Theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 6/2017, cả nước có 325 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 94,9 nghìn ha, tăng 1 KCN (3,1 nghìn ha) so với cuối tháng 11/2016. Trên toàn quốc, Việt Nam có 36 KCN ven biển với tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê là 7,8 nghìn ha. 

khu cong nghiep
Doanh nghiệp FDI tại một khu công nghiệp. (Ảnh: kinhbaccity.vn)

Báo cáo của đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay cả nước có 220 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 60,9 nghìn ha; 105 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 34 nghìn ha.

Tỷ lệ lấp đầy các KCN mới đạt một nửa, là 51,5%. Đối với các KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy là 73%.

Về khu kinh tế ven biển, tính đến hết tháng 6/2017, cả nước có 16 khu đã được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước xấp xỉ 815 nghìn ha. Ngoài ra, còn 2 khu kinh tế ven biển là Thái Bình (tỉnh Thái Bình) và Ninh Cơ (Nam Định) có trong quy hoạch nhưng chưa được thành lập.

Trong 16 khu kinh tế ven biển có 36 KCN, khu phi thuế quan đã được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 16,1 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê là 7,8 nghìn ha, chiếm khoảng 48% tổng diện tích đất tự nhiên.

Tính đến ngày 20/6/2017, có 473 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 7,3 tỷ USD; 385 dự án đầu tư trong nước và điều chỉnh tăng vốn cho hơn 139 dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 114.000 tỷ đồng.

Một số dự án lớn đăng ký đầu tư trong 6 tháng năm 2017 là dự án sản xuất sợi lốp KVT-1 (tổng vốn đầu tư 220 triệu USD) do Kolon Industries Inc đầu tư tại KCN Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương; Dự án nhà máy sản xuất thép của Tập đoàn Hòa Phát (tổng vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng) tại khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi; Dự án mở rộng nhà máy của Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam (tổng mức đầu tư 2,5 tỷ USD) tại KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Theo số liệu công bố tại Hội thảo “Nông dân bị thu hồi đất – Thực trạng và giải pháp” (2007), Bộ NN&PTNT cho biết trong 5 năm (từ 2001-2005), tổng diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi là 366,44 nghìn ha (chiếm 3,89% đất nông nghiệp đang sử dụng). Trong đó, diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi để xây dựng các KCN và cụm công nghiệp là 39,56 nghìn ha, xây dựng đô thị là 70,32 nghìn ha và xây dựng kết cấu hạ tầng là 136,17 nghìn ha.

Theo thống kê tại thời điểm trên, trung bình mỗi hec-ta đất bị thu hồi ảnh hưởng tới việc làm của trên 10 lao động nông nghiệp.

Năm 2009, Bộ NN&PTNT cho biết việc thu hồi đất nông nghiệp trong 5 năm (2003-2008) đã tác động đến đời sống của trên 627 nghìn hộ gia đình với khoảng 950 nghìn lao động và 2,5 triệu người. Chỉ khoảng 13% số hộ bị thu hồi đất có thu nhập tăng hơn trước trong khi 53% số hộ có thu nhập giảm so với trước. Trung bình mỗi hộ bị thu hồi đất có 1,5 lao động rơi vào tình trạng không có việc làm và mỗi hec-ta đất nông nghiệp bị thu hồi khiến 13 lao động nông nghiệp bị mất việc làm, phải chuyển đổi nghề nghiệp.

Nguyễn Sơn

Xem thêm: