Xuất phát từ việc thích gấu trúc, cô Aude Pilleron đã lấy đó làm cảm hứng cho phát minh Pandasuite của công ty khởi nghiệp của cô tại Pháp. Cô Pilleron chia sẻ “Gấu trúc là một loài động vật mạnh mẽ nhưng cũng rất thư thái dễ chịu. Tôi mong muốn người dùng biết được rằng công nghệ [tạo ứng dụng] của chúng tôi cũng như vậy.”

pandasuite 1
Cô Aude Pilleron, đồng sáng lập Pandasuite (ảnh: Facebook)

Cô Pilleron cùng với các đồng sự Benjamin Barbe, Jerome Dalicieux và Nicolas Muller đã sáng lập Pandasuite, là website cho phép người dùng có thể tạo các ứng dụng trên thiết bị điện tử mà không cần lập trình.

Pandasuite dễ dàng sử dụng tới mức ngay cả đứa bé 7 tuổi cũng có thể tạo những ứng dụng mới. Người dùng của Pandasuite đã tạo ra khoảng trên 20.000 ứng dụng.

Cảm hứng từ mong muốn đơn giản hóa

pandasuite 2
Nhóm Pandasuite chỉ có 5 người (ảnh: Facebook)

Cô Pilleron cho rằng việc tạo một công cụ như Pandasuite là quan trọng bởi vì họ cần đơn giản hóa quá trình sáng tạo. Cô giải thích “Trước đây, để làm được các ứng dụng thì phải vượt qua nhiều rào cản, thât sự rất khó khăn và mất rất nhiều thời gian để học. Chúng tôi muốn phát minh ra một công nghệ hỗ trợ sự tự do trong sáng tạo, một công cụ để những ai có ý tưởng tuyệt vời có thể tạo ra những ứng dụng tuyệt vời.”

Pilleron nói rằng lần đầu tiên cô ấy quan tâm đến việc phát triển các ứng dụng là khi nhìn thấy “Our choice” – một ứng dụng về môi trường được hỗ trợ bởi cựu phó Tổng thống Mỹ Al Gore, phát hành năm 2001. Ứng dụng này tương tác rất tốt, nó bao gồm cả tính năng cho phép người dùng thổi vào màn hình để bắt chước tiếng gió thổi. “Ứng dụng đó rất thú vị, nhưng nó là một công cụ tốn nhiều thời gian, tiền bạc và […] kỹ năng về công nghệ để phát triển. Hành trình của chúng tôi tại Pandasuite là tập trung phát triển một công nghệ không tốn kém và không đòi hỏi kiến thức về kỹ thuật để tạo ra các ứng dụng tiên tiến.”

Tạo ra các ứng dụng một cách linh hoạt

Theo Pilleron, điểm tạo ra sự khác biệt của Pandasuite so với đối thủ cạnh tranh là sự linh hoạt.

pandasuite 3
1 bức tranh mà sinh viên tải lên Pandasuite để làm ứng dụng (ảnh: Pandasuite)

Khi Pandasuite lần đầu phát triển công nghệ này, hầu hết các ứng dụng khác trên thị trường chỉ có một bộ tính năng cố định và chỉ có thể làm một việc. Thí dụ, có những ứng dụng dành riêng cho mua sắm hoặc sự kiện, nhưng không có ứng dụng nào thực hiện cùng lúc hai chức năng mua sắm và sự kiện. Đối với Pandasuite, người dùng sẽ không bị giới hạn ở một mẫu. Họ có thể phát triển rất nhiều loại ứng dụng, chẳng hạn như hướng dẫn trong bảo tàng, thuyết trình doanh nghiệp, công cụ học tập thân thiện với trẻ em, và tạp chí.

Nhóm của Pilleron đã dùng công nghệ HTML5/JavaScript và Flex hybrid để làm Pandasuite, từ đó đảm bảo tính tương thích cho mọi trình duyệt. Pilleron giải thích rằng họ phát triển Pandasuite vì người dùng cần một nền tảng có thể tự động tạo ra nội dung tương thích Android, iOS, và web (Java, Objective C, và Javascript/HTML) cùng một lúc, mà không cần phải phát triển những ứng dụng riêng cho từng phần.  

Quá trình tạo một ứng dụng trên Pandasuite khá đơn giản. Sau khi thiết lập một tài khoản miễn phí, người dùng có thể truy cập vào Pandasuite studio : một màn hình với thanh công cụ cho phép chèn những tính năng cho ứng dụng của họ, từ chi tiết cơ bản như văn bản và hình ảnh, cho đến công cụ cao hơn như cảm ứng chuyển động và cảm ứng thổi (có thể dò ra chuyển động không khí, như là hơi thở). Sau khi chỉnh sửa, ứng dụng có thể được biểu diễn trên bất kỳ thiết bị nào.

Hầu hết các công ty như iBuildApp và Zoho’s Creator tính phí cho quá trình tạo ứng dụng và lưu trữ nó, nhưng với Pandasuite thì không. Người dùng chỉ cần thanh toán 116 USD/tháng để đưa của họ lên các cửa hàng ứng dụng. Việc tạo ứng dụng là miễn phí.

>> Tim Cook bị chất vấn vì quyết định gỡ bỏ các ứng dụng VPN tiếng Trung

“Bạn chỉ trả cho việc phân phối, còn viêc tạo ra thì không tốn phí”, cô Pilleron nói. “Chúng tôi nhận thấy rằng nếu bạn phải trả phí ngay từ đầu, thì điều này sẽ làm hạn chế mọi người. Chúng tôi muốn người dùng tạo ra sản phẩm trước và đưa nó cho các đồng nghiệp của họ xem. Theo cách này, sẽ không có rào cản nào cho sự sáng tạo, và mọi người có thể thỏa sức sáng tạo như họ muốn.”

Trở ngại chính mà Pandasuite đối mặt để giữ được sự linh hoạt là phải theo kịp những tiến bộ trong công nghệ. Pilleron chỉ ra rằng “Chúng tôi phải có thái độ rộng mở với mọi thứ đang diễn ra, cập nhật, dự đoán những gì sẽ là xu thế của công nghệ trong một đến hai năm, rồi mới có thể triển khai nó trong Pandasuite.”

Nhiều người dùng tìm đến

pandasuite 4
1 sự kiện cộng đồng của Pandasuite (ảnh: Pandasuite)

“Khách hàng của Pandasuite khá đa dạng, với những nhà thiết kế “không biết lập trình hoặc người đã từng làm việc với một lập trình viên nhưng nay có toàn bộ quyền kiểm soát ứng dụng”, Pilleron nói, “cũng có những giám đốc dự án làm việc với những nhóm lớn và sử dụng ứng dụng để thay thế các bài thuyết trình như Powerpoint.”

Ngân hàng Pháp BNP Paribas là một khách hàng như vậy, họ cần Pandasuite giúp đỡ để tìm giải pháp thay thế cho Power Point. Pandasuite đã hợp tác với Bejamin Lesage, trưởng phòng dự án tại BNP Paribas Canada. Ông ấy cần tuyển dụng sinh viên tại những hội chợ việc làm được tổ chức trong tháng 09/2017, trong đó có các trường McGill University, Concordia University, HEC Montreal, và Polytechnique Montreal.

“Chúng tôi muốn thu hút các sinh viên càng nhiều càng tốt và hướng họ đến các vị trí mà chúng tôi cần tuyển. Chúng tôi nhận thấy rằng cần có một ứng dụng, vì vậy đã gửi thử thách này tới trang OpenUp và đã được kết nối với Pandasuite,” Lesage chia sẻ. Pilleron đã đào tạo nhóm của Lesage từ xa, giúp họ nhanh chóng tạo ra một nguyên mẫu chạy được gồm bốn khối chính : hình ảnh đồ họa, đường dẫn trực tiếp đến trang tuyển dụng, khảo sát trực tuyến để hiểu sinh viên hơn, và một trò chơi trực tuyến giữa các trường đại học.

>> Ứng dụng biến nhặt rác thành thú vui nhận được tài trợ 1/4 triệu USD từ chính phủ Mỹ

Lesage đã rất vui mừng với kết quả của ứng dụng. “Đó là một thành công thật sự. Gần 300 sinh viên đã trả lời cuộc khảo sát của chúng tôi ngay tại chỗ, và cuộc thi trò chơi trực tuyến cũng diễn ra rất sôi nổi. Chúng tôi cũng đã tìm thấy những ứng viên tiềm năng cho chương trình thực tập và đào tạo cao học.”

Theo cô Pilleron, dự án của Ngân hàng BNP Paribas đã giúp Pandasuite có kinh nghiệm làm việc với nhóm lớn và sử dụng công nghệ đó để thực hiện trên quy mô lớn.

pandasuite 5
(ảnh: Pandasuite)

Tại Trung Quốc, công ty khởi nghiệp về giáo dục Hihilulu cũng sử dụng Pandasuite để tạo các ứng dụng có các trò chơi tương tác cho trẻ em học tiếng Trung. Công nghệ này đã giúp Hihilulu “tạo ra các ứng dụng mạnh trên thiết bị di động giúp trẻ em ghi nhớ và hiểu tiếng Trung tốt hơn,” cô Pilleron chia sẻ.

Trong khi đó, La Cité de la Mode et du Design tại Paris đã sử dụng tính năng địa lý-ngữ cảnh hóa để tạo một ứng dụng về bảo tàng cho cuộc triển lãm có tên “Studio Blumenfeld: New York 1941-1960” được mở vào hồi đầu năm. Khi điện thoại di động của người dùng chỉ đến bức ảnh nào, thì ứng dụng này sẽ đưa ra thông tin của tác phẩm nghệ thuật đó.

Trong thời gian tới, Pandasuite hy vọng mở rộng khách hàng không chỉ trong nước Pháp mà còn cả ra nước ngoài. Hiện tại công ty đã có các khách hàng từ các nước như Mỹ và Nam Phi. Nhưng niềm đam mê của Pandasuite vẫn là tạo ra một cộng đồng cho các trang web. Tại các buổi hội thảo hàng tuần tổ chức cho người dùng, Pilleron và nhóm thường được nghe về các dự án mới và hợp tác với họ tìm ra những hướng đi mới.

“Chúng tôi coi Pandasuite như một cầu nối giữa công nghệ và xây dựng nội dung,” Pilleron nói. “Thí dụ, mỗi khi một công nghệ mới thú vị xuất hiện, chúng tôi đưa nó vào Pandasuite để mọi người có thể trải nghiệm và làm những gì họ muốn.”

Theo TechinAsia,
Uyên Nguyên