Chụp ảnh selfie đã trở nên vô cùng phổ biến trên mạng xã hội. Google ước tính có khoảng 93 triệu tấm ảnh selfie được chụp mỗi ngày trong năm 2014, chỉ tính trên các thiết bị Android. Từ này nổi tiếng đến mức “selfie” đã được thêm vào từ điển tiếng Anh Oxford năm 2013.

Tuy phổ biến như vậy, nhưng ý kiến của mọi người về selfie lại rất khác nhau. Một vài người cho rằng đó là cách thể hiện sự sáng tạo, kết nối với mọi người… trong khi số khác cho rằng selfie thể hiện tính ái kỷ, khoa trương và “sống ảo.”

Những người phê phán cho rằng bản chất của selfie – một người tự chụp ảnh bản thân – sẽ chẳng bao giờ có thể là khoảnh khắc chân thực trong cuộc sống của họ, mà chỉ là hình ảnh được sắp xếp và cho thấy người chụp quá chú trọng vào bản thân.

Vì sao người ta chụp ảnh selfie?

Là một hiện tượng xã hội mới xuất hiện, selfie thu hút sự chú ý của các nhà tâm lý học. Người ta suy nghĩ và cảm thấy thế nào khi chụp, đăng và xem ảnh selfie của họ và người khác?

Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Frontiers in Psychology, GS. Sarah Diefenbach của ĐH Ludwig-Maximilians, Munich đã tiến hành khảo sát online để đánh giá động cơ cũng như phán xét của người ta khi chụp và xem ảnh selfie.

Tổng cộng 238 người ở Áo, Đức và Thụy Sĩ đã hoàn thành khảo sát. Kết quả cho thấy 77% người tham gia thường xuyên chụp ảnh selfie. “Tỷ lệ cao này có thể là do phù hợp với những cách thể hiện bản thân phổ biến, như tự quảng bá và tự bộc lộ,” GS. Diefenbach cho biết. “Bức ảnh selfie có thể là cách tự quảng cáo cho bản thân, thể hiện cho khán giả những mặt tích cực của cá nhân; hoặc bức ảnh là cách để tự bộc lộ, chia sẻ những khoảnh khắc riêng tư với thế giới, mong nhận được sự cảm thông. Đây dường như là những động lực chính,” bà giải thích.

Loại thể hiện bản thân thứ 3 được xếp vào loại nói giảm nói bớt, khi người ta thể hiện bản thân, thành tựu và năng lực một cách không quan trọng. Những người có điểm cao ở mục “tự quảng bá” hay “tự bộc lộ” có xu hướng ủng hộ chụp ảnh selfie hơn những người có điểm cao ở mục “nói giảm.”

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, người ta càng xem ảnh selfie của bản thân và người khác thường xuyên, thì càng giảm tự tin vào giá trị bản thân và ít hài lòng với cuộc sống (ảnh: patramansky / Fotolia)
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, người ta càng xem ảnh selfie của bản thân và người khác thường xuyên, thì càng giảm tự tin vào giá trị bản thân và ít hài lòng với cuộc sống (ảnh: patramansky / Fotolia)

Điều thú vị là, mặc dù 77% người tham gia có chụp ảnh selfie thường xuyên, có tới 62-67% đồng ý với những mặt tiêu cực tiềm ẩn của selfie như làm giảm lòng tự tin vào giá trị bản thân (self-esteem).

82% người tham gia cũng cho biết họ thích xem các loại ảnh khác hơn là ảnh selfie trên mạng xã hội. Nếu chỉ xem xét từ các con số này thì selfie đáng lẽ không nên phổ biến đến như vậy.

Đối với hiện tượng nhiều người chụp ảnh selfie thường xuyên nhưng hầu hết mọi người đều không thích xem chúng, GS. Diefenbach đã đặt cho cái tên “nghịch lý selfie.” Trong đó, mấu chốt nằm ở khác biệt trong cách một người nghĩ về ảnh selfie của bản thân so với ảnh của người khác.

Người tham gia khảo sát cho rằng ảnh selfie của người khác có động cơ thể hiện bản thân cao hơn và sự chân thực ít hơn so với ảnh selfie của họ. Họ tự cho rằng ảnh của mình mang tính tự châm biếm và chân thực hơn.

“Điều này có thể giải thích tại sao mọi người đều chụp ảnh selfie mà không cảm thấy mình ái kỷ. Nếu mọi người đều nghĩ như vậy, hẳn nhiên cả thế giới sẽ đầy ảnh selfie,” GS. Diefenbach kết luận.

>> Nhìn người khác, bạn sẽ hiểu chính bản thân mình

Selfie ở nam giới

Embed from Getty Images

Đối với nam giới, một nghiên cứu của ĐH bang Ohio đã được thực hiện năm 2015 trên 800 người tuổi từ 18 đến 40. Kết quả cho thấy những người đăng ảnh bản thân lên mạng nhiều hơn (so với ảnh khác) có điểm số cao hơn về tính ái kỷ và psychopath (một dạng rối loạn đa nhân cách).

Tính ái kỷ thể hiện ở niềm tin rằng người đó thông minh hơn, quyến rũ và giỏi hơn người khác, nhưng ở bên dưới tại có những nỗi bất an. Psychopath thể hiện đặc trưng ở việc thiếu sự cảm thông và tôn trọng người khác, hay có những hành động nông nổi.

Ở nam giới có chỉnh sửa ảnh trước khi đăng thì điểm số ái kỷ và ám ảnh về vẻ ngoài của bản thân lại càng cao hơn nữa. Điều này thể hiện xu hướng đánh giá bản thân quá chú trọng vào ngoại hình.

Điều này không có nghĩa là nam giới đăng nhiều ảnh selfie thì đều là kẻ ái kỷ hoặc bị rối loạn đa nhân cách, chỉ là những nét tính cách “chống đối xã hội” này ở mức độ cao hơn trung bình.

Theo ScienceDaily,
Sơn Vũ tổng hợp

Xem thêm: