Đan Mạch là đất nước đứng đầu trong việc kiểm soát lãng phí thực phẩm. Vào năm 2015, Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm thông báo rằng, nước này đã giảm số lượng thực phẩm lãng phí xuống 25% trong 5 năm.

(ảnh: Wefood/Facebook)
(ảnh: Wefood/Facebook)

Vậy họ đã làm thế nào? Trả lời cho câu hỏi này, Jonathan Bloom, tác giả của cuốn sách “American Wasteland” (Hoa Kỳ, miền đất của sự lãng phí) đã đưa ra những lý do dưới đây:

1. Đan Mạch có người đi tiên phong

Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của một cá nhân có niềm đam mê. Phong trào chống lãng phí thực phẩm ở Đan Mạch được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo tên là Selina Juul, người di cư từ Nga khi còn là thiếu niên. Juul đã bị sốc khi thấy lượng thức ăn dư thừa tại đây, trong khi tại đất nước nơi cô sinh ra, những kệ hàng lại hoàn toàn trống rỗng. Vì vậy, cô đã thành lập một nhóm, lấy tên là: “Ngừng Lãng phí Thực phẩm”. Hành động này được xem là động lực thúc đẩy khiến chính phủ phải quan tâm đến vấn đề lãng phí thực phẩm.

2. Sự thức thời

Wefood Denmark.jpg.860x0 q70 crop scale
Người dân xếp hàng mua thực phẩm bên ngoài cửa hàng WeFood. (ảnh: WeFood/Facebook)

Chống lãng phí thực phẩm hiện đang trở thành xu hướng, và người Đan Mạch thích sống theo xu hướng. Chính Marie – Công chúa Đan Mạch – cũng từng tham dự lễ khai trương WeFood, một cửa hàng tạp hóa ở Copenhagen chuyên bán thực phẩm quá hạn sử dụng cho công chúng. Người Đan Mạch đã rất nhiệt tình ủng hộ WeFood, đến độ họ xếp hàng mỗi ngày để mua bất kỳ món hàng hóa được quyên tặng nào. Trong khi chỉ có vài người đến để mua được những món hời, hầu hết đều đến vì “lí do chính trị”. Nhu cầu lớn đến nỗi gần đây WeFood đã mở thêm một cửa hàng thứ hai.

>>Đan Mạch: Cửa hàng bán thực phẩm hết hạn sử dụng mở thêm chi nhánh vì quá đông khách

3. Đan Mạch là một quốc gia nhỏ

Với dân số ít và ranh giới địa lý nhỏ, thông điệp “Ngừng lãng phí thực phẩm” có thể truyền đi nhanh chóng và được mọi người tiếp nhận dễ dàng. Người Đan Mạch thực sự quan tâm đến vấn đề này. Khi đến thăm đất nước này, Bloom phát hiện rằng: tất cả mọi người, từ lái xe taxi đến những chuyên gia ẩm thực, cho đến các chính trị gia, tất cả đều háo hức nói về vấn đề lãng phí thực phẩm và lý do tại sao nó là một vấn đề quan trọng. Đây là kết quả của một chiến dịch thành công!

4. Người Đan Mạch có bản tính tiết kiệm

Thực phẩm ở Đan Mạch thực ra khá đắt đỏ. Người dân phải tiêu tốn 11,1% thu nhập cho thực phẩm, trong khi tại Hoa Kỳ số tiền đó chỉ là 6,4%. Khi giá đắt, người ta ít dám lãng phí nó.

Không giống các quốc gia khác, văn hóa “dùng một lần” không thâm nhập được vào cộng đồng người Đan Mạch. Điều này có thể được nhìn thấy trong thiết kế và kiến trúc của nó, mọi thứ dường như được xây dựng để trường tồn mãi mãi.

5. Hầu hết người Đan Mạch biết cách nấu ăn

Vì thực phẩm rất đắt. Người Đan Mạch có xu hướng ăn ở nhà nhiều hơn là đi ra ngoài. Điều này nghĩa là mọi người đều biết cách chuẩn bị bữa ăn cơ bản, chế biến những thức ăn thừa, cả bánh mỳ nướng cũng được dùng lại vào bữa sau. Theo lời của Rikke Bruntse Dahl, nhân viên tại Copenhagen House of Food, một trung tâm nhắm tới nâng cao chất lượng thực phẩm trong nhà bếp công cộng:

“Chúng tôi không muốn lãng phí tài nguyên và muốn tận dụng tối đa những gì mình có, giống như các bà nội trợ tận dụng lại thực phẩm trong ngày”.

Embed from Getty Images

Người Đan Mạch đều biết cách chuẩn bị bữa ăn cơ bản.

6. Tủ lạnh nhỏ

Vì khoảng cách đến chợ ngắn, người dân có xu hướng mua sắm số lượng nhỏ thực phẩm dùng hàng ngày, chứ không mua nhiều trong chuyến đi siêu thị một tuần một lần. Khi bạn có một tủ lạnh nhỏ trong nhà bếp, việc quản lý thực phẩm sẽ trở nên dễ dàng hơn.

7. Sự ủng hộ của chính phủ

Thay đổi chỉ thực sự xảy ra khi chính sách cũng thay đổi. Mùa hè năm ngoái, Bộ trưởng Thực phẩm và Môi trường Đan mạch đã cung cấp gói tài chính gần 750.000 USD để hỗ trợ các dự án giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Những quy định được nới lỏng trong việc bán thực phẩm hết hạn đã giúp WeFood tồn tại và phát triển. Tại Đan Mạch, miễn là thực phẩm quá hạn có nhãn mác rõ ràng và không có dấu hiệu gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thì nó có thể được bán một cách hợp pháp.

Đó là những lý do thuộc về văn hóa Đan Mạch khiến họ có thể hạn chế lãng phí thực phẩm đến mức tối thiểu. Còn bạn thì sao? Nếu không muốn lãng phí thực phẩm trong gia đình mình, hãy bắt đầu thay đổi ngay từ bây giờ.

Theo Tree Hugger
Hoàng Vũ

Xem thêm: