Trong danh sách tỷ phú của Forbes năm 2018 vừa mới được công bố, Việt Nam có 4 tỷ phú được lọt vào danh sách, tăng 2 người so với năm 2017.

ty phu Viet Nam
4 tỷ phú Việt Nam có mặt trong danh sách tỷ phú của Forbes năm 2018. (Ảnh qua: Bizlive.vn)

Cụ thể, danh sách các tỷ phú đô la của năm 2018 được Forbes công bố vào ngày 6/3/2018. Đáng chú ý, năm nay đánh dấu là năm mà thế giới có nhiều tỷ phú nhất trong 32 năm Forbes công bố danh sách tỷ phú.

Danh sách năm nay cũng cho thấy tài sản của những người siêu giàu tiếp tục tăng thêm khiến khoảng cách giữa họ với những người còn lại cũng được nới rộng ra. Năm 2018, có 2.208 tỷ phú lọt vào danh sách của Forbes, tăng 165 người so với năm 2017. Trong đó, một số tỷ phú tiền kỹ thuật số cũng được lọt vào danh sách.

Việt Nam năm nay đóng góp 4 người vào danh sách Forbes. Ngoài hai cái tên quen thuộc là tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Thị Phương Thảo, có 2 tỷ phú mới được lọt vào danh sách năm nay đó là ông Trần Đình Long và ông Trần Bá Dương.

Theo hồ sơ của Forbes, ông Trần Đình Long – xếp thứ 1.756 trong danh sách Forbes với khối tài sản ước tính khoảng 1,3 tỷ USD – là người sáng lập Tập đoàn Hòa Phát chuyên về phân phối thiết bị ở Hà Nội vào năm 1992. Bốn năm sau, Hòa Phát bắt đầu gia nhập ngành thép bằng việc thành lập Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát. Hiện nay, Hòa Phát là nhà sản xuất đa dạng các sản phẩm từ thiết bị văn phòng đến ống thép và thép xây dựng. Tập đoàn này được biết đến là một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam và sở hữu nhà máy sản xuất gang thép tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) trị giá 3 tỷ USD. Ông cũng là doanh nhân thứ hai ở Việt Nam sở hữu máy bay riêng.

>> Wealth Report 2017 (Knight Frank): Việt Nam có số lượng những người siêu giàu tăng nhanh nhất thế giới

Gương mặt mới thứ hai lọt vào danh sách Forbes năm nay là ông Trần Bá Dương và gia đình – xếp thứ 1.339 trong danh sách với tổng giá trị tài sản ước tính 1,8 tỷ USD. Ông Dương bắt đầu công việc của mình trong một Nhà máy sửa chữa ô tô vào những năm 1980. Sau đó, ông được thăng chức lên làm quản lý. Đến năm 1997, ông thành lập Công ty ô tô Trường Hải Thaco. Ban đầu, công ty ông chủ yếu kinh doanh xe ô tô và sau đó chuyển sang lắp ráp cho các hãng xe hơi nước ngoài như Kia Motor, Mazda và Peugeot. Năm 2008, công ty ông có bước chuyển mạnh khi một nhà phân phối ô tô Singapore là Jardine Cycle and Carriage mua cổ phần công ty. Năm 2016, Thaco trở thành công ty xe hơi lớn nhất Việt Nam với thị phần chiếm 32%.

Trong khi đó, ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo – những tỷ phú có mặt trong danh sách Forbes trong năm 2017 của Việt Nam – đều có vị trí xếp hạng tăng mạnh trong năm 2018.

Cụ thể, thứ hạng của ông Phạm Nhật Vượng năm nay tăng 368 bậc để nhảy lên vị trí 499 và lọt vào Top 500 người giàu nhất thế giới. Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng được Forbes ước tính đạt 4,3 tỷ USD.

Ông Phạm Nhật Vượng từng học ở Nga và khởi nghiệp bằng cách kinh doanh mỳ ăn liền tại Ukraine vào những năm 1990. Sau đó ông về Việt Nam thành lập và phát triển Vingruop thành một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam, hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, bán lẻ và chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, ông còn xây dựng một trung tâm nghệ thuật đương đại. Đây là năm thứ sáu ông lọt danh sách tỷ phú đô la thế giới của Forbes.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng có thứ hạng tăng mạnh trong năm nay khi từ vị trí 1.678 năm 2017 vươn lên xếp thứ 766 để trở thành nữ tỷ phú Việt Nam lần đầu tiên lọt vào Top 1000 người giàu nhất thế giới.

Embed from Getty Images

Bà Thảo nắm giữ vị trí Chủ tịch Sovico Holdings và là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam. Bà Thảo điều hành hãng hàng không giá rẻ Vietjet. Hãng này chào bán cổ phần lần đầu vào tháng 2/2017 và nhanh chóng giành được thị phần lớn tại Việt Nam. Ngoài ra, bà Thảo còn có cổ phần tại ngân hàng HD Bank và chuỗi bất động sản bao gồm 3 resort nghỉ dưỡng ven biển. Đây là năm thứ hai liên tiếp bà Thảo góp mặt trong danh sách tỷ phú của Forbes. Tổng tài sản ròng của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đạt 3,1 tỷ USD.

Embed from Getty Images

Trong top những người giàu nhất hành tinh, đứng đầu danh sách năm nay là Jeff Bezos – người đang nắm giữ 55% cổ phần trong Tập đoàn thương mại điện tử Amazon – với tổng tài sản 112 tỷ USD (cao gấp đôi dự trữ ngoại hối của Việt Nam). Tài sản của Bezos năm nay tăng thêm 39,2 tỷ USD, là mức tăng lớn nhất trong vòng 1 năm từ trước tới nay. Điều này giúp Bezos soán ngôi của Bill Gates trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới và cũng là người duy nhất có khối tài sản trên 100 tỷ USD. Bill Gates đứng thứ hai với tổng tài sản là 90 tỷ USD. Xếp lần lượt phía sau là Warren Buffett (84 tỷ USD), Bernard Arnault (72 tỷ USD) và Mark Zuckerberg của Facebook đứng thứ năm với tổng tài sản 71 tỷ USD.

Giá trị tài sản trung bình của 2.208 tỷ phú năm nay vào khoảng 4,1 tỷ USD, trong khi tổng tài sản của các tỷ phú này vào khoảng 9.100 tỷ USD (cao gấp ba lần dự trữ ngoại hối của Trung Quốc).

Số lượng các tỷ phú tự thân năm nay cũng tăng 119 người lên 1.490 người so với 1.371 người trong năm 2017.

Trong số 20 người giàu nhất thế giới, có 13 người là người Mỹ. Tổng thống Donald Trump xếp thứ 766 với tài sản 3,1 tỷ USD, giảm 222 bậc so với vị trí 544 vào năm 2017. Việc suy giảm này được cho là do doanh thu ở chuỗi sân golf bị giảm và sự giảm giá của khu bất động sản Midtown Manhattan.

Xét theo khu vực, châu Á – Thái Bình Dương là nơi có nhiều tỷ phú nhất (827 tỷ phú), tiếp theo là châu Mỹ (585 người) và châu Âu (559 người).

Xét theo quốc gia, Mỹ là nơi dẫn đầu về số lượng các tỷ phú, sau đó là Trung Quốc (bao gồm Đại lục, Hồng Kông, Macao và Đài Loan) với 476 tỷ phú; Đức: 123 tỷ phú; Ấn Độ: 119 tỷ phú và Nga: 102 người.

Riêng bang California của Mỹ có tới 144 tỷ phú, cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác (không kể Mỹ và Trung Quốc).

Zimbabwe mặc dù trong cơn khủng hoảng nhưng cũng có một người lọt vào danh sách. Cùng với Hungary, đây là hai quốc gia lần đầu tiên có người lọt vào danh sách tỷ phú thế giới.

Phương pháp xác định tỷ phú của Forbes

Danh sách tỷ phú Forbes công bố năm nay được tính toán dựa trên trị giá cổ phiếu mà các tỷ phú nắm giữ và tỷ giá ngoại tệ ngày 9/2/2018. Danh sách này về cơ bản chỉ lấy theo người sở hữu là cá nhân. Trường hợp các anh/chị/em cùng sở hữu cổ phiếu và quyền sở hữu không phân tách rõ ràng thì vẫn có thể đưa vào danh sách nhưng giá trị trung bình tài sản ít nhất phải là 1 tỷ USD.

Liên Hương

Xem thêm: