Nhà vật lý kỳ cựu Stephen Hawking đã qua đời ở tuổi 76. Đại diện của gia đình ông đã khẳng định tin này vào hôm thứ tư 14/3.

Stephen Hawking
(ảnh: Getty Images)

Ông đã có công lớn trong việc cụ thể hóa các khái niệm như hố đen, thời gian và lịch sử vũ trụ. Là giáo sư tại Đại học Cambridge, Hawking là nhân vật nổi tiếng trong cả cộng đồng khoa học lẫn văn hóa. Ông được biết đến là người có tâm hồn nhân hậu, hài hước và vượt qua những thử thách về thể chất.

Ông từng nói, “vũ trụ sẽ không còn thực sự là vũ trụ nếu nó không phải là ngôi nhà cho những người bạn yêu mến.”

Hawking bị bệnh xơ cứng teo cơ cột bên, khiến ông phải ngồi trong xe lăn trong hầu hết cuộc đời. Bệnh này cũng phá hủy những dây thần kinh điều khiển chuyển động dẫn đến bị liệt. Hawking bị chẩn đoán mắc bệnh này năm 1963 và người ta tin rằng trong những người mắc bệnh này, ông là người sống sót lâu nhất.

>> Vì sao Stephen Hawking bị bệnh teo cơ mà vẫn sống sót hơn 50 năm?

Những cột mốc trong cuộc đời Stephen Hawking

Năm 1982, Hawking đưa ra khái niệm dao động lượng tử – các dao động siêu nhỏ trong sự phân bố của vật chất – có thể dẫn đến sự lan rộng của các thiên hà trong vũ trụ. Nhưng phải đến khi ông xuất bản cuốn sách Lược Sử Thời gian (A Brief History of Time) năm 1988, tên tuổi của ông mới thực sự nổi tiếng.

Cuốn sách đã lập kỷ lục Guinness khi nằm trong danh sách best-seller của tờ Sunday Times với kỷ lục 237 tuần, 10 triệu bản đã được bán. Cuốn sách được dịch ra 40 thứ tiếng khác nhau trên thế giới.

Những giải thưởng hàng đầu của Hawking gồm có: Giải thưởng Albert Einstein, Giải thưởng Wolf, Huy chương Copley, và giải thưởng Fundamental Physics. Câu chuyện của ông cũng cũng là nguồn cảm hứng cho bộ phim năm 2014, “Lý thuyết về Mọi thứ.”

“Chúng tôi hết sức đau buồn là người cha thân yêu của chúng tôi đã qua đời hôm nay,” các con của ông, Lucy, Rober và Tim nói. “Chúng tôi sẽ nhớ ông ấy mãi mãi.”

Theo financialexpress,
Nguyên Khánh