Các nhà khoa học đã tìm ra quá trình rượu làm hại DNA trong tế bào gốc, từ đó giải thích rõ hơn vì sao uống rượu có thể làm tăng nguy cơ ung thư, theo một nghiên cứu được tài trợ một phần bởi tổ chức Nghiên cứu ung thư Anh Quốc, đăng trên tạp chí Nature ngày 3/1.

Nghiên cứu: Uống rượu làm tổn thương tới DNA, tăng nguy cơ ung thư
Rượu mạnh tăng khả năng mắc bệnh ung thư và nhiều vấn đề sức khỏe khác (Ảnh: Shutterstock)

Trước đây nhiều nghiên cứu đã xem xét quá trình rượu gây ra ung thư ở cấp độ tế bào. Nhưng nghiên cứu này đã xem xét ở cấp độ gen về quá trình rượu gây ra ung thư.

Các nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm sinh học phân tử MRC, Cambridge đã cho chuột dùng rượu pha loãng (ethanol). Sau đó họ phân tích chromosome và chuỗi DNA để kiểm tra mức độ tổn hại gen gây ra bởi acetaldehyde – một chất có hại được tạo ra trong quá trình cơ thể xử lý rượu.

Họ phát hiện ra acetaldehyde có thể làm gãy và làm hư hại DNA trong tế bào máu gốc, dẫn đến sự thay đổi trật tự của các chromosome và thay đổi chuỗi DNA vĩnh viễn trong các tế bào này. Khi những tế bào gốc khỏe mạnh bị lỗi, nguy cơ ung thư sẽ tăng lên.

>> Nghiên cứu: Cơ chế ‘lách luật’ của tế bào ung thư cũng hệt như lối sống con người

Những phát hiện này giúp chúng ta hiểu vì sao rượu làm tăng nguy cơ của 7 loại ung thư, trong đó có các loại hay gặp như ung thư vú và ung thư ruột. Giáo sư Ketan Patel, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: “Nguyên nhân của một số loại ung thư là do DNA trong tế bào gốc bị hư hại. Có một số loại hư hại là tình cờ, nhưng phát hiện của chúng tôi cho thấy uống rượu có thể làm tăng nguy cơ của những hư hại này.”

2 tuyến bảo vệ cơ thể trước tác hại của rượu

Nghiên cứu: Uống rượu làm tổn thương tới DNA, tăng nguy cơ ung thư
Rượu thật trong ngắn hạn chỉ khiến người uống say xỉn, gây chết người chủ yếu là rượu cồn công nghiệp methanol (Ảnh chụp/ Youtube)

Nghiên cứu cũng xem xét cách cơ thể tự bảo vệ khỏi bị tổn thương bởi rượu. Tuyến bảo vệ đầu tiên là một họ enzyme tên aldehyde dehydrogenases (ALDH). Những enyzyme này tách acetaldehyde thành các acetate, và có thể dùng làm nguồn cung cấp năng lượng cho tế bào.

Có hàng triệu người trên thế giới thiếu loại enzym này,  hoặc enzyme không hoạt động bình thường, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Do vậy khi họ uống rượu, lượng acetaldehyde sinh ra sẽ không có enzyme tiêu đi, nó có thể gây đỏ mặt, từ đó khiến họ cảm thấy không khỏe.

Trong nghiên cứu, khi người ta đưa rượu cho những con chuột thiếu loại enzyme ALDH2 (một loại ALDH quan trọng), nguy cơ hư hại DNA cao gấp 4 lần so với những con chuột có ALDH2 hoạt động bình ổn.

Tuyến bảo vệ thứ hai của tế bào là các hệ thống sửa chữa DNA, trong đa số các trường hợp nó có thể sửa chữa và đảo ngược sự hư hại của các DNA. Nhưng không phải lúc nào nó cũng có tác dụng. Khi các tế bào không thể sửa chữa được những hư hại này, thì người đó sẽ mang theo đột biến gen.

Giáo sư Patel nói thêm: “Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh rằng, khi không thể tiêu hóa rượu một cách hiệu quả, DNA sẽ dễ bị hư hại hơn, từ đó dẫn đến một số loại ung thư. Hệ thống giải rượu và sửa chữa DNA của cơ thể không phải là hoàn hảo và rượu vẫn có thể gây ung thư theo nhiều cách, thậm chí cả ở những người mà hệ thống phòng bệnh còn nguyên vẹn.”

Theo Ths.BS Tạ Văn Trình làm việc tại Bệnh viện K, trong 6 loại ung thư gặp phổ biến nhất ở nam giới, thì có đến 2/3 loại ung thư liên quan đến thói quen uống rượu. Trong đó, có những loại ung thư tỉ lệ tử vong rất cao, như ung thư gan: tỷ lệ mắc là 40,2% thì tử vong cũng lên đến 39,1%.

Theo sciencedaily.com,
Thành Đô

Xem thêm: