Người cổ đại đã thực hành nông nghiệp bằng cách trồng cây trong rừng Amazon, góp phần tạo ra sự phân bổ các loài cây trong khu rừng ngày nay.

Quả hạnh Brazil rải rác dưới các gốc cây trong rừng Amazon. Những cây này rất phổ biến tại Amazon hiện nay vì con người đã bắt đầu trồng chúng từ hơn 8.000 năm trước. (ảnh: Lior Golgner/Wiki)
Quả hạnh Brazil rải rác dưới các gốc cây trong rừng Amazon. Những cây này rất phổ biến tại Amazon hiện nay vì con người đã bắt đầu trồng chúng từ hơn 8.000 năm trước. (ảnh: Lior Golgner/Wiki)

Mặc dù rừng Amazon vẫn là một nơi hoang dã và chưa thể khám phá hết, một nghiên cứu toàn diện mới đã khẳng định khu rừng là kết quả của một số thí nghiệm xa xưa của con người với nông nghiệp. Con người đã sống ở Amazon và xây dựng nên một trong những nền văn minh vĩ đại nhất của thế giới cổ đại. Họ cũng đã thay đổi đáng kể rừng Amazon và dấu tích vẫn còn rõ ràng ngày nay.

Nhà nghiên cứu khoa học môi trường Carolina Levis thuộc Đại học Wageningen và một nhóm đa quốc gia gồm hơn 40 nhà sinh thái học và khảo cổ học đã tham gia vào một nghiên cứu đăng tải trên trang Science, buộc chúng ta phải thay đổi quan điểm cũ về Amazon.

Những loài cây thuần hóa chiếm tỷ lệ cao

“Con người đã đến Amazon ít nhất 10.000 năm trước, họ bắt đầu sử dụng một số loài thực vật đã có ở đó. Và hơn 8.000 năm trước, họ đã chọn lựa một số cá thể có kiểu hình cụ thể, hữu ích cho con người.” Trao đổi với trang tin The Atlantic, Levis cho biết. “Họ đã thực sự trồng và chăm sóc các loài này trong vườn nhà mình, trong những khu rừng họ quản lý.”

Theo khảo cổ học dòng chủ lưu, 8.000 năm trước thì con người ở thời kỳ đồ đá mới Levant mới chỉ lần đầu tiên thuần hóa lúa mì và lúa mạch.

Khai thác dữ liệu từ mạng lưới Amazon Tree Diversity Network, Levis và các đồng nghiệp đã xác định được 85 loài cây được thuần hóa trong số 4.962 loài ở Amazon. Nhưng 85 loài này có ảnh hưởng lớn đến thành phần của rừng.

“Chúng tôi phát hiện ra rằng 20 trong số 85 loài được thuần hóa này là loài chiếm ưu thế tuyệt đối: cao gấp 5 lần so với số lượng các loài có ưu thế được lựa chọn ngẫu nhiên”, các nhà khoa học cho biết trên tạp chí Science.

Nhìn chung, khoảng 20% các loài trong rừng Amazon là kết quả của sự thuần hóa cổ đại. Ở những khu vực có nền văn minh cổ đại tồn tại, số lượng các giống cây được thuần hóa là gần 30%.

Các loài cây được ưa thích bởi thổ dân Amazon 8.000 năm trước bao gồm: cây cao su, ca cao, hạt quả hạch Brazil, vú sữa, cọ acai, hạt điều và cọ tucuma. Những giống cây này và các giống cây khác là những thực phẩm và vật liệu xây dựng chủ yếu cho thổ dân ở đây trước khi Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ.

Hạt quả hạch Brazil được cho là có tác dụng tốt về sức khỏe được nhập khẩu và rao bán ở Việt Nam, là loại cây được thuần hóa 8.000 năm trước ở Amazon (ảnh: Shutterstock)
Hạt quả hạch Brazil được cho là có tác dụng tốt về sức khỏe được nhập khẩu và rao bán ở Việt Nam, là loại cây được thuần hóa 8.000 năm trước ở Amazon (ảnh: Shutterstock)

Ngoài bằng chứng cho thấy những giống cây này đã được con người Amazon canh tác và trồng trọt, các nhà khoa học nhận thấy rằng việc thuần hóa các giống cây xuất hiện nhiều nhất ở ở các thành phố cổ đại đã được các nhà khảo cổ xác định vị trí, cũng như trong các ngôi làng dọc theo những con sông.

Nhiều loại cây được thuần hóa cũng xuất hiện ở các khu vực Amazon nơi con người đã đốt rừng để canh tác. Có khả năng những giống cây này phát triển tốt nhất ở các khu vực đã bị tác động bởi con người. Nói cách khác, mật độ cao của các loại cây được thuần hóa có thể là kết quả của việc canh tác có chủ ý và các giống cây dễ thích ứng với môi trường có con người.

sieu-qua-acai-berry
Siêu quả acai berry là loại quả mọng màu tím căng mọng, trông giống quả việt quất cỡ lớn mọc trên cây cọ acai mảnh mai được thuần hóa. Từ 8.000 năm trước, acai berry là thứ quả “chống đói” của người Amazon nhưng ngày nay, trái cây bé nhỏ này đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia (ảnh: Internet)

Kết quả là một khu rừng đã bị biến đổi bởi con người trong hàng ngàn năm. Mặc dù những con người xây dựng lên các thành phố cổ đại đã rời bỏ các cánh rừng hơn một thiên niên kỷ trước và quá trình thực dân hóa bởi người châu Âu 500 năm trước đã giết rất nhiều cư dân Amazon, những con người cổ xưa vẫn để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong cảnh quan nơi đây ngày nay.

Phát biểu với tạp chí Nature, nhà cổ sinh vật học của ĐH Amsterdam, Crystal McMichael lưu ý rằng sự chuyển đổi của rừng Amazon không dừng lại sau khi tiếp xúc với những người châu Âu. “Điều khá phổ biến là cả người cổ đại và người dân hiện đại đều định cư ở những khu vực tương tự.“ Khi những người mới tràn vào các cánh rừng, họ có thể giữ cho các giống cây thuần hóa cao hơn trung bình.

Ảnh mô phỏng Kuhikugu (hay X11) - di chỉ khảo cổ của 1 thành phố cổ đại thời tiền-Columbus trong rừng Amazon (ảnh qua mochilabrasil)
Ảnh mô phỏng Kuhikugu (hay X11) – di chỉ khảo cổ của 1 thành phố cổ đại thời tiền-Columbus, hiện nằm ở công viên quốc gia Xingu, Brazil, trong rừng Amazon (ảnh qua mochilabrasil)

Các nhà khoa học từ lâu đã cho rằng con người đã góp phần định hình rừng Amazon. Nhưng điều đáng nói trong nghiên cứu của Levis và các đồng nghiệp là nó đã đánh giá toàn diện về Amazon dựa trên sự kết hợp quan điểm của các nhà khoa học môi trường và các nhà khảo cổ học.

Báo cáo khoa học đa ngành này đã cho phép chúng ta hiểu rằng một khu vực hoang sơ dường như chưa ai viếng thăm thực ra lại là tập hợp các trang trại bị bỏ hoang hàng thế kỷ trước.

Theo Annalee Newitz/arstechnica.com
Thiện Tâm

Xem thêm: