Ngày 21/3, Tổng thống Donald Trump đã ký một dự luật yêu cầu NASA đưa người đến sao Hỏa vào năm 2033. Ngay sau đó một tuần, NASA đã chính thức khởi động dự án và đưa ra lộ trình 5 giai đoạn hết sức chi tiết nhằm hoàn thành nhiệm vụ này.

(Ảnh: NASA)
NASA sẽ đưa con người lên sao Hỏa vào năm 2033 (Ảnh: NASA)

NASA cho biết, hiện họ đang tiến hành những bước đi đầu tiên trong giai đoạn 0, tiến hành các thử nghiệm trên trạm không gian quốc tế ISS và phát triển quan hệ hợp tác với các công ty tư nhân như SpaceX, Boeing, Orbital ATK, cho phép các hãng này tham gia khai thác.

Đến giai đoạn thứ nhất từ năm 2018 – 2025, họ sẽ phóng và thử nghiệm 6 tên lửa SLS. Đây là những tên lửa cỡ lớn sẽ đưa các trang thiết bị lên trạm vũ trụ mới Deep Space Gateway (DSG). DSG sẽ được xây gần Mặt Trăng nhằm hỗ trợ các phi hành gia trên đường tới sao Hỏa.

Tới giai đoạn thứ hai, NASA sẽ tiếp tục đưa Deep Space Transport (DST) lên trạm không gian gần Mặt Trăng vào năm 2027. Sau đó, khoảng năm 2028 – 2029, bốn phi hành gia may mắn sẽ trải qua 400 ngày trong tàu không gian hình ống nặng 41 tấn này để đến gần Mặt trăng. Nhiệm vụ của các phi hành gia là đảm bảo DST hoạt động liên tục.

Giai đoạn ba sẽ bắt đầu vào năm 2030, khởi động với nhiệm vụ chính là bổ sung thêm hàng hóa và nhân lực vào DST bằng tên lửa SLS. Khi DST và phi hành đoàn đã đi vào ổn định, sẽ có một chuyến bay khác của SLS nạp nhiên liệu lại cho tàu vũ trụ. Và một cuộc phóng thử tên lửa khác sẽ đưa bốn phi hành gia đầu tiên đến thăm sao Hỏa.

Giai đoạn bốn sẽ diễn ra sau năm 2033, mặc dù còn khá mơ hồ nhưng đây sẽ là thời điểm NASA dự tính sẽ đưa con người lên sao Hỏa. Tài liệu của Gerstenmaier ghi chép về giai đoạn này là phát triển hệ thống robot để chuẩn bị môi trường sinh sống được và nguồn cấp nhiên liệu, sẵn sàng chào đón những sứ mệnh con người đến Sao Hỏa.

Tuy nhiên, sứ mệnh này có thể hoàn thành theo dự định hay không cũng phụ thuộc vào việc NASA giải quyết được vấn đề về ngân sách. Trong thời điểm thực hiện sứ mệnh Apollo đưa con người lên Mặt Trăng, NASA giữ đến 4% tổng ngân sách của Mỹ. Hiện tại, chi phí này đã giảm xuống còn khoảng 0.5%.

Thêm nữa, để tiến hành sứ mệnh lên sao Hỏa đòi hỏi không chỉ có ngân sách mà cả công nghệ, đồng thời phải đảm bảo cho sức khỏe của các phi hành gia, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của họ, bao gồm cả dưỡng khí, thức ăn, nước uống trong suốt quãng đường có thể kéo dài 2 – 3 năm.  Bắt đầu từ thời điểm lên tàu và khởi hành chuyến đi, tất cả sẽ đóng kín và họ phải ở trong đó trong suốt quá trình, không hề có “nút bấm khẩn cấp” để quay về.

Ngoài ra, NASA còn phải chịu sự cạnh tranh từ các đối tác tư nhân khác, và cũng không ngoại trừ khả năng khu vực tư nhân có thể đánh bại NASA khỏi kế hoạch thám hiểm sao Hỏa. Hiện Boeing và SpaceX cũng đang ấp ủ kế hoạch đưa con người lên sao Hỏa. SpaceX của Elon Musk thậm chí còn đặt ra lộ trình lên đến sao Hỏa vào năm 2022.

Minh Ngọc

Xem thêm: