Theo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, dự kiến từ ngày 1/1/2019, người dân sẽ chỉ được rút tối đa 5 triệu đồng/ngày đối với giao dịch rút tiền mặt từ thẻ tín dụng.

Embed from Getty Images

Dự kiến, từ ngày 1/1/2019, chủ thẻ tín dụng chỉ được phép rút tối đa 5 triệu/ngày

Đối với chủ thẻ tín dụng, khi đi ra nước ngoài chỉ được rút ngoại tệ tối đa là 30 triệu đồng/ngày (hơn 1.300 USD/ngày).

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc giới hạn hạn mức rút tiền theo ngày nhằm hạn chế chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt, chi tiêu không đúng mục đích theo quy định quản lý ngoại hối và hạn chế rủi ro giao dịch qua máy chấp nhận thẻ POS (một máy POS có thể chấp nhận thanh toán thẻ của nhiều ngân hàng khác nhau). Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ quy định này chưa chắc ngăn cản được chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài, bởi một khách hàng có thể có nhiều thẻ tín dụng do nhiều ngân hàng khác nhau cung cấp.

Thông qua biện pháp giới hạn rút tiền, NHNN lý giải điều này cũng sẽ giúp giảm thiểu những thiệt hại nếu chẳng may chủ thẻ bị đánh cắp mật khẩu để lấy trộm tiền.

Trên thực tế, hạn mức rút tiền thẻ tín dụng của các ngân hàng hiện đang ở mức từ 20-100 triệu/ngày, và khách hàng có thể rút tiền được 100% hạn mức thẻ tín dụng. Tuy nhiên, với quy định mới chỉ được rút tối đa 5 triệu/ngày, nhiều ý kiến cho rằng đây là mức quá thấp, không đáp ứng được nhu cầu thực tế.

>> Chất vấn: Huy động 500 tấn vàng và hàng chục triệu USD trong dân – Làm sao cam kết tiền gửi?

Bên cạnh việc hạn chế rút tiền, dự thảo lần này còn bổ sung thêm một quy định mới về hạn mức thẻ tín dụng. Cụ thể, trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm: hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ sẽ không quá 80% giá trị của tài sản bảo đảm và tối đa là 1 tỷ đồng; còn nếu không có tài sản đảm bảo thì hạn mức thẻ chỉ được nhiều nhất là 500 triệu đồng.

Sau khi Dự thảo được Quốc hội đưa ra lấy ý kiến gần đây, các chuyên gia ngân hàng đã bày tỏ quan ngại về việc Thông tư đã đánh đồng tất cả các đối tượng khách hàng khi áp dụng hạn mức 500 triệu, điều này có thể tương đối hợp lý đối với đại đa số khách hàng, những người không có nhu cầu sử dụng số tiền quá lớn. Tuy nhiên, với đối tượng khách hàng VIP của ngân hàng, thì việc áp dụng hạn mức 500 triệu là không phù hợp và có thể sẽ gây nhiều phiền phức cho khách hàng.

Mở đường cho hạn chế sử dụng tiền mặt

Ngoài ra, sau khi nghiên cứu thêm và trao đổi với các ngân hàng đang triển khai việc thanh toán thẻ qua mã phản hồi nhanh (QR Code hay còn gọi là mã vạch 2 chiều, cho phép người dùng sử dụng camera điện thoại quét mã QR để thực hiện nhanh một số giao dịch như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, mua hàng), NHNN đã bổ sung thêm tại dự thảo Thông tư quy định về “thanh toán thẻ qua mã QR Code” để quy định cụ thể về hình thức thanh toán thẻ đang có xu hướng phát triển trong thời gian tới.

Để khuếch đại hơn nữa mạng lưới rút tiền đến các vùng sâu vùng xa, dự thảo lần này còn bổ sung thêm một quy định cho phép chủ thẻ rút tiền mặt thẻ tại các điểm POS. Điều này sẽ giúp các ngân hàng tăng độ phủ của kênh cung cấp dịch vụ, và tiết giảm được chi phí đầu tư hệ thống máy rút tiền ATM, tăng mức độ tiện lợi cho khách hàng vì có thể rút tiền tại các POS.

Những thay đổi trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN lần này được xem như là bước đầu tiên trong kế hoạch hạn chế lưu thông tiền mặt đã được Thống đôc NHNN Lê Minh Hưng trình bày trong phiên chất vấn Quốc hội 17/11 vừa qua.

Với sự tham gia của dịch vụ thanh toán trực tuyến Alilay của cổng thương mại điện tử Alibaba Trung Quốc cùng với ứng dụng Samsung Pay đang sẵn có, dự kiến thị trường thanh toán trực tuyến sẽ còn phát triển rầm rộ trong thời gian tới để đón đầu chính sách.

Chân Hồ

Xem thêm: