Nghe có vẻ khó tin, nhưng Sony đã đăng ký bằng sáng chế US 20170064283, mô tả “một phương pháp thiết lập truyền dữ liệu và năng lượng không dây giữa các thiết bị điện tử tiêu dùng”. Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể sạc không dây qua chính những chiếc điện thoại xung quanh mình.

SONY-1
(Ảnh: What Future)

Trang web What Future đã phát hiện ra Sony đăng ký bằng sáng chế này vào tháng 11/2016. Nói một cách dễ hiểu, công nghệ này chính là sự kết hợp của công nghệ sạc không dây và truyền dữ liệu NFC giữa hai thiết bị với nhau.

What Future nhận định, nếu công nghệ này được đưa vào ứng dụng, chúng ta sẽ có thể sạc điện thoại mọi lúc mọi nơi nhờ kết nối với các thiết bị điện tử thông minh, bao gồm cả tủ lạnh, TV, máy tính, máy giặt hay lò vi sóng.

Công nghệ sạc này hoạt động dựa trên nguyên lý nào?

Bằng sáng chế này cho thấy, công nghệ sạc của Sony dựa trên hệ thống ăng-ten được thiết kế riêng cho việc truyền tải điện năng và dữ liệu không dây, đi kèm với nó là giao diện người dùng đồ họa đơn giản hỗ trợ quá trình kết nối các thiết bị.

wireless_charging_by_sony_tvss
(Ảnh: What Future)

Cụ thể, một thiết bị sẽ phải có hai loại ăng-ten, một ăng-ten để thu phát sóng di động còn một ăng-ten để phục vụ việc tìm kiếm và “giao tiếp” để lấy điện năng từ các thiết bị khác. Khi 2 thiết bị tích hợp công nghệ này gần nhau, giao diện người dùng sẽ cho phép lựa chọn truyền điện năng hay dữ liệu, và sau đó hệ thống sẽ kích hoạt việc truyền tải năng lượng tương tự cách hoạt động của cảm biến NFC.

Như vậy, nếu xung quanh có nhiều điện thoại, bạn có thể vừa chọn kết nối dữ liệu với một thiết bị này, đồng thời chọn truyền điện năng từ một thiết bị khác.

Công nghệ sạc này liệu có khả thi?

Công nghệ sạc không dây của Sony nếu thành công thì sẽ là một bước cải tiến đáng kể ở lĩnh vực này, nhưng nó cũng có còn tồn tại một số hạn chế dễ nhận thấy.

Thứ nhất, công nghệ sạc không dây này chỉ áp dụng nếu điện thoại phát đang cắm sạc. Điều này có nghĩa là vẫn phải cắm sạc cho một thiết bị này trong khi nó truyền điện năng cho một thiết bị khác.

Thứ hai, phương pháp sạc không dây hiện nay vốn yêu cầu điện thoại phải được đặt phía trên bề mặt bộ sạc. Chính vì nguyên lý này, sạc không dây thường bị hạn chế về khoảng cách. Hiện cũng chưa rõ công nghệ sạc của Sony có thể hoạt động ở khoảng cách bao xa, nhưng nếu nó vẫn yêu cầu 2 thiết bị đặt cạnh hay là xếp chồng lên nhau, thì việc sử dụng cũng không thật sự thuận tiện.

Thứ ba, để vận hành cơ chế “nhận năng lượng từ một thiết bị khác”, có thể sẽ phải tiêu tốn dung lượng pin. Điều này tương tự như tiêu hao năng lượng để truyền tải dữ liệu. Và như vậy thì khó có thể coi đây là một phương pháp sạc ổn định, chỉ khả thi trong trường hợp cần “cứu cánh” khi thiết bị của bạn đã quá cạn pin.

Thứ tư, pin Lithium-ion trong điện thoại cũng không lưu trữ được nhiều năng lượng, nhất là với một cục pin “già cỗi”, mà lại còn phải cung cấp năng lượng cho một thiết bị khác, thì sẽ khiến tuổi thọ của nó giảm đi nhanh hơn.

An Nhiên (T/H)

Xem thêm: