Tuần trước, Trung Quốc thông báo rằng họ đã làm chủ được “nghệ thuật làm bút bi”. Đừng cười: Đó là một nỗ lực trong hơn nửa thập kỷ, tốn kém hàng triệu USD và đòi hỏi phải có sự chỉ đạo từ chính phủ đến việc tham gia của một tập đoàn nhà nước khổng lồ. Thành công này đã được đưa lên trang nhất nhiều tờ báo, được thảo luận rộng rãi trong các buổi tọa đàm trên truyền hình và rất nổi tiếng trên truyền thông xã hội Trung Quốc.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến thăm Bắc Kinh ngày 19/7/2017

Theo báo chí Trung Quốc, dự án không phải là một việc chỉ làm một lần. Trung Quốc hy vọng “những phát minh” do chính phủ dẫn dắt cuối cùng sẽ khôi phục nền kinh tế của họ và làm bệ phóng đưa nước này tiến vào hàng ngũ những nước có nền công nghệ tiên tiến. Thật không may, theo đánh giá của Bloomberg, những nỗ lực như vậy dường như sẽ chỉ làm cho nền kinh tế nước này trở nên yếu kém hơn.

Bút bi là một sản phẩm bình thường và đã được phát minh ra từ lâu. Trung Quốc còn là công xưởng chế tạo bút bi cho khắp thế giới. Tại đây có tới 3.000 nhà sản xuất loại sản phẩm này và đem lại mức doanh thu tổng cộng hàng năm là 40 tỷ USD, đáp ứng tới 80% nhu cầu tiêu dùng bút bi trên toàn thế giới. Nhưng có một vấn đề: Trung Quốc không biết chế tạo hợp kim và không sở hữu được máy móc tiên tiến để làm ra các ngòi bút chất lượng cao. Chính vì thế, 90% ngòi bút bi Trung Quốc đều phải nhập khẩu. Những chiếc bút bi sử dụng nhiều bộ phận sản xuất từ trong nước được coi là có chất lượng kém – một điều được chính Thủ tướng Lý Khắc Cường thừa nhận trong một phát biểu trên truyền hình vào năm 2015. Ông ta nói: “Đó thực sự là tình huống mà chúng ta phải đối mặt. Chúng ta không thể làm chiếc bút bi có thể viết được trơn tru”.

Đối với thủ tướng và những người khác, vấn đề không chỉ nằm ở việc họ cần ký một chữ ký đẹp đẽ. Trong nhiều năm qua, không làm được một chiếc bút bi “hẳn hoi” đã trở thành biểu tượng cho sự thất bại và khoảng cách phát triển công nghiệp của Trung Quốc, là nỗi ám ảnh cho danh tiếng “đồ Trung Quốc” chất lượng kém cho đến yếu kém trong khả năng sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn. Trong bối cảnh kinh tế nội địa ngày càng bộc lộ vấn đề, các cấp cao nhất của chính phủ đã bắt đầu chú ý đến những yếu kém này.

Năm 2011, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã đưa ra gợi ý và triển khai một dự án gọi là “Nghiên cứu, Phát triển và Công nghiệp hoá Nguyên liệu Chính yếu cho Ngành công nghiệp Bút”. Họ đã giải ngân gần 9 triệu USD và buộc Công ty Gang Thép Thái Nguyên (TISCO), một doanh nghiệp sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc, đứng ra lãnh trách nhiệm cải tiến công nghệ vật liệu bút.

Quá trình làm bút bi cũng là một trường hợp phù hợp với guồng máy kinh tế Trung Quốc. Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc ưa thích các doanh nghiệp nhà nước hoạt kém hiệu quả nhưng có quan hệ chính trị, và cuối cùng nền kinh tế phải chịu hậu quả. Trong suốt nửa đầu năm 2016, hơn một nửa trong tổng số 150.000 doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đã báo cáo lỗ, mặc dù chiếm gần ¼ doanh thu ngành công nghiệp của nước này. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, ngành này đã được đầu tư thêm và qua cải cách kinh tế, vai trò của các doanh nghiệp nhà nước lại được tập trung hơn.

Khi mà ngành công nghiệp giữ vai trò quan trọng, chính là lúc mà các vấn đề thực sự bắt đầu nảy sinh. Ngay cả khi một công ty tư nhân muốn đầu tư vào sản xuất ngòi bút chất lượng cao ở Trung Quốc, họ vẫn lo ngại rằng công nghệ mới của họ sẽ bị đánh cắp hoặc bị cưỡng đoạt (bởi nhà nước). Điều này khiến các công ty tư nhân không dám bước chân vào thị trường này. Đối với các nhà sản xuất bút Trung Quốc, nếu họ tiếp tục làm bút chất lượng thấp, thì sẽ dễ và có nhiều lợi nhuận hơn. Thay vì thực hiện quá trình cải cách sở hữu trí tuệ rất khó khăn, chính quyền Trung Quốc lựa chọn đổi mới bắt buộc và đầu tư vào các công ty nhà nước – những doanh nghiệp đặt ưu tiên chính trị lên trên yếu tố lợi nhuận.

TISCO là một ví dụ điển hình. Khách quan mà nói, việc sản xuất ngòi bút bi không mang lại lợi ích về mặt kinh tế cho doanh nghiệp này. Trong năm 2015, TISCO đã sản xuất được hơn 10 triệu tấn thép. Để so sánh, tổng nhu cầu hàng năm đối với các hộp bút bằng thép không gỉ của Trung Quốc chỉ vào khoảng 1.000 tấn. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình gần đây, một quan chức của Hiệp hội Bút Trung Quốc, một tổ chức thúc đẩy dự án, thừa nhận rằng đối với TISCO, “sản suất bút không có hiệu quả về mặt chi phí”. Một điều ít khi được nhắc đến là:  Dự án này đã mất khoảng hơn nửa thập kỷ cho việc Nghiên cứu & Phát triển và có thể sẽ chưa thể đem lại lợi nhuận trong những năm tới.

Tồi tệ hơn, lợi nhuận đó có thể sẽ đến khi gây tổn hại cho nỗ lực của cả ngành công nghiệp bút, vốn là mục tiêu cải tiến của chính dự án. Vào tháng 11, TISCO đã được phép viết ra tiêu chuẩn công nghiệp mới của Trung Quốc về ngòi bút. Hệ quả ngay lập tức sẽ là buộc tất cả các nhà sản xuất bút khác phải tuân thủ các quy định công nghệ của TISCO – hoặc sẽ bị dán nhãn không tuân thủ, cùng với nguy cơ bị đóng cửa nhà máy. Về lâu dài, tiêu chuẩn của TISCO có thể dẫn đến sự độc quyền tại thị trường trong nước đối với sản phẩm ngòi bút, theo đó thay thế cho sự độc quyền của nước ngoài, điều mà Trung Quốc đã cố gắng để phá vỡ.

Viễn cảnh đó có thể làm thỏa mãn một số quan chức lập pháp hám lợi, nhưng lại là một mô hình kém cho việc hiện thực hóa tiềm năng đổi mới và sản xuất của Trung Quốc. Một đường hướng tốt hơn là phải tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ để các doanh nghiệp tư nhân có thể tin tưởng rằng những đổi mới công nghệ của họ sẽ thuộc về họ, không sợ bị đánh cắp mà không được bảo vệ. Trong khi đó, việc đại tu hoặc đóng cửa các công ty quốc doanh thua lỗ sẽ làm cho nền kinh tế có năng suất cao hơn và đảm bảo nguồn lực chảy vào các công ty có tính cạnh tranh với những ý tưởng tốt hơn là những doanh nghiệp chỉ có quan hệ chính trị. Với Trung Quốc, có lẽ đó mới là sáng kiến kinh tế  quan trọng hơn tất thảy những điều khác.

Theo Bloomberg

Tân Bình

Xem thêm: