Năm 2017, xu hướng công nghệ trung tâm sẽ là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, robot, Internet của vạn vật (IoT), khoa học vật liệu, sinh học, công nghệ di động không dây mang tính liên ngành sâu rộng…

Nếu so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây thì cuộc cách mạng lần thứ 4 này đang phát triển với tốc độ cấp số mũ, là sự hợp nhất của các loại công nghệ và làm xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học.

Ba chủ đề – trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, và mạng lưới kết nối – tạo nên cơ sở cho top 10 xu hướng công nghệ chiến lược dành cho các doanh nghiệp năm 2017. Đây là thông tin do Gartner – công ty nghiên cứu và cố vấn công nghệ hàng đầu thế giới – công bố tại Gartner Symposium / ITxpo 2016 tại Orlando, Florida, Hoa Kỳ.

top-10-xu-huong-cong-nghe-2017-trithucvn

Trí tuệ nhân tạo

Xu hướng công nghệ thứ 1: Trí tuệ nhân tạo và “máy học” nâng cao

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) và máy học (Machine Learning – ML), bao gồm các công nghệ như học sâu (deep learning), mạng nơron và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, cũng có thể bao gồm các hệ thống cao cấp có thể hiểu, học hỏi, dự đoán, thích ứng và có khả năng hoạt động độc lập. Các hệ thống có thể học hỏi và thay đổi hành vi trong tương lai sẽ dẫn đến việc tạo ra các thiết bị và chương trình thông minh hơn.

Có thể ví dụ: nhờ ứng dụng công nghệ theo dõi tầm mắt (eye-gazing technology) trong các cửa hàng bán lẻ và thu thập dữ liệu về cảm xúc người dùng từ các điện thoại thông minh, các cửa hàng có thể dùng chiến lược marketing khuynh hướng mua sản phẩm (propensity-to-buy) với những vị khách bước vào cửa hàng. Qua phân tích dữ liệu thu được, hệ thống sẽ cho cửa hàng biết khách hàng nào thực sự muốn mua sản phẩm, nhờ đó nhân viên bán hàng sẽ biết ai thực sự là khách hàng mục tiêu để có chiến lược tiếp cận phù hợp, ví dụ không hạ giá và thuyết phục đối với người đã quyết định mua, hạ giá và thuyết phục với người chưa quyết định mua.

>> Cuộc ‘đổ xô tìm vàng’ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

Xu hướng công nghệ thứ 2: Các ứng dụng thông minh

Các ứng dụng thông minh, trong đó bao gồm các công nghệ như trợ lý cá nhân ảo (VPA), có khả năng cách mạng hóa nơi làm việc của con người, làm cho công việc hàng ngày dễ dàng hơn (ví dụ: ưu tiên email) và sử dụng có hiệu quả hơn (ví dụ: làm nổi bật nội dung quan trọng và các tương tác).

Sử dụng công nghệ AI, các nhà cung cấp ứng dụng và dịch vụ sẽ tập trung vào ba lĩnh vực – phân tích nâng cao; quy trình kinh doanh ứng dụng AI và tự trị; giao diện đối thoại ứng dụng AI.

Năm 2018, Gartner dự đoán hầu hết trong 200 công ty lớn nhất thế giới sẽ khai thác các ứng dụng thông minh và sử dụng bộ công cụ đầy đủ các dữ liệu lớn và những công cụ phân tích để tinh chỉnh đơn hàng và cải thiện trải nghiệm của khách hàng.

Xu hướng công nghệ thứ 3: Vạn vật thông minh

Các thiết bị thông minh sẽ tập trung vào ba loại: robot, máy bay drone và xe tự lái. Cũng giống như các ứng dụng thông minh, những thiết bị thông minh không thể tồn tại mà không có trí tuệ nhân tạo (AI) hay máy học (ML).

Vì thiết bị thông minh phát triển và trở nên phổ biến hơn, chúng sẽ chuyển từ hoạt động độc lập sang mô hình thiết bị thông minh hợp tác. Tuy nhiên, các vấn đề phi kỹ thuật như độ tin cậy, tính riêng tư, cùng với sự phức tạp trong việc tạo ra các ứng dụng trợ lý chuyên môn cao sẽ làm chậm tiến trình ứng dụng các thiết bị thông minh trong IoT công nghiệp và các tình huống kinh doanh khác.

Số hóa

Xu hướng công nghệ thứ 4: Thực tế ảo (VR) và tương tác ảo (AR)

Thực tế ảo (VR) và tương tác ảo (AR) thay đổi cách con người tương tác với nhau và tương tác với các hệ thống phần mềm, tạo ra các trải nghiệm hình ảnh mới từ mạng lưới số. Ví dụ, VR được sử dụng cho các kịch bản đào tạo.

AR tạo ra sự pha trộn của thế giới thực và ảo, các lớp đồ họa sẽ được phủ lên các vật thể trong thế giới thực, ví dụ: hiển thị các dây điện chạy ngầm bên trên hình ảnh bức tường.

>> Công nghệ thực tế ảo có thể thao túng bạn như thế nào?

Xu hướng công nghệ thứ 5: Digital Twin (song sinh kỹ thuật số)

Digital twin là mô hình phần mềm của một thiết bị vật lý hoặc một hệ thống, người ta dựa trên các dữ liệu cảm biến để hiểu trạng thái của thiết bị hay hệ thống, đồng thời có thể điều chỉnh, cải thiện hoạt động, và gia tăng giá trị.

Đến năm 2020, ước tính sẽ có hơn 21 tỷ cảm biến và thiết bị đầu cuối được kết nối, và sẽ có hàng tỉ digital twin cho các thiết bị vật lý. Chúng có tác dụng tối ưu hóa tài sản và cải thiện trải nghiệm người dùng hầu như ở tất cả các ngành công nghiệp, cụ thể là:

  • Sửa chữa thiết bị và lên kế hoạch bảo dưỡng thiết bị
  • Dự đoán hỏng hóc thiết bị hoặc tăng hiệu quả hoạt động
  • Lên quy trình sản xuất
  • Vận hành các nhà máy
  • Nâng cao quá trình phát triển sản phẩm (mô phỏng hành vi của các sản phẩm mới dựa trên digital twin của sản phẩm cũ, cân nhắc các yếu tố chi phí, môi trường và hiệu suất của sản phẩm)

Xu hướng công nghệ thứ 6: Blockchain

Blockchain có thể coi là “cuốn sổ cái” lưu các giao dịch, thỏa thuận, hợp đồng và bất kỳ dữ liệu gì mà chúng ta cần ghi chép một cách độc lập hay xác minh sự tồn tại của nó.

Sự khác biệt mấu chốt của blockchain so với sổ thường là nó không tồn tại ở một địa điểm cụ thể nào. Nó được phân tán trên hàng trăm, hàng nghìn máy tính khắp thế giới bằng một công nghệ cho phép nhóm các bản ghi số hóa thành từng khối và chuỗi nhờ các thuật toán phức tạp và quá trình mã hóa có sự tham gia đồng bộ của nhiều máy tính. Với bản chất phân tán của dữ liệu chuỗi khối, khả năng bị hack gần như không có.

Blockchain đang hứa hẹn khả năng thay đổi mô hình hoạt động của các ngành công nghiệp như phân phối âm nhạc, xác minh danh tính và đăng ký quyền sở hữu. Tuy nhiên hiện nay chỉ có Bitcoin là blockchain được khẳng định thực tế. Các phát minh khác về blockchain vẫn đang trong giai đoạn alpha hoặc beta.

Mạng lưới thiết bị

Xu hướng công nghệ thứ 7: Các hệ thống đối thoại

Các giao diện người dùng đối thoại (UI) có thể là cuộc hội thoại hai chiều đơn giản để trả lời câu hỏi “Mấy giờ rồi” đến các tương tác phức tạp hơn như thu thập lời khai từ miệng các nhân chứng để tạo ra bản phác thảo chân dung nghi phạm.

Hệ thống đối thoại không nhất thiết chỉ sử dụng giao diện phần mềm để giao tiếp giữa người và máy, mà nó có thể sử dụng các phương thức như thị giác, thính giác, xúc giác… để giao tiếp qua mạng lưới các thiết bị kỹ thuật số như cảm biến, thiết bị, hệ thống IoT.

Xu hướng công nghệ thứ 8: Mạng lưới ứng dụng và kiến trúc dịch vụ (MASA)

Các mạng lưới kỹ thuật số thông minh đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi kiến trúc, công nghệ và các công cụ sử dụng. Giải pháp hiện tại là mạng lưới ứng dụng và kiến trúc dịch vụ (MASA) – một kiến trúc đa kênh hỗ trợ nhiều người dùng trong nhiều vai trò, sử dụng nhiều thiết bị và giao tiếp qua nhiều hệ thống mạng, dựa trên nền tảng web và giao tiếp API. Tuy nhiên, các doanh nghiệp số thực sự sẽ cần phải tìm ra một giải pháp hiệu quả hơn do những thách thức ngày càng phức tạp của MASA.

Xu hướng công nghệ thứ 9: Các nền tảng công nghệ số

Các nền tảng công nghệ số là các yếu tố cơ bản cho một mô hình kinh doanh số. Mỗi công ty sẽ có một vài trong số 5 nền tảng kỹ công nghệ số, bao gồm: hệ thống thông tin, trải nghiệm của khách hàng, phân tích và thông tin tình báo thị trường, Internet of Things và hệ sinh thái kinh doanh. Các công ty cần phải nhận thức các nền tảng trong ngành sẽ phát triển thế nào và lên kế hoạch để thay đổi các nền tảng của họ nhằm đáp ứng các thách thức của kinh doanh số.

Xu hướng công nghệ thứ 10: Kiến trúc an ninh tương thích

Vì sự phát triển của lưới kỹ thuật số thông minh (intelligent digital mesh), các nền tảng công nghệ số và các kiến trúc của ứng dụng, an toàn thông tin cần trở nên linh hoạt và có khả năng thích ứng. An toàn thông tin trong môi trường IoT là đặc biệt khó khăn. Đội ngũ nhân sự an toàn thông tin cần phải làm việc với các kiến trúc sư về ứng dụng, giải pháp và doanh nghiệp để đưa an toàn thông tin vào quy trình kinh doanh nhằm tạo ra một mô hình mới: Phát triển – Bảo mật – Vận hành (DevSecOps).

>> Lầu Năm Góc cảnh báo nguy cơ do thám từ các thiết bị Lenovo của Trung Quốc

Theo Gartner
Thiện Tâm tổng hợp