TRAPPIST-1 là ngôi sao nằm trong chòm sao Bảo Bình. Các nhà thiên văn học vừa công bố rằng 7 hành tinh của nó đều có kích cỡ tương đương Trái Đất, có thể có nước ở thể lỏng, và khả năng tồn tại sự sống.

Bề mặt của 1 hành tinh trong hệ mặt trời TRAPPIST-1, theo phác thảo tượng trưng của họa sĩ (ảnh: NASA/JPL-Caltech)
Bề mặt của 1 hành tinh trong hệ mặt trời TRAPPIST-1, theo phác thảo tượng trưng của họa sĩ (ảnh: NASA/JPL-Caltech)

Năm 2016, các nhà thiên văn đã khám phá ra 3 hành tinh xoay quanh ngôi sao TRAPPIST-1. Đây vốn chẳng phải là một ngôi sao đáng chú ý vì nó chỉ to bằng sao Mộc và có ánh sáng yếu, nhưng vì nó chỉ cách Trái Đất 39 năm ánh sáng, các nhà khoa học có thể quan sát bầu khí quyển của các hành tinh này.

Phát hiện mới

Sáng 23/2, các nhà khoa học ở đài quan sát Nam Âu và NASA đã đưa ra một thông báo mới. Họ đã tìm ra thêm 4 hành tinh khác quay quanh TRAPPIST-1. Cách hành tinh trong hệ này không chỉ có kích cỡ tương đương với Trái Đất, mà kết quả đo lường độ đặc còn cho thấy 6 hành tinh trong cùng cũng có cấu tạo từ đá như nơi chúng ta đang ở.

Các thông số của hệ TRAPPIST-1 và so sánh với hệ Mặt Trời (ảnh: NASA/JPL-Caltech)
Các thông số của hệ TRAPPIST-1 và so sánh với hệ Mặt Trời (ảnh: NASA/JPL-Caltech)

Ba trong số những hành tinh này nằm trong vùng có thể sống được (habitable zone). Điều này có nghĩa là, ở cả 3 hành tinh đó có thể có đại dương, và khả năng cao tồn tại sự sống. Những hành tinh còn lại thì ít có khả năng có đại dương, nhưng nhóm nghiên cứu cho biết nước vẫn có thể ở thể lỏng.

Trưởng nhóm nghiên cứu Michaël Gillon cho biết, trong số những nơi từng được tìm thấy, đây là hệ mặt trời có số hành tinh giống với Trái Đất và tồn tại nước ở thể lỏng nhiều nhất. “Đây là một hệ hành tinh đáng kinh ngạc – không chỉ vì chúng tôi đã tìm thấy quá nhiều hành tinh, mà còn vì chúng có kích thước tương đương với Trái Đất một cách đáng ngạc nhiên!”

Đồng tác giả Amaury Triaud nói, ngôi sao TRAPPIST-1 trong hệ này là một “sao lùn siêu lạnh” (ultracool dwarf) “có ánh sáng yếu hơn Mặt Trời của chúng ta rất nhiều. Các hành tinh ở đây cũng phải nằm rất gần ngôi sao thì mới có nước ở thể lỏng. Thật may mắn là các hành tinh của TRAPPIST-1 thực sự nằm sát nhau như vậy.”

Các hành tinh được đặt tên từ b đến h (ảnh: NASA/JPL-Caltech)
Các hành tinh được đặt tên từ b đến h (ảnh: NASA/JPL-Caltech)

Hướng đi cho tương lai

Hệ sao này cách chúng ta 39 năm ánh sáng, nói theo thiên văn học thì chỉ như hàng xóm của hệ Mặt Trời, nhưng thực tế thì phải mất tới hàng trăm triệu năm để đến đó nếu dựa trên công nghệ hiện nay. Tuy nhiên, ý nghĩa của khám phá mới này nằm ở chỗ, ngoài kia thực sự có rất nhiều hành tinh có thể tồn tại sự sống như Trái Đất của chúng ta.

Với sự phát triển của công nghệ, có thể trong một thời gian ngắn nữa con người sẽ tìm ra cách để đi lại trong không gian nhanh chóng hơn nhiều so với bây giờ.

Hiện tại thì kính thiên văn không gian Hubble đang được dùng để nghiên cứu khí quyển của các hành tinh này, theo Emmanuël Jehin, một nhà khoa học nằm trong nghiên cứu. “Với các thế hệ kính thiên văn sắp tới, như Kính Siêu Lớn châu Âu của ESO, kính không gian James Webb của NASA hợp tác cùng các cơ quan không gian khác, chúng ta sẽ sớm có thể dò tìm nước và thậm chí là bằng chứng sự sống trên những thế giới này.”

Video về phát hiện này:

Phong Trần tổng hợp

Xem thêm: