Nguồn thu tăng đều nhưng ngân sách lại luôn trong tình trạng “bí” đang bộc lộ nhiều điểm yếu nguy hiểm trong cách chi tiêu của Chính phủ. Theo VEPR, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến trình thoái vốn khỏi các Doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ để cải thiện ngân sách, Chính phủ cần có biện pháp tinh giản bộ máy hoạt động một cách mạnh mẽ hơn nữa, thay vì cứ đẩy gánh nặng thuế phí về phía người dân.

ngan sach nha nuoc
(Ảnh qua: ndh.vn)

Tiếp tục tăng thu, chi mất cân đối

Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong quý 1/2018 đạt 308.500 tỷ đồng, bằng 23,4% dự toán và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, thu nội địa đạt hơn 253.100 tỷ, chiếm đến 82% tổng nguồn thu; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt gần 67.600 tỷ đồng, chiếm gần 22%; thu từ dầu thô đạt 13.200 tỷ, chiếm hơn 4%.

Như vậy, nguồn thu ngân sách đang có sự dịch chuyển thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (giảm 2,8%) sang thu nội địa đóng vai trò chủ đạo với tốc độ tăng 7,2%. Bên cạnh đó, nguồn thu từ dầu thô cũng tăng gần 14%, được Bộ Tài chính giải thích là nhờ giá dầu thế giới duy trì mức khả quan trong thời gian qua.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách trong quý 1/2018 vào khoảng 290.000 tỷ đồng, với gần 77% ngân sách (tương đương gần 222.600 tỷ) được dùng để chi cho các khoản chi thường xuyên; trong khi chi cho đầu tư phát triển chỉ có 35.300 tỷ đồng, chiếm 12% tổng chi; còn chi trả nợ lãi gần 31.400 tỷ, chiếm 11%.

Tính bình quân trong quý 1/2018, mỗi ngày ngân sách phải chi ra gần 2.500 tỷ đồng để nuôi bộ máy Nhà nước và gần 350 tỷ chi trả lãi hàng ngày.

Đáng chú ý, hai khoản chi lớn là chi thường xuyên và chi trả nợ lãi đều tăng tăng lần lượt 5,3% và 7,8% so với cùng kỳ năm 2017; riêng chi đầu tư phát triển lại giảm mạnh gần 27%.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), điều này phản ánh sự mất cân bằng lớn trong cơ cấu chi tiêu của Chính phủ khi nguồn lực cho tăng trưởng dài hạn như đầu tư công đang bị hạn chế rất nhiều so với nhu cầu ngắn hạn như chi thường xuyên.

Tinh giản bộ máy thay vì tăng thuế

Với khoản chi phí lớn để nuôi bộ máy hoạt động đang ‘đè nặng’ lên ngân sách, các chuyên gia VEPR khuyến nghị Chính phủ cần có biện pháp tinh giản bộ máy hoạt động một cách mạnh mẽ hơn nữa bên cạnh việc đẩy nhanh tiến trình thoái vốn khỏi các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ để cải thiện ngân sách, thay vì cứ áp dụng tăng thuế lên người dân.

Mới đây trong buổi công bố báo cáo kinh tế quý 1/2018, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng viện VEPR tiếp tục cảnh báo biện pháp tăng thuế sẽ gây ra những thiệt hại rất lớn cho cả nền kinh tế lẫn xã hội khi giá hàng loạt các mặt hàng bị đội lên cao, ảnh hưởng đến đời sống người dân và doanh nghiệp.

Thêm vào đó, tỷ lệ huy động thuế, phí/GDP của Việt Nam cũng đang quá cao so với các nước trong khu vực. Theo Ngân hàng Thế gới, người Việt đang phải trả thuế, phí cao gấp 3 lần quốc gia khác; tỷ lệ thu ngân sách/GDP cao thứ 3 châu Á chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc.

Nếu cứ tiếp tục tăng thuế thì người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu để bù đắp tiền nộp thuế tăng, trong khi doanh nghiệp tư nhân tiếp tục trong vòng vây thuế phí, làm ra 10 đồng nộp thuế hết 4 đồng khiến doanh nghiệp ‘èo uột’.

Điều này rất có thể quay trở lại áp lực lên nền kinh tế. Khi không kích thích được người dân, doanh nghiệp đầu tư, sân chơi buộc phải nhường lại cho các công ty nước ngoài có nhiều ưu đãi hơn chiếm lĩnh thị trường, người Việt phải đi làm thuê trên chính mảnh đất của mình không còn là nguy cơ nữa mà là thực tế đang ngày càng hiện hữu.

Do đó, biện pháp tăng thuế sẽ là điều “lợi bất cập hại”, chỉ giúp bổ sung thiếu hụt nguồn thu ngắn hạn cho Chính phủ, trong khi tác động tiêu cực về dài hạn lại rất nguy hiểm mà các nhà làm chính sách cần đáng giá kỹ lưỡng.

Một giải pháp thiết thực và dễ thực hiện hơn trong tình huống này là Chính phủ cần cơ cấu lại các khoản chi tiêu một cách hợp lý, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể và tinh giản bộ máy hoạt động cồng kềnh.

Tường Văn

Xem thêm: