Việc Trung Quốc ồ ạt đầu tư sang Đức, châu Âu, trong đó có việc mua cổ phần hoặc mua lại nhiều công ty lớn, đã gây ra quan ngại về vấn đề tự do thương mại, an ninh quốc phòng trong Liên minh châu Âu (EU).

Embed from Getty Images

Chủ tịch Lý Thư Phúc của Geely tham gia một hội nghị tổ chức tại Thụy Sỹ vào năm 2017.

Với khoản đầu tư 9 tỷ USD mua gần 10% cổ phần Daimler, công ty mẹ của hãng Mercedes, ông Lý Thư Phúc đã trở thành cổ đông cá nhân nắm nhiều cổ phần nhất trong tập đoàn Daimler. Hiện tại, khoảng 65% cổ phần của Daimler thuộc về các quỹ đầu tư của Đức và châu Âu, 22,8% thuộc về các nhà đầu tư Mỹ, phần còn lại thuộc về các nhà đầu tư châu Á và các nơi khác trên thế giới. Không phải là một cuộc thâu tóm như thương vụ Jaguar-Land Rover về tay tập đoàn Ấn Độ Tata năm 2008 hay Geely tiếp quản Volvo từ Ford năm 2010, vụ đầu tư lần này của tỷ phú Lý Thư Phúc cũng khiến phương Tây e ngại.

Điều đáng nói là trong thương vụ mua cổ phần Daimler lần này của Geely, ông Lý Thư Phúc đã không khai báo thông tin khi vượt quá các mức nắm giữ 3% và 5% cổ phần Daimler theo quy định hiện hành của Đức. Chính phủ Đức ngay sau đó cho biết họ sẽ xem xét lại quy định về thông báo cổ phần, đồng thời cho biết Đức sẽ giữ thái độ cẩn trọng đặc biệt đối với những thương vụ đầu tư tương tự.

“Đức vẫn mở cửa kinh tế và chào đón đầu tư, miễn chúng phù hợp với các quy ước của thị trường”, bà Brigitte Zypries, Bộ trưởng kinh tế Đức cho biết trên BBC. “Nhưng sự cởi mở của chúng tôi không nên được sử dụng như một cửa ngõ để làm lợi cho các chính sách công nghiệp ở các quốc gia khác”, bà nói thêm.

>> Sri Lanka – nạn nhân mới nhất của chiến lược ngoại giao ‘bẫy nợ’ của Trung Quốc

Nước Đức nói riêng và phương Tây nói chung đều bày tỏ quan ngại đối với các hoạt động thâu tóm ồ ạt của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực.

Trong thương vụ thâu gom cổ phần Daimler lần này của hãng xe Trung Quốc Geely, các chuyên gia kinh tế Đức quan ngại các công ty Trung Quốc – vốn nổi tiếng về việc sao chép bản quyền – có thể tiếp cận công nghệ hay các phát minh quan trọng của hãng xe Đức thông qua điều khoản giao dịch trong hợp đồng đầu tư.

Ở một khía cạnh khác, các công ty Trung Quốc có thể tạo nên tầm ảnh hưởng lớn đối với kinh tế châu Âu thông qua các hoạt động đầu tư nước ngoài. Ngày càng nhiều tên tuổi trong ngành công nghiệp ô tô châu Âu không thể đứng vững trước làn sóng thâu tóm từ các công ty Trung Quốc.

Các hãng xe như Volvo (Thụy Điển), Lotus, MG, London Taxi (Anh), hãng lốp Pirelli (Italy), tập đoàn robot công nghiệp Kuka (Đức) đều thuộc quyền kiểm soát của người Trung Quốc. Tất cả phục vụ cho mục tiêu “Made in China 2025” của chính quyền Bắc Kinh với tham vọng dẫn đầu thế giới, một trong những chiến lược để đạt được điều đó là việc nắm giữ hầu hết các ngành công nghiệp giá trị cao, bên cạnh việc thúc đẩy cho vay giá rẻ, chiếm lĩnh các cảng biển chiến lược, đồng thời không thể không nhắc đến chiến lược “Một vành đai, một con đường” hay còn được gọi là “Con đường tơ lụa mới”

Có nguồn tin cho rằng tỷ phú Lý Thư Phúc của hãng xe Geely vừa mua 9,7% cổ phần của Daimler có quan hệ rất tốt với lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thông tin này đã gợi ra nhiều liên tưởng khác thường. Năm 2002, khi ông Tập Cận Bình mới nhậm chức Bí thư tỉnh Chiết Giang đã đến thăm nhà sản xuất xe hơi Geely duy nhất tại tỉnh này vào thời điểm đó, đã nói thẳng: “Như công ty Geely này, nếu chúng ta không hỗ trợ mạnh mẽ cho công ty này thì chúng ta phải hỗ trợ ai đây?”

Vào năm 2007, ông Tập cũng đến thăm riêng gian hàng của Geely trong một cuộc triển lãm ô tô quốc tế tại Thượng Hải. Đến năm 2010, cũng thật trùng hợp khi lễ ký kết đầu tư giữa Geely và Volvo của Thụy Điển được cử hành cùng thời điểm ông Tập Cận Bình (thời điểm giữ chức Phó Chủ tịch nước) thăm Thụy Điển.

Thực tế, chính quyền Trung Quốc luôn đứng đằng sau yểm trợ các tập đoàn, công ty lớn của quốc gia như: Taobao, Alibaba, Huawei, ChemChina, Dalian Wanda, Anbang… thực thi các chiến lược thâu tóm ở bên ngoài Đại lục.

Chân Hồ