Hầm tận thế” tại Bắc Cực là nơi lưu trữ “không thể lay chuyển” cho hạt giống của thế giới. Đây là công trình nhằm bảo vệ hạt giống khỏi các thảm họa thiên nhiên và đảm bảo nguồn lương thực cho loài người.

Hầm dự trữ hạt giống thế giới (ảnh qua moya-planeta.ru)
Hầm tận thế, nơi dự trữ hạt giống của thế giới (ảnh qua moya-planeta.ru)

Nhưng công trình này, vốn chôn dưới một ngọn núi nằm sâu trong Vòng Bắc Cực, đã gặp trục trặc khi tình trạng nóng lên toàn cầu làm nhiệt độ năm qua tăng bất thường trong suốt mùa đông, nước tan ra và gây ngập lụt trước cửa đường hầm.

Khi lần đầu mở cửa năm 2008, lớp băng vĩnh cửu bao bọc Hầm tận thế được kỳ vọng sẽ bảo vệ “chắc chắn” chống lại “thách thức của thiên nhiên hay các thảm họa do con người gây ra.”

Hình ảnh 3D của hầm hạt giống toàn cầu Svalbard. (Ảnh: Cultures Nordiques.)
Hình ảnh 3D của hầm hạt giống toàn cầu Svalbard. (Ảnh: Cultures Nordiques.)

Tuy nhiên, thật trớ trêu, mối đe dọa lớn trong thời đại của chúng ta – biến đổi khí hậu – dường như đã không được tính toán kĩ càng trong quá trình xây dựng căn hầm này.

Thay vì tuyết rơi nhẹ vào mùa đông, nhiệt độ Bắc cực tăng cao vào cuối năm ngoái đã gây ra tan băng và mưa to. “Trong kế hoạch, chúng tôi không tính đến việc băng vĩnh cửu mất đi và thời tiết sẽ cực đoan như vậy,” bà Hege Njaa Aschim thuộc chính phủ Na Uy (nước sở hữu Hầm tận thế) cho biết.

“Rất nhiều nước đã tràn vào phía đầu đường hầm và rồi đóng thành băng, vì vậy nơi này trông như một dòng sông băng khi bạn bước vào,” bà cho biết trên tờ Guardian. May thay, nước không chạm đến được hầm lưu trữ, và băng đã được cạy đi hết, những hạt giống quý giá vẫn an toàn ở nhiệt độ lưu trữ yêu cầu là -18 độ C.

Nhưng trục trặc lần này đặt nghi vấn về khả năng của hầm chứa có thể đứng vững trước thảm họa hay không. “Nó được thiết kế để có thể [hoạt động] mà không có con người, nhưng giờ chúng tôi phải theo dõi nó 24 giờ một ngày,” bà Aschim nói.

ham tan the 2

Giờ họ cần quan sát xem nhiệt độ cao vào mùa đông vừa qua là “một lần rồi thôi” hay sẽ lặp lại nhiều lần, hay thậm chí còn cao hơn nữa. Vào cuối năm 2016 vừa qua, nhiệt độ trung bình ở đảo Spitsbergen (bắc Na Uy) đã cao hơn 7 độ so với bình thường, làm băng vĩnh cửu tan ra.

“Bắc cực và đặc biệt là vùng quần đảo Svalbard (Na Uy) đang nóng lên nhanh hơn phần còn lại của thế giới. Khí hậu đang thay đổi nhanh chóng và chúng tôi đều kinh ngạc trước tốc độ này,” Ketil Isaksen thuộc Viện Khí tượng học của Na Uy cho biết.

Những nhà quản lý của “Hầm tận thế” hiện đang phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bao gồm chống thấm cho đường hầm 100m ăn sâu vào núi này, và đào rãnh trên sườn núi để dẫn nước rút đi. Họ còn tháo dỡ các thiết bị điện sản sinh ra nhiệt trong đường hầm, và lắp đặt máy bơm nước trong kho chứa để phòng trường hợp nước tràn vào.

“Hầm chứa này được thiết kế để trường tồn vĩnh cửu,” ông Åsmund Asdal của Trung Tâm Nguồn Gen Bắc Âu cho biết, đây là đơn vị chịu trách nhiệm vận hành “Hầm tận thế.”

Theo Guardian, The Verge,
Sơn Vũ tổng hợp

Xem thêm: