GrabTaxi bị đưa vào diện kiểm soát thuế trọng điểm. Quyết định này được đưa ra trong công văn của Bộ Tài chính ngày 27/11 do hãng taxi công nghệ dẫn đầu thị trường Việt Nam đã báo cáo lỗ lớn trong thời gian dài nhưng lại liên tục mở rộng hoạt động.

grabcar
(Ảnh qua: nld.com.vn)

Trong văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tại kỳ họp 4, Quốc hội khóa 14 về Công ty TNHH GrabTaxi được thành lập với số vốn 20 tỷ đồng, sau 3 năm lỗ hơn 938 tỷ đồng, gấp 47 lần vốn chủ sở hữu, Bộ Tài chính cho biết nguyên nhân lỗ chủ yếu là do chi phí quảng cáo, khuyến mại rất lớn, và giá dịch vụ rẻ hơn so với taxi truyền thống.

Về số tiền nộp thuế và phạt thuế mà Grab đã nộp cho ngân sách nhà nước, cục thuế TP.HCM vừa cho biết từ 1/1-24/11/2017, GrabTaxi đã nộp tổng cộng 142,4 tỷ đồng tiền thuế và phạt thuế. Trong đó, truy thu thuế hơn 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, cục thuế cũng tiến hành giảm lỗ 56,6 tỷ đồng đối với Grab.

Trước đó, ngày 15/11, Bộ Tài chính đã có công văn nhận định Công ty TNHH GrabTaxi có rủi ro về thuế cao, cần xếp vào diện giám sát thuế trọng điểm. Lý do là Grab mặc dù lỗ 3 năm liên tục nhưng vẫn tiếp tục mở rộng kinh doanh.

Trên sổ sách kế toán của GrabTaxi đang thể hiện khoản vay 50 triệu USD từ công ty mẹ tại Malaysia và không phải trả lãi vay. Đây được báo cáo là nguồn tiền giúp công ty này tiếp tục hoạt động bất chấp lỗ lớn và liên tục.

Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với NHNN để rà soát việc sử dụng nguồn tài trợ vốn từ công ty mẹ ở nước ngoài của Grab để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về ngăn chặn và xử lý tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại (nếu có).

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH GrabTaxi có tổng cộng 5 lần thay đổi đăng ký, lần thay đổi gần nhất vào tháng 3/2017 với 2 thành viên góp vốn là: Grab Inc (Cayman Islands, 49%) và ông Nguyễn Tuấn Anh (51%); vốn điều lệ đăng ký là 20 tỷ đồng.

Chân Hồ

Xem thêm: