Trong khoảng 2 năm qua, anh nông dân Jon Jandai ở Thái Lan đã trở nên khá quen thuộc với độc giả Việt Nam qua video thuyết trình ‘Cuộc đời vốn đơn giản, sao cứ phải làm cho nó phức tạp?’. Anh đã truyền cảm hứng cho mọi người về việc lập nghiệp ở nông thôn, tự gieo trồng, xây nhà, và gìn giữ các nghề thủ công…

Ít nổi tiếng hơn nhiều so với video kể về chặng đường lập nghiệp, video “Seed saving” (Vì sao phải bảo tồn hạt giống) của Jandai kể lại câu chuyện về các nông dân ở ngôi làng của anh đã bị biến thành “nô lệ” như thế nào, khi phụ thuộc vào hạt giống ngoại, phân bón hóa học và thuốc trừ sâu của các công ty thương mại.

Đây là một video (Việt sub) không ngắn, nhưng rất đáng để xem và suy ngẫm: 

“Khi tôi còn nhỏ, không ai bán hạt giống cả. Nó là thứ mà bạn có thể cho mọi người, bạn có thể chia sẻ với mọi người…”

“Nhưng khi công ty này đến, họ đã đưa hạt giống lai cùng với phân bón hóa học.”

“Lúc đầu, giá của nó rẻ hơn 100 baht/kg. Nhưng sau 4, 5 năm, giá của nó tăng lên đến 1000 baht/kg. Và cuối cùng, bây giờ giá của hạt giống dưa hấu lên đến 12.000 baht/kg. Không chỉ với hạt giống dưa hấu, nó xảy ra với tất cả các loại rau quả.” (12.000 baht tương đương khoảng 8 triệu VNĐ)

Và để có tiền mua hạt để gieo trồng tiếp, người nông dân không có cách nào khác là phải vay nợ. Họ trở thành những con nợ với vòng luẩn quẩn không thể thoát ra, phải làm việc vất vả để kiếm tiền trả nợ cho các công ty hạt giống…

“Tất cả các nông dân trở thành nô lệ trên chính mảnh đất của họ”

“Hạt giống hay thực phẩm là một công cụ để biến con người thành nô lệ, nếu bạn không suy nghĩ rõ ràng.”

Vậy giải pháp là gì? Làm sao để bảo tồn những hạt giống tốt mà tổ tiên chúng ta đã chọn lọc và để lại? Jandai kết thúc video với một thông điệp của hy vọng, và giải pháp đơn giản mà chúng ta đều có thể thực hiện để chống lại sự độc quyền hạt giống.

Sơn Vũ

Xem thêm: