Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo cập nhật, đã cảnh báo rủi ro kinh tế vĩ mô trong nước do chính phủ nới lỏng quá mức chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.

bao cao cap nhat cua ADB
ADB lo ngại Việt Nam tăng trưởng tín dụng quá mức (Ảnh: cafef.vn)

Bản Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của ADB vừa mới được công bố ngày 26/9/2017 cho biết tình hình tái cơ cấu ngân hàng và giải quyết nợ xấu vẫn còn rất hạn chế.

“Mặc dù tỉ lệ nợ xấu được xác định là 2,6% tổng dư nợ tại thời điểm cuối tháng 3/2017, song tổng nợ xấu – bao gồm cả nợ xấu được báo cáo, nợ xấu chưa xử lý đang được quản lý bởi Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC), và nợ được phân loại là có rủi ro trở thành nợ xấu – ước tính lên đến 10,1% tổng dư nợ trong toàn bộ hệ thống ngân hàng,” báo cáo viết.

Nói về rủi ro trong nước, ADB cảnh báo rằng quyết định kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua việc nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa quá mức sẽ làm trầm trọng thêm nợ xấu.

“Bất kỳ động thái nới lỏng chính sách tiền tệ nào cũng sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề nợ xấu vốn đã và đang là vấn đề nghiêm trọng của hệ thống ngân hàng,” báo cáo cho biết thêm.

Tỷ lệ nợ công của Việt Nam hiện đã chạm trần Quốc hội cho phép là 65% GDP, nên một khi kỷ luật ngân sách yếu đi sẽ có nguy cơ làm tăng bội chi ngân sách, nợ xấu tăng cao.

Trước ADB, nhiều tổ chức quốc tế khác như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã quan ngại về dấu hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Theo IMF, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đã rất cao trong hai năm trở lại đây, khiến tỷ lệ tín dụng/GDP tăng thêm 23,5%. Nếu tăng trưởng tín dụng năm 2017 đạt mục tiêu 21-22% như Thủ Tướng đề ra (kế hoạch ban đầu là 18%), sẽ làm cho tỷ lệ này còn cao hơn nữa và lên mức báo hiệu về rủi ro ổn định tài chính.

Do đó, IMF khuyến nghị tốc độ tăng trưởng tín dụng nên giảm xuống mức 15%/năm, đồng thời tỷ lệ tín dụng/GDP nên ở mức 80% là hợp lý.

Còn theo chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, ông Sebastian Eckardt, sự tăng trưởng tín dụng cao trong thời gian dài có thể làm dấy lên quan ngại về chất lượng tài sản, nhất là trong điều kiện bội chi ngân sách lớn, nợ xấu trước đây chưa được xử lý triệt để.

Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia kinh tế Việt Nam đã phân tích kỹ các yếu tố liên quan và cho rằng việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế vào cuối năm chưa hẳn đã thúc đẩy được tăng trưởng GDP, mà hậu quả để lại có thể là rủi ro nợ xấu càng tăng thêm.

Ngoài ra, theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ Tướng, TS. Trần Đình Thiên, vốn tín dụng tăng chưa hẳn đã chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mà tiếp tục chảy vào các lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, nhất là trong bối cảnh thị trường đang ấm lên. Nếu đẩy mạnh tăng trưởng mà không kiểm soát kỹ có thể làm rủi ro nợ xấu trở nên trầm trọng.

Cuộc khủng hoảng bất động sản giai đoạn 2011-2013 đã để lại hậu quả nợ xấu cao do thị trường đóng băng và mất tính thanh khoản. Các gói kích thích “giải cứu thị trường bất động sản” bấy giờ được đưa ra ồ ạt đã làm các khoản nợ xấu phình to mà cho đến nay Việt Nam vẫn đang phải giải quyết hậu quả.

Trong báo cáo vừa mới công bố, ADB đã giảm dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống còn 6,3% trong năm 2017, và 6,5% cho năm 2018, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đây.

Chân Hồ (T/h)

Xem thêm: