Ở Singapore từng xảy ra một chuyện rất kỳ lạ: xe ôtô điện bị phạt do không thân thiện với môi trường.

xe dien tesla
Hình ảnh trạm sạc Supercharger của Tesla (ảnh: Tesla)

Tháng 3/2016, một người Singapore tên Joe Nguyen đã mua xe điện Tesla Model S3 tại Hồng Kông và nhập khẩu về. Những tưởng sẽ được hưởng trợ giá từ chính phủ, anh ta bất ngờ khi chiếc xe bị cho là “không thân thiện với môi trường” sau khi trải qua kiểm nghiệm về khí thải của Singapore đối với xe cơ giới. Do đó, Joe đã phải chi trả 15.000 đô la Singapore tiền phạt (khoảng 11.000 đô la Mỹ).

Nguyên nhân là chiếc xe này tiêu hao quá nhiều điện trong quá trình sử dụng. Theo quy định của Singapore, mỗi Wh điện tiêu thụ có hệ số khí thải tiêu chuẩn là 0.5g CO2. Mặc dù xe điện không thải ra khí CO2, nhưng theo kiểm tra của Cơ quan quản lý vận tải đường bộ (LTA), lượng tiêu thụ điện của chiếc xe này quá cao, tính ra lượng khí CO2 thải ra gián tiếp là 222 g/km, vượt mức tiêu chuẩn cho phép rất nhiều.

Câu chuyện trên đặt ra câu hỏi: Liệu xe điện có thật sự thân thiện với môi trường?

Trong quá trình hoạt động, lượng CO2 mà xe ôtô điện thải ra bằng 0, các chất có hại thải ra cũng bằng 0. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn trong vòng đời của nó vẫn ảnh hưởng tới môi trường, thậm chí khá gay gắt. Có 2 lo ngại chính:

  • Xe điện, và đặc biệt là pin điện, được chế tạo như thế nào
  • Điện mà nó tiêu thụ được sản xuất ra sao

Điện tiêu thụ

xe dien
(ảnh: Alamy)

Thực ra xe ôtô điện có bảo vệ môi trường hay không, 1 yếu tố quan trọng là: nguồn cung cấp điện của quốc gia đến từ đâu.

Nếu điện cung cấp chủ yếu là nguồn sạch như năng lượng gió và mặt trời, vậy thì xe ôtô điện bảo vệ môi trường tương đối tốt hơn so với ôtô xăng. Lấy Mỹ làm ví dụ, theo thống kê của Bộ Năng lượng Mỹ, tính hết cả quá trình sản xuất và vận hành, xe điện như Model S của Tesla thải ra ít hơn 4 lần lượng CO2/dặm so với xe xăng truyền thống. (Lưu ý là bản thân chi phí khí thải của xe xăng cũng rất lớn nếu tính cả công đoạn lọc và xử lý dầu, vận chuyển xăng…)

Nếu nguồn điện được cung cấp từ các nhà máy nhiệt điện, thì việc sử dụng xe ôtô điện không giúp ích nhiều về mặt môi trường. Lấy Đức làm ví dụ, sản xuất điện bằng than vẫn chiếm tỉ lệ cao. Theo báo cáo điều tra ở Đức, lượng CO2 một chiếc xe điện Tesla Model S thải ra trong quá trình sản xuất và vận hành cũng không ít hơn bao nhiêu so với chiếc BMW 3 sử dụng dầu diesel, và vào khoảng 107g/km.

>> Mặt tối của năng lượng tái tạo ít ai nhắc đến

Kim loại hiếm

Việc tính toán sẽ trở nên rắc rối hơn một chút nếu chúng ta đưa vào những dạng tổn hại môi trường khác. Xe điện cần phải nhẹ, chúng cần những kim loại đòi hỏi quá trình chế tác khó hơn. Pin lithium cũng rất nhẹ và đòi hỏi tính dẫn điện cao. Ngoài ra, các kim loại hiếm cũng được dùng, hầu hết là ở các nam châm – trong mọi thứ từ đèn pha cho đến các bảng điện tử.

Những kim loại này thường đến từ các mỏ quặng gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tất nhiên không chỉ là Tesla, toàn bộ xe điện đều có phần trong những vấn đề như vậy. Ngay cả pin năng lượng mặt trời cũng dựa vào kim loại hiếm từ các mỏ quặng với nhiều quy trình xử lý bằng thủ công.

Ví dụ như mỏ đất hiếm ở Giang Tây, Trung Quốc, các nhân công đào các lỗ gần 3m và rót amoni-sunfat vào để hòa tan bùn cát, sau đó kéo các túi tạp chất qua một loạt bể axit, rồi đưa vào lò nung, để tạo ra được thứ đất hiếm dùng trong mọi thứ từ điện thoại cho đến xe điện.

dat hiem trung quoc
1 khu mỏ đất hiếm ở Trung Quốc (ảnh: Ecomerge.blogspot.com)

Tại mỏ khai thác này, đất hiếm chỉ chiếm 0,2% trong những thứ được đào lên khỏi mặt đất, và còn lại 99,8% đều bị nhiễm hóa chất độc hại, và bị đổ lại ra môi trường. Tổn hại này thật khó mà đo lường.

Ngoài ra, một số mỏ khai thác loại khác còn sử dụng thiết bị nghiền đá, lò đốt than… đều tiêu tốn lượng điện, nhiên liệu khổng lồ. Chúng thải ra lượng lớn CO2 trong quá trình chế tạo nguyên liệu cho chiếc xe điện “không khí thải” của chúng ta. Thực ra, việc sản xuất xe điện tạo ra nhiều khí thải cacbon hơn sản xuất xe xăng, đa phần là nằm ở bộ pin năng lượng, theo Union of Concerned Scientists.

“Chúng ta không thể xem khai khoáng là ‘chuyện ở xa’ còn [xe điện] Tesla là ‘chuyện ở đây’. Chúng đều gắn bó khăng khít.” – David Abraham, tác giả quyển The Elements of Power.

>> Biến đổi khí hậu: Đừng chỉ nghe người ta nói, hãy xem họ làm gì

Tái chế pin

Thử tưởng tượng 15 năm tới, khi Model 3 của Tesla ở giai đoạn sử dụng cuối cùng. Những cục pin hết hạn sử dụng sẽ đi đâu? Những cục pin của xe điện Tesla rất lớn, riêng của Model S là nặng khoảng nửa tấn. Vì vậy, việc tìm ra quy trình để tái chế sao cho hiệu năng cao và chi phí thấp sẽ phải tốn thời gian để nghiên cứu, và hiện tại chỉ có một vài công ty chuyên về tái chế pin lithium.

“Khó khăn trong việc tái chế kim loại hiếm là rất lớn, bởi các sản phẩm của chúng ta dùng kim loại này với số lượng rất ít nên sẽ không có đủ lợi ích kinh tế để tái chế,” tác giả David Abraham viết.

Nhưng khi có hàng triệu chiếc xe chạy trên đường và hàng triệu cục pin cũ cần tái chế, bức tranh có thể sẽ khác và lĩnh vực này sẽ hấp dẫn hơn. Ngoài ra, pin cũ của xe ôtô điện cũng vẫn có thể dùng để lưu trữ năng lượng cho tòa nhà hay trong mạng lưới kết hợp với điện mặt trời và gió.

Theo phát ngôn viên của Tesla, hiện công ty đang tái chế tất cả pin được gửi trả về, và khi thị trường pin phát triển hơn nữa nhờ các siêu nhà máy của Tesla, quy mô kinh tế sẽ giúp nâng cao thêm hiệu suất tái chế.

Bạn sẽ chọn gì?

Qua những phân tích trên, có thể thấy rõ xe điện cũng đóng góp một phần kha khá trong khí thải và khí nhà kính của thế giới. Nhưng điều đó nên đặt trong bối cảnh so sánh với xe ôtô chạy xăng truyền thống. Tuy không có vấn đề về pin, nhưng xe chạy xăng cũng có tất cả những vấn đề về kim loại hiếm, cộng thêm phần khí thải cacbon và khả năng gây ô nhiễm không khí cố hữu.

Mẫu xe điện Tesla Model 3 có mức giá 35.000 USD. Tuy nhiên, chính phủ một số nước đang có chương trình trợ giá và miễn thuế để khuyến khích người tiêu dùng. VD, người mua ở Canada có thể được chính phủ trợ giá 6.200 USD, còn riêng Singapore thì con số trợ giá có thể lên tới 22.000 USD, nếu chiếc xe được đánh giá là đủ tiết kiệm năng lượng bởi LTA – cơ quan đã ra quyết định xử phạt chiếc Model S ở phía trên.

Trong vụ xử phạt này, công ty Tesla đã nhanh chóng hồi đáp, đưa ra 1 con số tiêu thụ điện thấp hơn nhiều so với đo lường từ phía Singapore. CEO của Tesla, Elon Musk cho biết đã trao đổi với thủ tướng Singapore, nhưng hiện vụ việc vẫn chưa có kết luận rõ ràng.

Nhưng dù sao đi nữa, xe ôtô điện giá rẻ thực sự đang có nhiều lợi thế, sản phẩm này tuy chưa hoàn hảo, nhưng hy vọng sẽ đẩy xã hội và nền kinh tế theo một hướng tốt hơn là xe xăng truyền thống.

Theo Wired, BBC, Electrek,
Phong Trần tổng hợp

Xem thêm: