Các độc tố Bt diệt côn trùng được tạo ra trong cây trồng biến đổi gen (GMO) có thể gây hại cho tế bào của con người. Đây là kết quả nghiên cứu được công bố vào tháng 2/2012 của Đại học Caen, Pháp.

(ảnh: Shutterstock)
(ảnh: Shutterstock)

Nghiên cứu và các kết luận

Các thí nghiệm của Đại học Caen cho thấy độc tố trong cây trồng biến đổi gen như ngô MON810 có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng sống sót của tế bào con người.

Những ảnh hưởng này xuất hiện cùng với nồng độ cao của các độc tố, dù sao đi nữa chúng ta cũng có lý do để lo ngại.

Theo các công ty như Monsanto, nơi tạo ra các giống ngô biến đổi gen này, độc tố Bt chỉ ảnh hưởng tới một số loài côn trùng cụ thể và không ảnh hưởng đến động vật có vú và con người. Đây là lần đầu tiên, các thí nghiệm đã cho thấy độc tố Bt ảnh hưởng đến tế bào con người.

Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra nhận định về công thức thuốc diệt cỏ nhãn hiệu Roundup của Monsanto, vốn được phun số lượng lớn trên cây đậu nành biến đổi gen. Người ta có thể tìm thấy dư lượng của nó trong thực phẩm và thức ăn gia súc.

Theo báo cáo mới này, chỉ một liều lượng rất nhỏ của Roundup cũng có thể hủy hoại tế bào con người. Những phát hiện này là phù hợp với một số điều tra khác cho thấy các nguy cơ sức khỏe liên quan đến các chế phẩm glyphosate.

“Chúng tôi rất ngạc nhiên về những phát hiện của mình. Cho đến nay, người ta cho rằng hầu như các protein Bt là gần như không thể độc hại với tế bào con người. Tiếp theo, cần phải tiến hành các nghiên cứu để tìm ra cách các độc tố này ảnh hưởng đến các tế bào và tác động khi kết hợp với các hợp chất khác trong chuỗi thức ăn,” Giáo sư Gilles-Eric Séralini thuộc ĐH Caen, người giám sát các thí nghiệm cho biết.

“Tóm lại, những thí nghiệm này cho thấy nguy cơ của độc tố Bt và Roundup đã bị đánh giá thấp”.

Độc tố Bt và đặc tính kháng thuốc diệt cỏ được sử dụng rộng rãi trong các cây trồng biến đổi gen. Trong tự nhiên, protein Bt chỉ xuất hiện trong vi khuẩn đất.

Khi đưa gen độc tính biến đổi vào cây trồng, người ta điều chỉnh cấu trúc độc tố và do đó có thể làm thay đổi độ chọn lọc. Thành phần của các protein (độc tố) trong thực vật rất đa dạng. Nhiều cây trồng biến đổi gen có chứa một vài độc tố Bt cùng lúc.

Ví dụ, ngô biến đổi gen SmartStax tạo ra 6 độc tố Bt khác nhau, do đó về tổng thể, các protein có tỷ lệ của độc tố này cao hơn.

Ngoài ra, các cây trồng biến đổi gen được tạo ra để có thể chịu được thuốc diệt cỏ. Cho đến thời điểm năm 2012, vẫn chưa có nghiên cứu về tác động kết hợp giữa các độc tố và dư lượng thuốc diệt cỏ, và nguy cơ tiềm ẩn của chúng đối với sức khoẻ con người. Trước đây các nhà khoa học vẫn cho rằng tác hại này không thể xảy ra.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự tương tác giữa độc tố Bt và dư lượng thuốc trừ cỏ thực sự có xảy ra. Dưới các điều kiện cụ thể của thí nghiệm, độc tố Bt được biến đổi đã làm giảm độc tính của Roundup. Cần có thêm nghiên cứu để kiểm tra những ảnh hưởng kết hợp tiềm tàng khác dưới các điều kiện khác nhau.

“Những kết quả này rất đáng lo ngại. Cần thi hành một cách nghiêm ngặt các yêu cầu đánh giá rủi ro đối với thực vật biến đổi gen và thuốc bảo vệ thực vật. Với những phát hiện này, chúng tôi cho rằng việc thương mại hóa các loại cây trồng này là không phù hợp với quy định của EU”, theo TS. Christoph Then của tổ chức phi lợi nhuận Testbiotech.

Testbiotech luôn theo sát các đánh giá rủi ro tại Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu EFSA và đã nhiều lần thu hút sự chú ý của xã hội đến những khoảng trống trong việc đánh giá rủi ro về thực phẩm biến đổi gen.

Tóm tắt nội dung báo cáo khoa học

Nghiên cứu tác động kết hợp của các loại thuốc thuốc trừ sâu, từ lâu đã là một thách thức đối với lĩnh vực độc tính sinh học.

Trong trường hợp cây trồng GMO mang nhiều đặc tính ngoại lai (stacked traits), các chất diệt cỏ gốc glyphosate (như thuốc Roundup của Monsanto) phun trên các giống cây chịu được Roundup (đặc biệt là ngô), đã pha trộn với các độc tố diệt côn trùng Bt do chính các loại GMO tạo ra.

Nghiên cứu này đánh giá tác dụng phụ tiềm tàng đối với tế bào con người khi các loại hiệu ứng trừ sâu này kết hợp với nhau.

Các nhà khoa học đã thử nghiệm bước đầu các độc tố Bt Cry1Ab và Cry1Ac ở mức 10ppb đến 100ppm trên tế bào thận phôi người dòng 293 cũng như các hoạt động kết hợp của chúng đối với thuốc trừ cỏ Roundup (gốc Glyphosate) trong vòng 24 giờ, trên 3 dấu ấn sinh học (biomarker) của tế bào chết:

  • đo lường xúc tác phản ứng ôxy hóa axid suxinic thành axid furmaric của enzyme dehydrogenase trong ty thể (mitochondrial succinate dehydrogenase),
  • sự giải phóng enzyme adenylate kinase do biến đổi của màng tế bào
  • sự phân giải protein caspase 3/7.

Cry1Ab gây chết tế bào từ mức 100ppm. Với Cry1Ac, trong điều kiện thí nghiệm, không phát hiện ảnh hưởng nào. Khi kiểm tra Roundup độc lập, Roundup từ mức 1 cho đến 20.000 ppm gây ra hiện tượng hoại tử mô, và mức 50ppm gây ra hiện tượng chết rụng bào, thấp hơn nhiều so với mức pha loãng Roundup khi phun thuốc trong nông nghiệp (nồng độ gây chết 50% sinh vật thí nghiệm ở mức 57,5 ppm).

Tác động kết hợp đáng kể duy nhất được phát hiện là Cry1Ab và Cry1Ac trong thuốc diệt cỏ Roundup gây ra hiện tượng giảm độ linh hoạt của protein caspase 3/7. Điều này có thể trì hoãn việc kích hoạt các tế bào tự chết theo chương trình. Các dấu ấn sinh học khác cũng có xu hướng tương tự.

Theo kết quả này, các nhà nghiên cứu cho rằng độc tố Bt là không trơ với tế bào người, và chúng có thể gây ra các phản ứng phụ khi kêt hợp với dư lượng các thuốc trừ sâu khác có liên quan đến cây trồng biến đổi gen.

Thông tin liên hệ: Giáo sư Gilles-Eric Séralini, Pháp: [email protected] www.criigen.org  

Christoph Then, Testbiotech, Đức: +49.15154638040, [email protected], www.testbiotech.org

Báo cáo đầy đủ của nghiên cứu tại đây

Theo gmfreecymru.org.uk
Thanh Tùng biên dịch

Xem thêm: