Trong nhiều năm qua, người ta đã ghi nhận được nhiều câu chuyện liên quan đến khả năng thôi miên, từ việc thôi miên để điều khiển suy nghĩ người khác cho đến việc sử dụng thôi miên hồi quy để tìm về ký ức tiền kiếp nhằm chữa bệnh.

Phần 2: Những kiếp trước của trẻ em

Carol Bowman là một nhà trị liệu cho bệnh nhân bằng thôi miên hồi quy và liệu pháp tiền kiếp (past life therapy). Bà đã trực tiếp điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân bao gồm người lớn và trẻ vị thành niên. Carol đã viết 2 cuốn sách, một trong số đó là “Những kiếp trước của Trẻ em” (Children’s Past Lives) ghi lại thông tin về các trường hợp luân hồi của trẻ nhỏ, cuốn sách đã được dịch ra 22 thứ tiếng và phát hành trên 22 quốc gia.

carol bowman and book copy
Carol Bowman và cuốn sách Những kiếp trước của trẻ em (ảnh: carolbowman.com)

Chuyến quay về kiếp trước của cậu con trai 5 tuổi

Các bệnh nhân được Carol điều trị không phải trẻ em, tuy nhiên mối quan tâm của Carol về liệu pháp tiền kiếp và luân hồi lại bắt đầu từ những ký ức tiền kiếp của trẻ em, mà người đầu tiên chính là cậu con trai Chase của bà.  

Khi Chase được 5 tuổi, cậu bé trở nên cực kỳ sợ hãi trước những tiếng nổ lớn. Những âm thanh lớn như tiếng pháo hoa hay tiếng các vận động viên nhảy từ ván cầu xuống bể bơi đều có thể làm cậu hoảng loạn và kinh sợ trong rất lâu. Khi được mẹ hỏi sợ điều gì, Chase không thể trả lời được nguyên nhân.

Khi Norman – nhà thôi miên – một người bạn của Carol đến thăm, ông đã đề xuất tiến hành thử thôi miên hồi quy với Chase.

cau be chase
Cậu bé Chase khi còn nhỏ (ảnh: PureInsight.org)

Cuộc thôi miên hồi quy của Norman với Chase vượt quá sức tưởng tượng của Carol. Cậu bé cho biết mình từng là một anh lính mặc quân phục thời trung cổ, tham gia một trận chiến, bị thương ở cổ tay và được đưa vào điều trị tại một bệnh viện dã chiến. Chase cũng nói rằng cậu có một người vợ và một gia đình, cậu rất nhớ họ và không muốn quay lại chiến trường vì sợ.

Carol phát hiện rằng kể từ khi Chase còn rất bé, cậu đã bị một vết chàm mãn tính ở chỗ cổ tay. Vết chàm nghiêm trọng đến mức cậu bé thường gãi cành cạch suốt đêm đến nỗi chảy máu. Carol đã đưa cậu đi khám ở nhiều bác sĩ mà không có tác dụng.

Sau trải nghiệm về ký ức tiền kiếp của Chase, nỗi sợ của cậu bé đối với tiếng động lớn hay tiếng nổ lớn đã biến mất. Đồng thời, chỉ vài ngày sau thôi miên, vết chàm vốn đi theo Chase từ thuở sơ sinh cũng đã hoàn toàn biến mất.

Khi Chase được 18 tuổi, vết chàm đó lại xuất hiện và gây ngứa. Mẹ con cậu phát hiện rằng điều đó liên quan đến việc Chase vừa mới đăng ký nghĩa vụ quân sự. Hóa ra, bằng cách nào đó, thậm chí chỉ một ý nghĩ nhập ngũ cũng đã khơi gợi ký ức cơ thể này của Chase. Rồi sau đó vết chàm lại biến mất.

>> Sống chết có số, phú quý do trời’ có thực sự đúng?

Cậu bé 8 tuổi với chứng hiếu động thái quá và khó thở

Trong phần 1, chúng ta đã được làm quen với Sylvia Browne, một nhà thôi miên hồi quy nổi tiếng. Hầu hết các bệnh nhân của Sylvia là người lớn, nhưng đôi lúc bà cũng đón tiếp các vị khách nhỏ tuổi. Dưới đây là câu chuyện về một trường hợp như vậy.

Jay là cậu bé 8 tuổi rất thông minh, dễ thương và tốt bụng nhưng bị chứng khó thở, ban đêm hay gặp tình trạng hoảng loạn. Cậu cũng được cho là hiếu động thái quá dẫn đến nhiều vi phạm kỷ luật tại trường.

Khi được Sylvia Browne thôi miên hồi quy, Jay kể rằng trong một tiền kiếp, cậu là một chủ trang trại chăn nuôi gia súc trẻ, kết hôn với một “thiếu nữ to lớn xinh đẹp tên là Anna”, họ có với nhau 12 người con. Jay yêu các con và thích cảnh tụ họp gia đình náo nhiệt. Nhưng một ngày nọ, Jay bị gọi tòng quân. Cậu buồn bã phải rời xa gia đình và được phân công trên một chiến hạm. Tàu đi chưa được bao xa thì bị tấn công, Jay chết ngay khi bị một mảnh đạn lớn đâm trúng cuống họng, xé nát khí quản.

Trong một kiếp trước, Jay là một phụ nữ có chồng ở Đan Mạch, mẹ của 10 đứa con. Khi 34 tuổi thì người phụ nữ này phải nằm liệt giường vì căn bệnh viêm phổi. Jay nhớ lại mình đang nằm trơ trọi một mình, lắng nghe tiếng con trẻ chơi đùa náo nhiệt bên ngoài cánh cửa căn phòng ngủ đóng kín, và quá đau yếu đến nỗi không thể làm tròn vai trò người mẹ. Jay cũng phát hiện rằng một trong những đứa con không chịu vâng lời nhất của cậu ở kiếp đó là mẹ của cậu bây giờ – người luôn rèn cậu vào khuôn phép.

Sylvia giải thích rằng chứng khó thở ban đêm của cậu liên quan đến cái chết khi khí quản bị xé nát và bệnh viêm phổi trong quá khứ, còn tính hiếu động của cậu liên quan đến việc cậu đã sống trong các gia đình lớn, náo nhiệt với nhiều trẻ con.

Một tuần sau khi được thôi miên hồi quy, Jay không còn bị chứng khó thở nữa, cậu cũng đã điềm tĩnh và chăm chú hơn khi ở trường. Sáu tháng sau cậu hoàn toàn khỏe mạnh và điểm số cũng tăng từ loại D lên loại B.

Một số trẻ em dưới 7 tuổi có thể nhớ lại tiền kiếp mà không cần thôi miên

Sau lần chứng kiến sự việc của con trai, Carol Bowman bắt đầu hỏi các bậc cha mẹ khác trong khu vực xem họ có trải nghiệm điều gì tương tự như thế bao giờ chưa. Một số người cũng từng có những đứa con ba hoặc bốn tuổi nói những điều đại loại như, mẹ có nhớ hồi con còn lớn và con có một con ngựa không? Hoặc mẹ có nhớ khi chúng ta ở cùng nhau và con tàu bị chìm rồi tất cả chúng ta đã mất mạng không? Quả thực những câu hỏi này đã làm các bậc phụ huynh rất sốc.

Carol càng nghiên cứu sâu và thu thập được nhiều trường hợp hơn. Rồi sau nhiều năm, Carol đã phát triển những chỉ dẫn, kỹ năng để phụ huynh có thể giúp con mình xử lý các ký ức này khi chúng xuất hiện. Bởi vì những ký ức này xảy đến một cách ngẫu nhiên với những đứa trẻ dưới 7 tuổi.

Carol rút ra kết luận rằng, có những đứa trẻ ‘tự nhiên’ lại kể về quá khứ, khi chúng còn lớn, hay khi chúng qua đời, hoặc nhớ lại khi chúng còn là một bà mẹ với năm đứa con… Những ký ức này xảy đến rất tự nhiên, đột ngột với trẻ em ở Mỹ và Canada, cũng như ở những nước châu Á nơi người ta tin vào luân hồi. Như vậy, có một hiện tượng tự nhiên xuất hiện ở trẻ nhỏ trên toàn thế giới.

James Leininger James Huston World War II opti
James Leininger, cậu bé đặc biệt thích lái máy bay, nhớ mình đã từng là phi công tử trận trong thế chiến thứ II (ảnh: Carol Bowman/ Facebook)

Trẻ luân hồi vào đúng gia đình mình đã từng sống: tần suất khá cao

Khi cuốn sách đầu tiên Các kiếp trước của trẻ em được xuất bản vào năm 1997, Carol Bowman đã công bố địa chỉ email của mình và lập một diễn đàn thảo luận trên Internet về luân hồi. Bà nhận được rất nhiều thư và ý kiến từ các bậc phụ huynh khắp nơi trên thế giới với nội dung đại loại như:

“Đừng nghĩ tôi bị điên, nhưng tôi nghĩ là người bà đã mất 10 năm trước chính là đứa con bốn tuổi của tôi hiện giờ. Và đây là lý do tại sao tôi tin điều đó…” Họ liệt kê một loạt các hành vi của đứa trẻ, từng thứ kỳ quặc và đặc thù giống với người bà quá cố. Hoặc đứa trẻ ba tuổi kể về cuộc sống của người bà mà thông thường nó sẽ không thể biết được.

>> Luân hồi có thật hay không? 3 nghiên cứu nổi bật nhất

Sau đó Carol nhận được trường hợp đặc biệt của một phụ nữ ở Chicago với đứa con trai 2 tuổi tên là James. Cậu bé có một khối u lớn ở sau mắt trái khiến con mắt đó bị mù. James cũng có một khối u lớn ngay phía sau tai phải, đã được sinh thiết. Và người ta đã đưa một ống truyền tĩnh mạch vào trong cổ cậu bé, để lại một vết sẹo. Đứa trẻ đã chết vì căn bệnh này khi mới được 26 tháng.

Mười ba năm sau, người mẹ Kathy sinh hạ đứa con thứ tư, và cô đặt tên là Chad. Sau khi ra đời, Chad được phát hiện mù bên mắt trái, có một khối u nang ở ngay sau tai phải và một cái bớt như vết rạch ở trên cổ.

Khi Kathy bế đứa trẻ lần đầu, cô cảm thấy một sự thân thiết nào đó, mối liên hệ với đứa trẻ này. Và khi lớn lên cậu bắt đầu thể hiện một số cử chỉ và đặc điểm giống người anh đã mất của mình. Khi lên bốn tuổi, cậu bé bắt đầu kể về cuộc đời của James mà đáng lý cậu không thể biết. Cậu bé đòi những món đồ chơi cụ thể mà đứa trẻ đầu tiên hay chơi. Và một hôm, bé đến trước những người anh của cậu và nói: “Trước kia em đã ở đây. Em đã bị ốm rồi chết và bây giờ em đã quay lại.”

Kathy biết Chad chính là James – đứa con đầu tiên đã tái sinh. Kathy cũng biết rằng Chad cũng đã nhận ra rằng bản thân mình chính là luân hồi của người anh trai trước đây. Câu chuyện về Chad và James chính là câu chuyện trung tâm trong cuốn sách thứ hai của Carol với tựa đề Trở về từ thiên đường.

Carol nhận ra rằng hiện tượng luân hồi vào cùng một gia đình trong một khoảng thời gian rất ngắn, 3, 5, 10 năm, là điều xảy ra rất thường xuyên. Và hiện tượng này xảy ra thường xuyên hơn mọi người tưởng.

sach rtfh luan hoi
Cuốn sách Trở về từ thiên đường của Carol Bowman (ảnh: Amazon)

Cuốn sách Trở về từ thiên đường của Carol kể về các trường hợp trẻ em chết vì tai nạn giao thông hoặc bệnh tật đã quay về với đúng người mẹ của chúng trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Và đối với Carol thì đây quả là một điều kỳ diệu.

Đối với những bà mẹ đã trải nghiệm điều đó, thì sự việc này đã hoàn toàn thay đổi cảm xúc đau thương của họ. Nó cho họ hy vọng, niềm an ủi khi biết rằng, bằng một cách thức kỳ diệu nào đó, một số phương diện linh hồn của người thân yêu đã quay trở về với họ. Và họ sẽ tiếp tục yêu thương linh hồn đó như họ đã từng trước đây.

Video Carol và Chase xuất hiện trong show truyền hình của Oprah Winfrey:

Thiện Tâm tổng hợp

Xem thêm: