Cái lỗ nhỏ này có thể cứu sống bạn đấy.

(ảnh: Chris Waits/Flickr)
(ảnh: Chris Waits/Flickr)

Bạn không cần phải là một kỹ sư hàng không để biết rằng cabin máy bay được điều áp để giúp chúng ta không bị bất tỉnh khi bay trên bầu trời, ở độ cao 11.000 mét trên mực nước biển.

Để có thể duy trì áp suất ổn định, cabin không thể có bất kỳ lỗ hổng nào. Vậy tại sao lại có một lỗ nhỏ đáng sợ trong mỗi ô cửa sổ máy bay? Thật ra, chúng được thiết kế vì sự an toàn của bạn.

Theo Mark Vanhoenacker, phi công hãng British Airways, người viết bài cho tạp chí Slate, những lỗ nhỏ này được gọi là “lỗ thông khí” (bleed holes), chúng nằm giữa hai tấm acrylic khác, nghĩa là khi bạn nhìn qua cửa sổ máy bay, bạn đang thực sự nhìn qua ba tấm chất liệu khác nhau.

Tấm đầu tiên – bạn có thể chạm vào và để lại dấu vân tay trên đó – được gọi là tấm xước (scratch pane). Tấm ở giữa có một lỗ thông khí và toàn hộ hệ thống được bao phủ với tấm ngoài, tấm quan trọng nhất, vì nó bảo vệ bạn khỏi chênh lệch áp suất ở bên ngoài.

Tuy cả tấm bên ngoài và ở giữa đều giúp chống lại áp lực từ bên ngoài máy bay, áp lực chủ yếu rơi vào tấm ngoài cùng vì nó là rào cản cuối cùng giữa bạn và bầu trời.

Trước khi chúng ta tìm hiểu những cửa sổ này làm việc thế nào, thì đầu tiên cần phải hiểu một chút về việc thay đổi áp suất không khí khi bạn đang bay. Nếu tất cả mọi thứ hoạt động tốt, bạn thậm chí sẽ không cảm thấy áp lực đang giảm xuống bên ngoài cửa sổ khi đang ngồi xem một bộ phim hay kiểm tra mạng xã hội của mình. (Nếu bạn đủ may mắn để có Wi-Fi).

Để giúp bạn có một hành trình bay vui vẻ, cabin của chiếc máy bay tạo ra áp suất bằng cách bơm không khí đã được điều hòa để bắt chước áp suất không khí dưới mặt đất. Bằng cách này, bạn có thể sống sót trong chuyến đi mà không bị bất tỉnh hay bị thiếu oxy máu, một tình trạng có thể gây tử vong.

Nhưng, khi máy bay lên cao hơn và cao hơn so với mặt biển, không khí bên ngoài máy bay trở nên loãng hơn, có ít oxy và áp suất thấp.

Thật khó để tưởng tượng ra loại thay đổi áp lực này (trừ khi bạn là một nhà leo núi). Theo Hiệp hội Chân không Mỹ, bạn chịu áp lực khoảng 1 kg trên mỗi cm vuông tại mực nước biển. Đây là áp suất mà chúng ta quen thuộc. Nó khá thoải mái.

Khi bạn vào trong một chiếc máy bay và bay lên đến độ cao 10.679 mét, áp suất này sẽ giảm xuống còn 0,2 kg trên mỗi cm vuông.

Điều này có nghĩa rằng khi bạn đang ở trong máy bay trên cao, có một sự chênh lệch áp suất lớn giữa bên trong cabin và bên ngoài máy bay, tất cả không khí bên trong đều đang muốn ra ngoài để điều chỉnh sự mất cân bằng này.

Vậy cái lỗ nhỏ trên cửa sổ này có tác dụng gì? Lỗ nhỏ này thực sự làm giảm áp lực lên tấm kính ở giữa, vì vậy chỉ có tấm bên ngoài là chịu áp lực của áp suất cabin và nó sẽ chịu áp suất dần lớn hơn trong quá trình bay.

“Mục đích của lỗ thông khí nhỏ ở tấm kính giữa là để cân bằng áp suất giữa cabin hành khách và kẻ hở không khí giữa các tấm cửa sổ, do đó áp suất cabin trong quá trình bay chỉ có thể tác động lên tấm bên ngoài”, Marlowe Moncur, Giám đốc công nghệ tại GKN Aerospace, một công ty chuyên sản xuất cửa sổ hành khách, giải thích cho tạp chí Slate.

Vì vậy, nếu tấm bên ngoài vì lý do nào đó bị vỡ, chúng ta sẽ vẫn có tấm kính chính giữa để bảo vệ khỏi tình trạng áp suất thấp bên ngoài. Tất nhiên sẽ có 1 lỗ nhỏ ở tấm kính này, nhưng đó không hề gì với hệ thống điều áp của máy bay.

Trong khi lỗ nhỏ này có vai trò quan trọng giúp chúng ta an toàn, nó cũng giúp giữ cho khung cửa sổ khỏi bị mờ sương, vốn là hệ quả của việc chênh lệch nhiệt độ bên trong và bên ngoài cabin, giúp chúng ta có thể quan sát những đám mây.

Cảm ơn cái lỗ nhỏ trên cửa sổ. Ai mà biết một thứ đơn giản vậy có thể đóng vai trò quan trọng đến thế?

Theo Science Alert
Hoàng Vũ

Xem thêm: