Truyền thông Trung Quốc cho biết họ đã đạt được thành tựu lớn với việc khai thác “băng cháy” ở biển Đông, nhưng vẫn còn nhiều điều phải xem xét về tác hại môi trường cũng như mức độ chúng ta có thể kỳ vọng ở tuyên bố này.

Băng cháy là gì?

bang chay cover

Với trữ lượng lớn gấp 3 lần năng lượng hóa thạch đã biết, băng cháy (gas hydrate-GH, methane hydrate, clathrate hydrate…) hiện được xem là nguồn năng lượng tương lai của nhân loại, nhiều khả năng chính là nguồn nhiên liệu carbon lớn cuối cùng còn sót lại, theo BBC.

“Băng cháy” chính là một hỗn hợp đông lạnh của nước và khí mêtan. Nó hình thành dưới điều kiện nhiệt độ cực thấp và áp suất cao, dưới đáy biển hoặc dưới lớp băng vĩnh cửu trên đất liền.

Trữ lượng lớn của băng cháy đang nằm dưới hầu hết các đại dương trên thế giới.

Khi quan sát băng cháy dưới kính hiển vi, ta sẽ thấy các phân tử nước liên kết với nhau và nhốt phân tử mêtan vào giữa. Khi tăng nhiệt độ hoặc giảm áp suất, hỗn hợp này tan rã thành nước và rất nhiều khí mêtan. 1 mét khối băng cháy có thể giải phóng tới 160 mét khối khí, làm cho nó trở thành nhiên liệu có rất nhiều tiềm năng.

Phân tử khí mêtan bị nhốt giữa các phân tử nước (ảnh: VESTA)
Phân tử khí mêtan bị nhốt giữa các phân tử nước (ảnh: VESTA)

Tuy nhiên, băng cháy lại rất khó chiết xuất và tốn kém – một phần là vì nó bắt cháy quá dễ – chỉ cần một mồi lửa đặt bên cạnh cục băng là nó có đã thể bắt đầu cháy.

Đây là nguồn năng lượng khí lớn nhất trên thế giới nếu được khai thác hợp lý. Đặc biệt, khí từ băng cháy là sản phẩm thân thiện với môi trường và là giải pháp hiệu quả cho vấn đề an ninh năng lượng. Do đó, nó đang được hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ có biển đầu tư nghiên cứu, trong đó dẫn đầu là Canada, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan…

Băng cháy thu được ở vịnh Mexico (ảnh: US Geological Survey)
Băng cháy thu được ở vịnh Mexico (ảnh: US Geological Survey)

Tuyên bố của Trung Quốc

Cho tới nay, Nhật Bản đã dẫn đầu trong việc khai thác nguồn tài nguyên nhiều tiềm năng này. Nhưng những nỗ lực của Trung Quốc có thể tạo thành cột mốc quan trọng trong việc chiết tách khí từ băng cháy. Theo truyền thông Trung Quốc, nước này đã thành công trong việc tách 16.000 mét khối khí mêtan/ngày ở ngoài khơi bờ biển thị trấn Shenhu, cách Hong Kong khoảng 300 km.

(ảnh: straitstimes.com)
(ảnh: straitstimes.com)

“So sánh với kết quả chúng tôi đã thấy từ Nhật Bản, các nhà khoa học Trung Quốc đã chiết xuất được nhiều khí hơn. Xét về mặt này, đây đúng là một bước tiến lớn giúp khả thi hóa việc khai thác khí từ methane hydrates (băng cháy),” GS. Praveen Linga của ĐH Quốc gia Singapore nói với BBC.

Nhưng đây mới chỉ là một bước đi trong cả chặng đường dài, ông Linga cho biết. “Người ta cho rằng phải tới năm 2025 thì chúng ta mới có thể nhìn thấy những lựa chọn thương mại thực tế đầu tiên.”

Và những lo ngại…

Ông Linga cũng cảnh báo rằng việc khai thác yêu cầu sự cẩn thận tối đa bởi tác hại to lớn nó có thể gây ra cho môi trường. Khí mêtan có thể thoát ra và gây hại lớn cho việc nóng lên toàn cầu (lớn hơn nhiều so với CO2).

Nói tóm lại, vấn đề cốt lõi là làm sao khai thác băng cháy mà không gây rò rỉ ra môi trường.

Theo BBC, Inhabitat, danviet
Phong Trần (t/h)

Xem thêm: