Thụy Điển, quốc gia hạnh phúc và hăm hở tái chế rác, nơi có gần một triệu ngôi nhà được làm nóng bằng chất thải được đốt cháy, đang phải đối mặt với một tình thế khó xử có một không hai: Họ cần nhiều nhiên liệu hơn.

Thụy Điển, quốc gia của hơn 9,8 triệu người, đã cạn kiệt nguồn rác. Các bãi rác đã được khai thác triệt để, nguồn rác dự trữ đang cạn kiệt. Điều này trông có vẻ là một điều tích cực, thậm chí đáng ghen tị, khi rác là một vấn đề nan giải mà các quốc gia khác chỉ muốn tống khứ đi, ngược lại Thụy Điển lại bị buộc phải nhập khẩu rác từ các nước láng giềng.

Người Thụy Điển rất chú trọng tái chế. Trên thực tế, chỉ dưới 1% chất thải hộ gia đình Thụy Điển phải đến bãi rác kể từ năm 2011.

Họ đã tái chế rất tốt! Tuy nhiên, thói quen tái chế này đã làm họ phải phụ thuộc vào nguồn chất thải để sưởi ấm và cung cấp điện cho hàng trăm ngàn ngôi nhà thông qua một chương trình dài hạn đốt chất thải thành năng lượng.

Thụy Điển rất chú trọng tái chế, vì vậy chất thải rất ít khi được đưa đến bãi rác. (Ảnh: Evikka/Shutterstock)
Thụy Điển rất chú trọng tái chế, vì vậy chất thải rất ít khi được đưa đến bãi rác. (Ảnh: Evikka/Shutterstock)

Vì vậy, khi chất thải trong nước không đủ, họ buộc phải tìm nhiên liệu ở nơi khác. Giải pháp được đưa ra là nhập khẩu chất thải từ các nước khác, chủ yếu là Na Uy và Anh. Đây là một thỏa thuận tuyệt vời cho Thụy Điển: Những quốc gia khác trả tiền để Thụy Điển lấy đi chất thải dư thừa của họ, Thụy Điển đốt cháy chúng để lấy nhiệt và điện. Và trong trường hợp của Na Uy, tro còn lại từ quá trình đốt rác có hàm lượng dioxin gây ô nhiễm cao đã được trả lại cho đất nước này để chôn lấp.

Bà Catarina Ostlund, một cố vấn cấp cao của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thụy Điển vào năm 2012 cho biết Na Uy có thể không phải là một đối tác hoàn hảo cho đề án rác nhập khẩu. “Tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể nhận được rác thải từ Ý hay từ Romania và Bulgaria hay các quốc gia Baltic vì có rất nhiều bãi rác ở những nước này”, bà nói với Đài phát thanh Public Radio International. “Họ không có bất kỳ nhà máy đốt hay các nhà máy tái chế, họ cần tìm một giải pháp cho chất thải của họ”.

>> Hygge: Bí quyết giúp người dân Bắc Âu sống hạnh phúc nhất thế giới

8 cách thông minh mà Thụy Điển tái chế rác thải

Trang takepart.com đã liệt kê những cách tuyệt vời để khuyến khích bảo vệ môi trường ở Thụy Điển:

  1. Thuốc dùng dư sẽ được trả lại cho nhà thuốc: 43% người Thụy Điển thực hiện điều này
  2. Quần áo đã dùng có thể mang đi đổi để được giảm giá khi mua quần áo mới. VD: năm 2013, H&M giảm giá 7,8 USD (trên đơn hàng tối thiểu 52 USD) cho mỗi túi quần áo cũ mà khách hàng mang tới.
  3. Vỏ chai bia đổi lấy burger: Trong một chương trình khuyến mãi năm 2014, cửa hàng McDonald’s ở Thụy Điển chấp nhận đổi 10 vỏ lon bia lấy một chiếc bánh mì hamburger/cheeseburger, hoặc 40 vỏ lon lấy một chiếc bánh Big Mac.
  4. Thùng rác chơi nhạc: Ở Helsingborg, các thùng rác công cộng có loa để phát nhạc, làm cho việc đổ rác thoải mái vui vẻ hơn.
  5. Mọi người cùng phân loại rác: các hộ gia đình phân loại báo giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh, bóng đèn, và pin. Các món đồ lớn hơn như đồ nội thất hay điện tử thì người Thụy Điển đem tới các trung tâm tái chế ở ngoại ô.
  6. Xe tải đổ rác cũng chạy bằng năng lượng sạch: Dùng biodiesel hay biogas, các xe tải này tạo ra ít tiếng ồn và khí thải hơn, môi trường làm việc cũng tốt hơn cho nhân viên vận hành.
  7. Các nghệ sĩ khuyến khích việc tái chế: Tổ chức bảo vệ môi trường đã hợp tác với các nhạc sĩ, ca sĩ, ngôi sao để thu âm bài hát và quay các quảng cáo phát sóng toàn quốc khuyến khích việc mang các vỏ chai đã dùng tới cửa hàng.
  8. Người dân rất có ý thức môi trường: 40% người Thụy Điển mua sản phẩm dán nhãn thân thiện môi trường. Con số này là cao hơn hẳn ở Mỹ.

Theo MNN, takepart.com
Hoàng Vũ tổng hợp

Xem thêm: