Mặc dù được Ngân hàng Thế giới dự đoán mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực và nhiều chỉ số cho thấy khả năng tự phục hồi, nền kinh tế Việt Nam vẫn đòi hỏi cần được cải tổ, tái cấu trúc ngay trong trung hạn để thích ứng với những bất ổn ngày càng gia tăng trong môi trường thương mại và đầu tư quốc tế.

cai-to-o-viet-nam
(Ảnh qua vietbao.vn)

Trước những “cơn gió ngược” của nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam trong thời gian qua đã cho thấy sự bền bỉ nhất định. Năm 2016, Ngân hàng Thế giới dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam khoảng 6%, cao hơn nhiều các nền kinh tế khác trong Asean khác như: Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp. Tuy vậy, triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới còn nhiều bấp bênh, khi các bất ổn ngày càng gia tăng của nền kinh tế toàn cầu đang thách thức Chính phủ Việt Nam phải thực hiện đổi mới, tái cấu trúc ngay trong trung hạn.

Trong năm 2016, doanh số bán lẻ tăng 9,5% cho thấy mức độ tin tưởng của người tiêu dùng. Mức tăng trưởng này được hỗ trợ bởi những đợt tăng lương cơ bản của khối cơ quan nhà nước cũng như mức tăng thu nhập nói chung. Chỉ số quản lý thu mua PMI tăng từ 51,7 (tháng 10) lên 54 (tháng 11) cho thấy sản lượng các ngành sản xuất đang mở rộng. Nhưng sản lượng dầu thô giảm, nhu cầu quốc tế thấp và sản lượng nông nghiệp giảm do hạn hán đã kéo tụt mục tiêu tăng trưởng ban đầu của Chính phủ xuống (trước đây là 6,5% đến 6,8% cho năm 2016).

Cầu trong nước trước đây được hỗ trợ bởi tăng trưởng tín dụng (đạt 19% trong vài năm) và chi tiêu Chính phủ, những khoản chi mà nếu không kiểm soát sẽ dẫn tới nhiều vấn đề trong trung hạn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.  Lạm phát cơ bản ở mức thấp và lạm phát toàn phần là 4,9% cho năm 2016, chủ yếu do Chính phủ tăng giá dịch vụ giáo dục và y tế.

Đồng VND duy trì khá ổn định trên đồng USD trong phần lớn thời gian trong năm. Dự trữ ngoại hối tăng đều, dù chỉ ở mức 2,6 tháng nhập khẩu, vẫn còn thấp hơn một chút mức an toàn là 3 tháng.

Mặc dù Chính phủ đã chú ý hơn về việc chi tiêu và thu thuế, thâm hụt ngân sách vẫn ở mức cao, khoảng 6% GDP. Kết quả là, nợ công đang ở gần mức giới hạn pháp định 65% GDP. Đa số nợ đều thuộc dạng khoản vay hỗ trợ phát triển dài hạn, nhiều khả năng sẽ được gia hạn, nhưng một phần vẫn cần được tái vay (re-finance) trên thị trường vốn quốc tế, mà thời điểm này lãi suất đồng đô la Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng. Cho dù như vậy, vì dòng vốn đổ vào danh mục đầu tư tư nhân của khối ngoại chưa cao, nên Việt Nam vẫn chưa phải chịu nhiều ảnh hưởng cực đoan nào của thị trường.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn tiếp tục cải tổ kinh tế, cải thiện bộ khung pháp lý và quản lý của Chính phủ. Theo chỉ số mức độ thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã nâng hạng từ bậc 91 năm 2011 (trên tổng số 189 quốc gia xếp hạng) lên bậc 82 (trên tổng số 190 quốc gia) trong bảng xếp hạng. Tuy nhiên, cũng theo báo cáo khác của Ngân hàng Thế giới vào tháng 12/2016, Việt Nam tiếp tục đứng sau các quốc gia ASEAN khác như Singapore, Malaysia và Thái Lan về khía cạnh này.

Trong trung hạn

Nhìn tới tương lai trong trung hạn, vào tháng 11, Quốc hội đã thông qua một kế hoạch tái cơ cấu mới cho kinh tế giai đoạn 2016-2020. Kế hoạch nhấn mạnh tầm quan trọng của các doanh nghiệp tư nhân nội địa và sự cần thiết của việc cải tổ và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng như khu vực tài chính. Ngoài ra, cũng cần nâng cao năng suất lao động phổ thông và năng suất lao động tổng hợp, bao gồm tái cơ cấu thị trường quyền sử dụng đất và phát triển nguồn lao động.

Ngay cả trước tháng 11, cải cách DNNN đã được tăng tốc thấy rõ. Cuối cùng thì Chính phủ dường như đã chuẩn bị để buông tay khỏi các doanh nghiệp độc quyền hàng tiêu dùng, như công ty sữa Vinamilk, nhà máy bia Sài Gòn (Sabeco) và bia Hà Nội (Habeco). Các thương vụ bán những doanh nghiệp độc quyền này đang thu hút sự chú ý từ cả trong và ngoài nước. Hy vọng rằng xu hướng này sẽ tiếp tục và các doanh nghiệp tư nhân trong nước cùng người tiêu dùng Việt Nam sẽ không còn phải chịu gánh nặng chi phí từ những DNNN làm ăn thua lỗ.

Một chương trình tăng tốc cải tổ DNNN cũng sẽ phải nỗ lực nhiều để giải quyết các nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Theo con số chính thức, tỷ lệ nợ xấu trong tổng tài sản ngân hàng đã chiếm khoảng 3,7% từ khi thành lập Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VAMC) năm 2013. Nhưng dù VAMC có hoạt động thì các ngân hàng, chứ không phải công ty này, vẫn đang “sở hữu” nợ xấu. Các ngân hàng đã được cho phép đổi nợ xấu lấy “trái phiếu đặc biệt” do VAMC phát hành và dùng chúng để vay nợ từ ngân hàng nhà nước.

Điều này có nghĩa là các ngân hàng không trả được nợ đã được cung cấp thanh khoản tạm thời, nhưng vẫn sẽ phải trả cho những trái phiếu kia vào các năm sau. Thất bại trong kế hoạch này sẽ mang đến sự đổ vỡ còn nặng nề hơn hoặc đòi hỏi ngân sách quốc gia phải tái cơ cấu cho những ngân hàng này. Có thể thấy rõ, môi trường kinh doanh được cải thiện cho các ngành nghề phát triển tại Việt Nam sẽ giải quyết được gánh nặng nợ xấu và giảm dựa dẫm vào ngân sách quốc gia, tại thời điểm mà công khố và nợ công đều đang chịu áp lực lớn.

Thời gian đang cạn dần, và những người lãnh đạo mới bầu ra sau Đại hội Đảng lần thứ 12 vẫn phải đối mặt với những thách thức to lớn. Trong khi môi trường thương mại và đầu tư quốc tế ngày càng thiếu tính ổn định, đặc biệt khi các hiệp định thương mại đa phương như TPP đang hấp hối, các lãnh đạo Việt Nam sẽ phải mạnh tay cải tổ cơ cấu hơn nữa trong 3-5 năm tới.

Rủi ro là khá cao. Thành bại của chương trình cải cách sẽ quyết định người Việt có vươn tới mức sống của người dân tại đất nước Malaysia láng giềng hay vẫn mắc kẹt ở mức thu nhập trung bình thấp.

Bài viết của Suiwah Dean-Leung – Phó Giáo sư danh dự về Kinh tế (Trường Chính sách công Crawford – Đại học Quốc gia Australia (ANU).

Nguồn: www.eastasiaforum.org

Xem thêm: