“Tin tức giả” đã trở thành một vấn đề nóng của năm 2016. Khi so sánh những tin được chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội Facebook, thì số lượng share của tin giả đã vượt qua tin thật.

(ảnh: vox.com)
(ảnh: vox.com)

Đơn cử một ví dụ, theo tờ New York Times đưa tin ngày 17/11/2016, một phát ngôn viên của Tổng thống Philippines – Rodrigo Duterte đã chia sẻ trên Facebook bức ảnh thi thể cô gái trẻ được tin là bị hãm hiếp và giết bởi một tên buôn ma túy, để làm bằng chứng cho ủng hộ chính sách bắn giết người nghiện ma túy của ông Duterte. Nhưng đây lại là một tấm ảnh giả có nguồn gốc ở Brazil. Tuy nhiên, sau khi bị lật tẩy, những người ủng hộ chính sách này vẫn dùng bức ảnh như một bằng chứng để biện minh.

Các câu chuyện trên cho thấy cuộc khủng hoảng truyền thông từ tin đồn xuất phát từ mạng xã hội đang lan tràn khắp nơi. Tại Việt Nam, tin đồn chưa bao giờ là chuyện mới mẻ. Người ta có thể dùng kỹ xảo tạo thông tin và đưa nó vào “vùng xám” để tạo tâm lý nửa tin nửa ngờ, dễ dàng tác động lên đám đông để đạt mục đích nào đó.

Tất nhiên, không thể phủ nhận vai trò của mạng xã hội như một kênh thông tin tự do nơi có rất nhiều câu chuyện quan trọng và ý nghĩa đã được cộng đồng mạng chia sẻ. Nhưng mặt trái của nó là các tin tức giả cũng thỏa sức tung hoành.

Dưới đây là đánh giá của Hossein Derakshan, một tác giả người Iran-Canada, nhà phân tích truyền thông, và nghệ sĩ trình diễn sống tại Tehran. Quan điểm của ông về xu hướng của internet và mạng xã hội có nhiều điểm rất đáng để suy ngẫm:

—***—

“Mạng xã hội đang giết chết công luận bởi nó quá giống TV” – Hossein Derakshan

Nếu tôi nói rằng mạng xã hội đã hỗ trợ Donald Trump đắc cử, bạn có thể nghĩ tới các tin tức giả mạo trên Facebook. Nhưng ngay cả khi Facebook sửa các thuật toán để xử lý các câu chuyện giả mạo, vẫn có một vấn đề đang xảy ra: mạng xã hội đã trở thành hậu duệ hùng mạnh của truyền hình và vượt trên các phương tiện truyền thông khác.

Tôi đã cảnh báo về việc này kể từ tháng 11/2014, khi tôi ra tù sau 6 năm bị giam giữ tại Tehran vì hoạt động trực tuyến ở Iran. Trước khi bị cầm tù, tôi thường xuyên viết blog về chủ đề “web mở” (open web): nó phân tán, lấy văn bản làm trung tâm và phong phú với các liên kết đến các tài liệu nguồn và nền tảng tri thức đa dạng. Nó nuôi dưỡng các ý kiến đa chiều và kết nối đến thế giới sách.

Ảnh minh họa cho khái niệm “web mở”

Sau 6 năm bị ngắt kết nối; rời nhà tù và trở lại trực tuyến, tôi đã phải đối mặt với một thế giới mới xa lạ. Facebook và Twitter đã thay thế blog và đã khiến Internet trở thành giống như TV: bị tập trung hóa và lấy hình ảnh làm trung tâm, với nội dung đặt trong hình ảnh mà không có các liên kết.

Mạng xã hội hiện nay giống như truyền hình vốn ngày càng có tính giải trí, thậm chí mạng xã hội còn vượt qua TV khi nó khuếch đại những niềm tin và thói quen hiện tại của chúng ta. Nó khiến chúng ta chiều theo cảm xúc nhiều hơn suy nghĩ, nó an ủi nhiều hơn là cảnh tỉnh. Kết quả là một xã hội bị phân hóa, dẫn dắt bởi cảm xúc, cực đoan do thiếu liên lạc và thiếu sự cảnh tỉnh từ bên ngoài.

Đây là lý do tại sao từ điển Oxford bình chọn từ “post-truth” (tạm dịch: hậu sự thật) trở thành từ của năm 2016, một tính từ để chỉ “tình huống mà việc định hình ý kiến dư luận phụ thuộc vào cảm xúc và niềm tin có sẵn nhiều hơn sự thật khách quan.”

Tác giả Neil Postman đã nói về điều này trong cuốn sách đáng chú ý năm 1985, “Amusing Ourselves to Death: Public Discourse in the Age of Show Business” (tạm dịch: Vui vẻ tới chết: Công luận trong thời đại của ngành giải trí truyền hình). Thời đó, các học giả truyền thông tại Đại học New York đã thấy truyền hình định hướng công luận đi vào các cảm xúc nhất thời như thế nào, rồi từ đó các cuộc thăm dò ý kiến dư luận cũng bị lệch lạc theo.

Theo Postman, một trong những kết quả đáng sợ nhất của quá trình chuyển đổi này, đó là truyền hình chủ yếu biến tất cả các tin tức thành thông tin sai lạc (disinformation):

Thông tin sai lạc không có nghĩa là thông tin sai sự thật. Nó có nghĩa là thông tin gây hiểu lầm – không đúng chỗ, không liên quan, bị phân mảnh hay thông tin hời hợt – thông tin tạo ra những ảo tưởng về việc hiểu biết nhưng thực tế lại dẫn người ta xa rời sự hiểu biết…

Truyền hình chiếu những nội dung có chủ đề giải trí thì không sao, nhưng vấn đề là tất cả các chủ đề đều được thể hiện với mục đích giải trí.

Và khi tin tức được xây dựng như là một hình thức giải trí, nó chắc chắn sẽ mất đi tác dụng cho một nền dân chủ lành mạnh. Postman viết:

Tôi đang đề cập một vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều so với việc bị tước đi các thông tin xác thực. Điều tôi muốn nói là chúng ta đang mất đi ý thức “hiểu biết thông tin” nghĩa là gì. Sự ngu dốt có thể sửa chữa được. Nhưng phải làm sao nếu chúng ta coi sự ngu dốt cũng đồng nghĩa với hiểu biết?”

Tương tự như vậy, Internet ngày nay cũng ít được dẫn dắt bởi các văn bản và đường link hơn (hyperlink đặt trong văn bản). Internet không chỉ bị nhiễm các căn bệnh như TV, nó còn tạo ra những căn bệnh mới.

Mạng xã hội đã biến thành một loại truyền hình, nhưng nó khác với TV truyền thống ở 1 điểm quan trọng: cá nhân hóa.

Truyền hình truyền thống vẫn đòi hỏi sự bất ngờ ở mức độ nào đó. Những gì bạn xem trên các tin tức truyền hình vẫn được lựa chọn bởi các biên tập viên, và mặc dù nó phải mang tính giải trí để đủ bù đắp cho chi phí sản xuất đắt đỏ, nó vẫn có khả năng cảnh tỉnh và thách thức một vài ý kiến của chúng ta. (và cả cảm xúc)

Ngược lại, truyền thông mạng xã hội sử dụng các thuật toán để khuyến khích sự thoải mái và cưng chiều cảm xúc, vì toàn bộ mô hình kinh doanh của nó tập trung vào việc chiếm lấy tối đa thời gian online của người dùng. Ai muốn quanh quẩn ở một nơi mà tất cả mọi người đều tỏ ra tiêu cực và bài xích kia chứ? Kết quả là các cảm xúc được đẩy mạnh, sự cực đoan của những cảm xúc, và một xã hội bị phân mảnh.

>> Nhìn lại thủ đoạn tẩy não trẻ em của Hitler để hiểu về các chế độ cực quyền

Chúng ta có thể làm gì?

(ảnh: fotolia)
(ảnh: fotolia)

Hiện tượng này được bắt nguồn từ điều sâu xa hơn; các phương tiện truyền thông hoặc công nghệ không thể sáng tạo tin tức; chúng chỉ có thể nhào nặn, chuyển hướng, hoặc gây gián đoạn. Nếu không có sự bất bình đẳng ngày càng tăng, sự co hẹp của tầng lớp trung lưu, công việc bị đe dọa do toàn cầu hoá… có thể sẽ không có Trump hay Berlusconi hay Brexit. Nhưng chúng ta cần phải ngừng suy nghĩ rằng tiến hóa của công nghệ đều là tự nhiên, không thể tránh khỏi và vì vậy luôn luôn tốt. Chúng ta cần nhiều văn bản hơn so với video để con người duy trì lý trí.

Theo Postman mô tả, typography – nghệ thuật sắp đặt và kỹ thuật ghép chữ trong in ấn là một phương thức truyền thông chứa đựng các thông điệp phức tạp có thể kích thích tư duy. Điều này có nghĩa là chúng ta nên viết và đọc nhiều hơn, liên kết thường xuyên hơn, ít xem truyền hình, video hơn và hạn chế thời gian cho Facebook, Instagram và YouTube.

Nếu chúng ta không thể cưỡng lại, và nếu các thuật toán không đưa đến cho chúng ta các quan điểm khác nhau hoặc đối lập, chúng ta nên chủ động đi tìm. Chúng ta có thể theo dõi các nhân vật hay các trang web hữu ích bằng cách tìm kiếm từ khóa liên quan.

Chúng ta cũng có thể lừa các thuật toán bằng cách nhấn “like” những gì mà chúng ta không thực sự thích, vì vậy chúng sẽ mang đến các thông tin đa dạng hơn. Chúng ta có thể khuyến khích truyền thông xã hội tiết lộ một số thuật toán của họ và cho phép tùy biến chúng. Hãy phản ứng với các bài viết bằng lý trí của mình chứ không phải cảm xúc: chúng ta cũng cần các nút đồng ý/không đồng ý, tin tưởng/nghi ngờ thay vì các nút thích/không thích.

Thói quen và cảm xúc đang giết chết chính chúng ta và hành tinh này. Hãy cưỡng lại sức hấp dẫn chết người của chúng.

Hossein Derakshan, technologyreview.com
Thiện Tâm tổng hợp

Xem thêm: