Đầu tháng 2/2018, các nhà khoa học đã lần đầu tiên xác nhận sự tồn tại của các hành tinh ở ngoài dải Ngân Hà. Nhóm nghiên cứu dùng một hiệu ứng thiên văn gọi là thấu kính hấp dẫn (microlensing) và tìm ra hành tinh ở thiên hà xa xôi, cách Trái Đất 3,8 tỷ năm ánh sáng.

hanh tinh thien ha xa xoi 1
Hình ảnh thiên hà làm thấu kính (ở giữa), và 4 chuẩn tinh chiếu sáng (ảnh: ĐH Oklahoma)

Hành tinh ở một thiên hà khác

Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà vật lý thiên văn đã phát hiện được các hành tinh ở ngoài phạm vi hệ Ngân Hà. Những hành tinh này nằm trong khoảng giữa khối lượng của Mặt Trăng và Sao Mộc, và họ có thể khẳng định điều bao lâu nay chỉ mới là giả thuyết: thiên hà của chúng ta không phải là thiên hà duy nhất có hành tinh.

Các nhà nghiên cứu ở đại học Oklahoma là những người đã tìm ra các hành tinh ở thiên hà khác này, và đăng chi tiết nghiên cứu của họ trên tạp chí Astrophysical Journal Letters

“Chúng tôi rất phấn khích về phát hiện này. Đây là lần đầu tiên chúng ta khám phá ra các hành tinh ở thiên hà khác,” Giáo sư Xinyu Dai, Khoa Vật lý và Thiên văn của đại học Oklahoma, cho biết.

Video về phát hiện này:

Microlensing là một hiệu ứng thiên văn trong đó trọng lực của một vật thể bẻ cong ánh sáng đi ngang qua nó. Ánh sáng đó có thể là đến từ ngôi sao hoặc một quasar (chuẩn tinh). Khi vật thể ở giữa Trái Đất và nguồn sáng, hiệu ứng này sẽ tạo ra hình ảnh mà chúng ta có thể phát hiện ra trên Trái Đất.

thau kinh hap dan
(ảnh: A. Feild (STScI) / NASA, ESA)

Đến nay, tất cả các vật thể được phát hiện bằng microlensing đều ở trong giới hạn của dải Ngân Hà. Vậy nên, nhóm nghiên cứu đã dùng dữ liệu của Đài quan sát tia X Chandra của NASA để mở rộng tới những hành tinh ở thiên hà khác.

>> Quan sát được hiện tượng thấu kính hấp dẫn, tái xác nhận thuyết tương đối của Einstein

Triển vọng khám phá ngoài thiên hà

Nếu dùng công nghệ kính viễn vọng như hiện nay thì tuyệt đối không thể nào phân tích được các hành tinh như trong nghiên cứu này. Kỹ thuật microlensing mở ra tiềm năng nghiên cứu những thiên hà ở ngoài dải Ngân Hà. Ông Guerras, một nhà nghiên cứu ở đại học Oklahoma nói: “Đây là một ví dụ cho thấy sức mạnh của kỹ thuật microlensing trong việc phân tích các thiên hà khác.”

“Thiên hà này cách chúng ta 3.8 tỷ năm ánh sáng nên hoàn toàn không có cơ hội để chúng ta quan sát trực tiếp những hành tinh này, ngay cả bằng những kính thiên văn tốt nhất mà người ta có thể tưởng tượng ra trong các phim khoa học viễn tưởng. Tuy vậy, chúng tôi có thể nghiên cứu nó, chứng minh sự tồn tại của nó và thậm chí còn ước lượng được khối lượng của nó.”

Kết luận chắc chắn về các hành tinh ở ngoài dải Ngân Hà thoạt nghe thì bình thường nhưng là một thành tựu rất đáng kể, mở ra nhiều hi vọng trong lĩnh vực nghiên cứu.

Các nhà khoa học tin rằng nếu họ có thể quan sát các thiên hà ở rất xa, thì cảnh tượng chúng ta thu được đã diễn ra ở đó hàng tỷ năm trước. Qua đó nếu giả định các thiên hà hoạt động tương tự nhau, có thể đoán được những gì đã diễn ra ở thiên hà của chúng ta vài tỷ năm trước. Từ đó tìm ra manh mối quá trình hình thành hệ Mặt Trời, Trái Đất, và vì sao các sinh mệnh có trí tuệ lại xuất hiện trên hành tinh của chúng ta.

Mặc dù đây cũng chỉ là một hướng nghiên cứu, với giả định là các thiên hà hoạt động giống hệt nhau, nhưng cũng đủ khiến cho các nhà khoa học hết sức vui mừng vì nó cho phép họ nhìn ra ngoài dải Ngân Hà.

Thành Đô tổng hợp