Những người yêu thích khám phá vũ trụ đang vui mừng trước tin tức mới từ NASA. Ngày 19/6, một nhóm các nhà thiên văn học xử lý dữ liệu từ nhiệm vụ K2 đã công bố một danh sách các hành tinh có tiềm năng tồn tại sự sống.

NASA vừa phát hiện thêm 10 hành tinh giống Trái Đất (ảnh minh họa, qua NASA Tumblr)
(ảnh minh họa, qua NASA Tumblr)

Trong một cuộc họp báo tổ chức ở Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA, nhóm cho biết họ đã xác định được 219 hành tinh có tiềm năng, 10 trong số đó là có cấu tạo từ đá và nằm trong vùng có thể sống được (habitable zone), xoay quanh các ngôi sao cũng tương tự như Mặt Trời của chúng ta – thuộc loại sao lùn vàng hoặc sao lùn G.

Nói tóm lại, chúng ta vừa tìm ra 10 hành tinh giống Trái Đất.

Trong khoa học, “giống Trái Đất” có nghĩa là những tinh cầu với thành phần hóa học tương đồng với hành tinh xanh của chúng ta, xoay quanh một ngôi sao tương đối trẻ và nằm trong vùng có thể sống được (nơi nước có thể tồn tại trên bề mặt ở dạng lỏng).

Cho tới nay, có tới 4.043 ngoại hành tinh đã được kính quan sát không gian Kepler phát hiện và 2.335 trong số đó đã được xác định. 10 ngoại hành tinh vừa được công bố sẽ nằm trong số 49 hành tinh giống Trái Đất thuộc vùng có thể sống được do Kepler phát hiện, hơn 30 trong số này đã được xác nhận.

Có lẽ phần thú vị nhất trong những tin tức mới này là hành tinh KY 7711, nằm gần ngôi sao nó xoay quanh và đi thành quỹ đạo rất giống với Trái Đất quanh Mặt Trời – nghĩa là nó nhận được cùng một lượng nhiệt, mặc dù nó lớn hơn hành tinh của chúng ta khoảng 1,3 lần.

Thường thì các ngoại hành tinh rơi vào 1 trong 2 loại:

  • Loại “siêu Trái Đất” có đường kính gấp rưỡi Trái Đất, bề mặt đá và thường có ít hoặc không có bầu khí quyển;
  • Loại “sao Hải Vương mini” lớn khoảng gấp đôi đường kính Trái Đất, có bầu khí quyển dày nhưng thiếu bề mặt đá.

Các ngoại hành tinh rơi vào trung gian giữa 2 loại trên, thường nhỏ hơn và vì vậy, cũng khó xác nhận hơn. Nhưng theo như công bố mới này, chúng vẫn đang tồn tại ngoài kia.

Một kỷ nguyên mới đang bắt đầu

Kính quan sát không gian Kepler đã được phóng lên 8 năm trước, vào tháng 3/2009. Nhiệm vụ duy nhất của nó là dò tìm các hành tinh xoay quanh ngôi sao để lọc ra những ứng cử viên tương đồng với Trái Đất. Khi nhìn lại, các nhà khoa học không nghĩ có thể xác định gần 50 ngoại hành tinh giống Trái Đất trong thời gian ngắn đến vậy.

Kính quan sát không gian Kepler. NASA vừa phát hiện thêm 10 hành tinh giống Trái Đất (ảnh: NASA)
Kính quan sát không gian Kepler (ảnh: NASA)

Cả nhiệm vụ Kepler ban đầu và nhiệm vụ K2 đều đóng góp to lớn cho việc tìm kiếm các ngoại hành tinh có thể sinh sống. Mặc dù không thuộc nhiệm vụ chính, Kepler cũng đã cung cấp những hình ảnh đầu tiên về hệ TRAPPIST-1, một trong những hệ đáng chú ý nhất được phát hiện gần đây.

>> NASA phát hiện 7 hành tinh giống Trái Đất trong một hệ mặt trời lân cận

Giờ đây, nhiệm vụ K2 đang đến gần kết thúc sau 4 năm hoạt động, các nhà khoa học đằng sau kính Kepler cho rằng chúng ta đang đi đến cuối kỷ nguyên dò tìm ngoại hành tinh. Nhưng đây cũng là mở đầu của một kỷ nguyên mới: với các nhiệm vụ như Vệ tinh giám sát ngoại hành tinh (TESS) và kính không gian James Webb, chúng ta sẽ có những công cụ mạnh hơn Kepler để quan sát, xác định thêm thông tin về thành phần và khả sinh tồn tại sự sống trên đó.

“Chúng ta sẽ có thể xác định những hành tinh khác giống Trái Đất phổ biến tới mức nào. Có hay không những nơi chúng ta có thể sống trong ngân hà này, ngoài ngôi nhà trên Trái Đất?” bà Susan Thompson thuộc nhóm nghiên cứu Kepler cho biết.

Theo Futurism,
Phong Trần

Xem thêm: