Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 48/2017 quy định một số cơ chế đặc thù, cơ chế chính sách tài chính – ngân sách đối với TP.HCM.

ban hanh hang loat co che dac thu cho tphcm 2
TP.HCM được hưởng nhiều cơ chế đặc thù cho sự phát triển của thành phố. (Ảnh: shutterstock)

Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 10/6/2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017. Theo đó, Nghị định mới bãi bỏ Nghị định số 124/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với TP.HCM và Nghị định số 61/2004/NĐ-CP ngày 19/6/2014 sửa đổi, bổ sung một sốđiều được quy định tại Nghị định số 124/2004 của Chính phủ.

Theo đó, về bội chi ngân sách, Nghị định quy định ngân sách cấp thành phố được bội chi; bội chi ngân sách cấp thành phố chỉ được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được HĐND thành phố quyết định theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Luật Ngân sách Nhà nước.

Hạn mức bội chi ngân sách thành phố do Quốc hội quyết định hàng năm. Số bội chi cụ thể của ngân sách thành phố hàng năm do HĐND thành phố quyết định, nhưng không vượt quá hạn mức bội chi do Quốc hội quyết định hàng năm.

Bội chi ngân sách thành phố được bù đắp bằng các nguồn vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho thành phố vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật. Thành phố không được vay trực tiếp nước ngoài để bù đắp bội chi ngân sách.

Nghị định cũng quy định mức dư vay nợ (bao gồm vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật) của ngân sách thành phố không vượt quá 70% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.

Thu ngân sách địa phương được xác định trên cơ sở dự toán ngân sách thành phố được Quốc hội quyết định của năm dự toán. Trường hợp cần thiết vay để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng mà mức dư nợ vay của ngân sách thành phố vượt quá quy định, thì UBND thành phố sẽ báo cáo Chính phủ để gửi tới Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội quyết định.

Đáng chú ý là quy định về mức thưởng và bổ sung tăng thu ngân sách trung ương so với dự toán được giao, hàng năm, trường hợp số thực hiện thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố nếu tăng so với dự toán của Chính phủ giao, thì ngân sách thành phố được thưởng 30% số tăng thu này và không vượt quá số tăng thu ngân sách trung ương so với thực hiện thu năm trước.

Về huy động các nguồn tài chính cho đầu tư phát triển thành phố, đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi do thành phố quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, UBND thành phố sẽ lập dự toán kèm theo đề nghị gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách thành phố để thực hiện.

Để sử dụng có hiệu quả quỹ đất thuộc thành phố quản lý, UBND thành phố sẽ được tạm ứng từ nguồn ngân sách thành phố hoặc từ nguồn vay theo quy định cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, sau khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất sẽ thu hồi hoàn trả ngân sách hoặc hoàn trả nguồn vốn vay.

Đối với vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Chính phủ ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn vốn ưu đãi cho TP.HCM để đầu tư các chương trình, dự án xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, môi trường và các chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn.

Theo Nghị định, UBND thành phố được quyền quyết định tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại cho thành phố không phụ thuộc vào quy mô viện trợ, riêng đối với các khoản viện trợ có liên quan đến tôn giáo, quốc phòng, an ninh, sẽ báo cáo Thủ tướng quyết định; Chủ tịch UBND thành phố chịu trách nhiệm thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng có hiệu quả các khoản viện trợ này, thực hiện chế độ hoạch toán, quyết toán theo đúng quy định của pháp luật; định kỳ báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư theo dõi, giám sát và tổng hợp báo cáo Thủ tướng.

Về nguyên tắc vay vốn đầu tư phát triển, TP.HCM được vay vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật; thành phố phải bố trí ngân sách địa phương chi trả gốc, lãi và các chi phí liên quan.

Thành phố cũng được vay lại vốn vay ngoài nước cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố. Khi có nhu cầu vay vốn đầu tư, UBND thành phố sẽ xây dựng kế hoạch vay bù đắp bội chi ngân sách địa phương cùng với lập dự toán ngân sách hàng năm, gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, ngoài nguồn vốn huy động cho các công trình, dự án thuộc đối tượng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách đã được quy định, đối với các dự án khác có khả năng thu hồi vốn hoặc các dự án chỉ có khả năng thu hồi một phần vốn đầu tư, UBND thành phố sẽ quyết định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật việc huy động đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), bao gồm: BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), BTO (xây dựng – chuyển giao – kinh doanh), BT (xây dựng – chuyển giao), BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh), BTL (xây dựng – chuyển giao – thuê dịch vụ), BLT (xây dựng – thuê dịch vụ – chuyển giao), O&M (kinh doanh – quản lý).

Lưu Giang

Xem thêm: