10 viện nghiên cứu tại Trung Quốc sẽ hợp tác với nhau nhằm thử nghiệm lâm sàng cấy ghép nội tạng heo cho người. Về mặt lý thuyết thì có vẻ khả thi, nhưng trước hết các nhà nghiên cứu vẫn đang chờ được cấp phép.

noi tang heo
Cấy ghép nội tạng heo cho người liệu có an toàn? (ảnh: BigStock)

Cấy ghép dị chủng (xenotransplantation)

Năm nay, nhiều thể loại cấy ghép nội tạng lạ thường đã thu hút sự chú ý của công chúng. Một số ý tưởng dường như rất dị thường – như cấy ghép đầu người chẳng hạn. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang xem xét chuẩn bị nội tạng heo đã được biến đổi gen để cấy ghép cho người, và họ kỳ vọng tiến hành trong 2 năm tới.

Những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ sinh học – đặc biệt là công cụ chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9 – đã cho phép các nhà khoa học thay đổi hoặc cắt những gen nhất định một cách chính xác, và gia tăng số lượng thử nghiệm lâm sàng cấy ghép dị chủng thành công trên thế giới.

Bởi vì có kích thước và chế độ trao đổi chất khá giống với nội tạng của người, nội tạng heo được xem là lý tưởng nhất để cấy ghép cho người – quy trình này gọi là cấy ghép dị chủng. Các nghiên cứu về cấy ghép nội tạng heo đã cho thấy những lợi ích đáng kể, đáng chú ý nhất là một con khỉ đầu chó được cấy ghép tim heo đã có thể sống sót trong 3 năm.

Nhằm xác minh những kết quả này, hơn 10 viện nghiên cứu ở Trung Quốc đã xin Chính phủ phê duyệt được tiến hành cấy ghép nội tạng heo cho người. Những thử nghiệm lâm sàng này nằm trong một dự án cấy ghép dị chủng quốc gia do chính phủ trung ương Trung Quốc tài trợ.

>> “Tiêu chuẩn đạo đức” trong lĩnh vực cấy ghép tạng của Trung Quốc là gì?

Ngân hàng nội tạng… heo

Trung Quốc dường như đang dẫn đầu trong lĩnh vực này, Họ tạo ra số lượng heo biến đổi gen nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Để thực hiện cấy ghép nội tạng heo, cần phải loại bỏ một số gen nhất định của heo nhằm ngăn hệ miễn dịch của người không đào thải nội tạng dị chủng này. Tờ Nam Hoa nhật báo đưa tin rằng các cơ sở nhân bản vô tính ở Trung Quốc tạo ra tổng cộng 1.000 con heo mỗi năm, theo một nhà nghiên cứu cho biết.

Điều này đang tạo ra một ngân hàng nội tạng heo quy mô lớn, và họ trông chờ chính phủ thông qua các thử nghiệm lâm sàng sớm. Nhưng dường như chính phủ vẫn đang chưa rõ ràng về vấn đề này.

“Chúng tôi có nhiều bệnh nhân sắp chết vì suy nội tạng và người thân của họ đang tuyệt vọng đi tìm cơ hội để họ được sống,” ông Triệu Tử Kiến (Zhao Zijian) giám đốc Trung tâm nghiên cứu Bệnh chuyển hóa của ĐH y Nam Kinh cho biết. “Nhưng khi chúng tôi tìm đến cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các thử nghiệm lâm sàng, tất cả những gì chúng tôi nhận được là sự im lặng. Chúng tôi hiểu rất khó để chính phủ ra quyết định, nhưng đã đến lúc chúng tôi nhận được một câu trả lời.”

Nội tạng heo có thể đẩy nhanh quá trình bệnh nhân được cấy ghép tạng. Ví dụ ở Trung Quốc, hơn 300.000 bệnh nhân cần ghép tạng, nhưng chỉ có ít hơn 10.000 nội tạng được hiến mỗi năm.

Những câu hỏi…

p1622151a825996810 ss
Đài truyền hình Mỹ PBS phát sóng một tiết mục về vấn đề cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc (ảnh chụp màn hình)

Với con số hiến tạng thấp như vậy, kỳ lạ thay Trung Quốc lại là quốc gia có số ca ghép tạng thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Có nhiều bằng chứng về nạn mổ cướp nội tạng quy mô lớn đối với các tù nhân lương tâm ở quốc gia này (xem chuyên đề Sự thật về mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc). Có thể vì lý do này mà Trung Quốc thật sự không muốn thu hút thêm sự chú ý của công chúng về bất kỳ vấn đề nào liên quan tới “ghép tạng” nữa, và không tỏ thái độ dứt khoát trong vấn đề ghép tạng dị chủng này.

Ngoài ra, như trong bài viết “Ghép tạng, ghép cả linh hồn?” đã phân tích, khá nhiều trường hợp ghi nhận thấy có sự thay đổi cơ bản ở bệnh nhân ghép tạng, mà người ta cho rằng đó là được “truyền” sang từ người cho nội tạng đó: tính tình thay đổi, sở thích thay đổi, thậm chí có trường hợp thực sự cảm thấy như thể sống trong một cơ thể khác, hay là có một người nữa cùng tồn tại trong thân xác.

Từ góc độ của triết học phương Đông, mỗi cơ thể (mỗi cá nhân) là một “thế giới” hoàn toàn khác biệt. Sự khác biệt này có thể xảy ra ở ngay cấp độ tế bào, hoặc dưới tế bào. Khi nhìn bề ngoài bằng mắt thường thì đều là thận, là tim, nhưng thận của mỗi người là mỗi khác, tim ấy là khác, chúng có đặc tính riêng, mang những đặc tính, ký ức, “linh hồn” riêng biệt của chủ thể.

Ngoài ra, vấn đề dùng CRISPR để can thiệp vào bộ gen vẫn còn đang tranh cãi, bởi chúng ta chưa hiểu rõ được hết cách thức mà các gen hoạt động, khi nào bật/tắt hay liên kết với các gene khác. Chỉ cần động đến 1 phân tử trong chuỗi ADN của heo, 1 loạt các phản ứng dây chuyền có thể xảy ra mà không ai lường hết được.

Các đánh giá về an toàn khi cấy ghép dị chủng cũng chưa được đánh giá hết: có hay không sự tác động đến người nhận ghép, và đời sau, con cháu… Ngay như thực phẩm biến đổi gen GMO cũng là một vấn đề đem lại hậu quả trực tiếp lên cây trồng, môi trường, người/vật tiêu thụ.

Theo Futurism,
Sơn Vũ tổng hợp

Xem thêm: