 3000 đồng/l + Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định.

Trong đó,

Giá CIF (=) giá xăng dầu thế giới (+) Phí bảo hiểm (+) Cước vận tải về đến cảng Việt Nam.

Với các chi phí cộng vào, mức tăng của giá cơ sở có khả năng lên tới 15-20%.

Theo quy định tại Điều 38 mục 3 của Nghị định, trong trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 07% so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân, liên Bộ Công Thương – Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.

Như vậy, có thể xảy ra hai trường hợp, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ tách thành nhiều lần tăng giá liên tục hoặc xin ý kiến Thủ tướng cho phép tăng giá vượt biên độ trong 1 lần.

Xăng tăng, giá cả hàng hóa dịp Tết liệu có tăng theo?

Xăng là nhiên liệu cơ bản phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa của nền kinh tế. Do vậy, giá xăng tăng sẽ dẫn đến cước vận tải tăng. Với phương thức vận tải hiện tại, giá xăng dầu có thể chiếm tới 35% cầu thành giá thành vận tải, như vậy giá cước vận tải có khả năng tăng tới 7-10%. Đây là cấu thành không nhỏ trong giá thành hàng hóa, đặc biệt là giá thành thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng cũng như giá vé vận tải hành khách đường bộ.

Cùng một lúc, các yếu tố đầu vào sản xuất tăng cao đột biến, từ tỷ giá, giá nhiên liệu, nguyên liệu cũng đều tăng cao, khả năng lạm phát cuối năm khó có thể tránh khỏi. Điều cốt yếu của doanh nghiệp, cá nhân trong tình hình kinh tế biến động mạnh, cần phải triệt để tiết kiệm, tìm tòi đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn để duy trì giá thành cạnh tranh, đảm bảo giữ vững thị trường.

Nguyên Hương

Xem thêm: