Nợ công đang tiến sát ngưỡng nguy hiểm, nhưng Dự thảo Luật quản lý nợ công sửa đổi sắp trình Quốc hội phê duyệt trong tháng 10 tới cũng chưa vượt qua rào cản lợi ích “bộ, ngành”, bứt phá thể chế để quản lý nợ công theo chuẩn mực quốc tế.

Nợ công là áp lực đối với bất kỳ Chính phủ nào bởi nó là chi phí, là hiểm họa đối với nền tài khóa của một quốc gia nếu không được kiểm soát tốt. Nợ công của Việt Nam theo con số chính thức là đang tiến sát tới 65% GDP, ngưỡng báo động đối với bất kỳ quốc gia đang phát triển nào, mà nếu tính đúng, đủ thì thực sự đã cao hơn nhiều. 

Đây là gánh nặng đang đè lên Chính phủ. Thế nhưng Dự thảo Luật quản lý nợ công sửa đổi sắp trình Quốc hội phê duyệt trong tháng 10 tới cũng chưa vượt qua rào cản lợi ích “bộ, ngành”, bứt phá thể chế để quản lý nợ công theo chuẩn mực quốc tế.

Nợ công vẫn chưa được tính đúng, tính đủ

Trong Bản dự thảo Luật quản lý nợ công sửa đổi được Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội cập nhật gần nhất ngày 26/4/2017 (sau đây gọi là Dự thảo Luật quản lý nợ công), định nghĩa “nợ công bao gồm nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương”. Như vậy, nợ công sẽ không bao hàm những khoản vay của các chủ thể khác như doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức công lập khác vay mà không qua bảo lãnh Chính phủ.

Quy định trên giúp Chính phủ đứng ngoài cuộc các khoản vay mà Chính phủ không vay trực tiếp hoặc bảo lãnh. Tuy nhiên, dù việc pháp luật Việt Nam định nghĩa thế nào về nợ công thì thị trường tài chính vẫn có những chuẩn mực được áp dụng chung cho tất cả các quốc gia.

Theo cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới, nợ công được hiểu là nghĩa vụ nợ của bốn nhóm: (1) Nợ của Chính phủ Trung ương và các Bộ, ban, ngành Trung ương; (2) Nợ của các cấp chính quyền địa phương; (3) Nợ của Ngân hàng Trung ương; và (4) Nợ của các tổ chức độc lập mà Chính phủ sở hữu trên 50% vốn, hoặc việc quyết lập ngân sách phải được sự phê duyệt của Chính phủ hoặc Chính phủ là người chịu trách nhiệm trả nợ trong trường hợp tổ chức đó vỡ nợ.

Tuy nhiên, câu chuyện quản lý nợ công ở Việt Nam vẫn còn ở thời kỳ sơ khởi…. bởi miếng bánh nợ công vẫn phải cắt nhiều phần, chia nhiều lượt.

Qua rất nhiều kỳ tranh luận tại các buổi Họp tổ, Hội trường của Quốc hội cũng như các buổi Hội thảo về Dự thảo Luật quản lý nợ công, vấn đề cơ quan nào quản lý nợ công vẫn là một vấn đề “hết sức nhạy cảm”.

Nhạy cảm vì nó động chạm tới quyền lợi của nhiều bộ ngành, động chạm tới “quá khứ còn dang dở” của nhiều khoản vay đến nay chưa được giải quyết…

Sau nhiều lần chắp bút, cân nhắc, nâng lên hạ xuống, Dự thảo Luật quản lý nợ công sửa đổi cho tới thời điểm này, vẫn chưa nêu rõ được cơ quan đầu mối quản lý nợ công.

Phía Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật quản lý nợ công vẫn giữ nguyên ba cơ quan cùng quản lý nợ công, bao gồm Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Lý do giữ nguyên nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của 3 cơ quan như hiện hành để bảo đảm ổn định bộ máy, không gây xáo trộn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan và không phải điều chỉnh các luật có liên quan.

Phía cơ quan thẩm định luật là Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội ban đầu đề nghị thống nhất đầu mối trong quản lý nợ công.

Lý do thống nhất đầu mối để cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chịu trách nhiệm chính; tiết kiệm chi phí trong quản lý vay nợ; kịp thời ứng phó với các thay đổi, diễn biến diễn ra trên thị trường vay nợ trong nước và quốc tế.

Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng việc quy định nhiều cơ quan cùng là đầu mối quản lý nợ công như hiện nay dẫn đến công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, quyết toán, thống kê, đặc biệt việc xác định trách nhiệm vay, trả nợ, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay còn nhiều khó khăn, bất cập.

Tuy nhiên, sau khi cuộc họp Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 17/8 vừa qua, vấn đề quản lý nợ công lại được thống nhất theo hướng “dĩ hòa vi quý”, “kết luận chùm”.

Đó là Chính phủ chịu trách nhiệm thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công; Bộ Tài chính thực hiện huy động, đàm phán, ký kết hiệp định khung và đàm phán, ký kết các hiệp định cụ thể; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì giúp Chính phủ quản lý thống nhất về đầu tư công, đề xuất nhu cầu sử dụng vốn vay cho đầu tư công trong cân đối tổng thể các nguồn vốn đầu tư phát triển, trong đó có các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình đàm phán, ký kết các hiệp định vay, thực hiện quản lý ngoại hối theo quy định.

Nhìn vào dự thảo, các chuyên gia trong ngành tài chính cho rằng, vấn đề quản lý nợ công đã không được giải quyết mà còn thêm phần rắc rối, các công đoạn đã không được cắt giảm mà có lẽ sẽ được bổ sung thêm quy trình lấy ý kiến thống nhất, bộ máy không được tinh giảm mà có lẽ sẽ phình to hơn, thời gian để phê duyệt một khoản vay sẽ lâu hơn trước và chi phí quản lý nợ theo đó cũng tăng thêm.

Nguyên Hương

Xem thêm: