Đủ lương thực, đủ nước uống, và không có kẻ thù – môi trường tựa như thiên đường của loài chuột đã biến thành địa ngục chỉ sau 600 ngày. Tại sao lại như vậy?

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, nhà sinh vật học John B. Calhoun đã thực hiện nhiều cuộc thí nghiệm nghiên cứu hành vi của chuột. Đặc biệt nhất phải kể đến một thí nghiệm nổi tiếng khi ông cung cấp điều kiện sống lý tưởng cho 4 cặp chuột trong một không gian giới hạn, và quan sát quá trình phát triển của quần thể chuột này.

Nhà nghiên cứu John B. Calhoun cùng các thí nghiệm liên quan đến chuột (Ảnh: Yoichi R Okamoto, Wikimedia)
Nhà nghiên cứu John B. Calhoun cùng các thí nghiệm liên quan đến chuột (Ảnh: Yoichi R Okamoto, Wikimedia)

Từ nảy nở tới diệt vong

Với khả năng sinh sản nhanh chóng, số lượng chuột đã tăng gấp đôi mỗi 55 ngày. Con số này tiếp tục tăng mạnh và đạt mốc 620 con chuột vào ngày thứ 315, sau đó tốc độ tăng bắt đầu chậm lại.

Điều đáng chú ý là trong khoảng thời gian từ ngày thứ 315, nhóm nghiên cứu ghi nhận một hiện tượng được gọi là “tha hóa hành vi” (behavior sink) – những con chuột không còn có thể giữ được cấu trúc xã hội và trạng thái hành vi bình thường.

(Ảnh: Sipa, Pixabay)
(Ảnh: Sipa, Pixabay)

Trong tự nhiên, khi có nhiều con trưởng thành mà cấu trúc xã hội trong quần thể không đủ để đáp ứng, các con này sẽ di cư. Nhưng trong không gian của thí nghiệm, chúng không thể di cư và phải đấu đá với nhau để tranh giành số vị trí có hạn. Những con lép vế phải chịu sự khiêu khích và tấn công của các con khác, và một số nạn nhân này lại trở thành kẻ khiêu khích, đẩy nhanh vòng xoáy bạo lực trong cộng đồng chuột.

Trong những nhóm chuột biểu hiện bất bình thường nhất, tỉ lệ chết của con non lên tới 96%. Trong môi trường bất ổn, rất nhiều chuột cái không thể có thai, hoặc chết trong khi sinh. Số còn lại không hoàn thành chức năng của chuột mẹ và ruồng bỏ chuột con. Chúng trở thành những kẻ khiêu khích chính, và thường thay thế vị trí của con đực đầu đàn.

Biểu đồ số lượng chuột trong thời gian thí nghiệm
Biểu đồ số lượng chuột trong thời gian thí nghiệm

Một thế hệ chuột con bị mẹ ruồng bỏ, sẽ lớn lên mà không thể kết nối với xã hội, chúng sống tách mình, Calhoun gọi chúng là “những kẻ xinh đẹp”. Chúng không sinh nở, đấu đá mà chỉ quan tâm tới ăn uống, ngủ và chăm sóc cho bản thân. Khi số lượng chuột trong quần thể suy giảm, “những kẻ xinh đẹp” không bị ảnh hưởng bởi bạo lực và tử vong, nhưng chúng không đi tìm bạn tình và cũng không chăm sóc con non.

>> Không nói một từ, đoạn phim 6 phút làm bạn nín lặng…

Toàn bộ cấu trúc xã hội của bầy chuột sụp đổ. Lần sinh nở thành công cuối cùng của quần thể này là vào ngày thứ 600, đó cũng là khi số lượng quần thể chuột đạt mức tối đa: hơn 2000 con, sau đó quay đầu giảm đều cho tới khi cả quần thể bị tuyệt diệt.

“Những kẻ xinh đẹp” là những con cuối cùng còn sống sót, nhưng vì chúng không giao phối, số lượng quần thể không thể hồi phục.

Một lời cảnh báo?

Sau khi kết quả thí nghiệm được công bố, John B. Calhoun cho rằng biểu hiện của bầy chuột có thể là một ẩn dụ cho tương lai của nhân loại, khi con người không còn có thể giữ vững được nhân tính. 50 năm về trước, thí nghiệm này đã làm người ta phải rùng mình ghê sợ.

Embed from Getty Images

Ngày nay, chẳng phải chúng ta cũng đang chứng kiến sự “tha hóa hành vi” ở nhân loại? Các con nghiện nhiều thể loại thực hiện các hành vi loạn tính, ăn ngủ bất thường. Trong xã hội có những người sẵn sàng chạy theo trào lưu nọ, mốt kia mà không cần suy nghĩ. Nhiều người vẫn đang mặc sức đấu đá, chém giết… Ô nhiễm và chất độc tràn lan, không chỉ gây ra ung thư mà còn khiến nhiều đứa trẻ sơ sinh dị dạng, chết yểu.

Nếu nhân loại không thể sửa đổi chính mình thì phải chăng chúng ta sẽ đến ngày tuyệt diệt?

>> Khi lãng phí trở thành ‘nét văn hóa’ còn tiết kiệm là ‘hiện tượng sắp tuyệt chủng’

Quang Minh